Thị trường

Sếp PAN Group: Doanh nghiệp không nên tranh đất với nông dân

(VNF) – Ông Nguyễn Trung Anh, Giám đốc R&D Tập đoàn PAN (PAN Group) cho rằng doanh nghiệp không nên cạnh tranh trực tiếp và phát triển quỹ đất của mình bằng cách lấy đất của nông dân. Thay vào đó, doanh nghiệp cần liên kết sản xuất với nông dân bằng cách thúc đấy hoạt động nghiên cứu và phát triển nông nghiệp.

Sếp PAN Group: Doanh nghiệp không nên tranh đất với nông dân

Nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội cũng như thách thức để phát triển

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao còn nhiều rào cản

Theo ông Nguyễn Trung Anh, những thuận lợi và ưu thế của nông nghiệp công nghệ cao đã được bàn thảo rất rõ ràng, tuy nhiên vẫn có những điểm cần lưu ý.  Đó là không nên làm nông nghiệp công nghệ cao theo phong trào mà nên có chiến lược dài hạn; không nên chỉ tập trung nâng cao sản lượng mà phải nâng cao chất lượng và giá trị của sản phẩm. Bởi phát triển nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi rất nhiều yếu tố.

Thứ nhất là yêu cầu lớn về vốn đầu tư so với phương pháp truyền thống. Một số dự án đầu tư nông nghiệp công nghệ cao có thể yêu cầu vốn đầu tư cao gấp hàng trăm lần. Tỷ suất đầu tư cao có nghĩa là áp lực lớn đối với hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Tại Nhật Bản, mô hình sản xuất nông nghiệp theo phương pháp truyền thống cách đây 30 năm nếu được quản lý tốt vẫn là phương pháp mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn đối với một số dòng sản phẩm và với nhiều doanh nghiệp so với các phương pháp hiện đại tiên tiến nhất.

Thứ hai là yêu cầu hiểu biết rất cao về kỹ thuật canh tác. Nông nghiệp công nghệ cao không chỉ bao gồm một hệ thống máy móc, công nghệ, phần mềm hiện đại mà phía sau đó quan trọng nhất vẫn là các bí quyết công nghệ.

Minh chứng là nhiều giống cây nhập về từ Nhật Bản, Israel trồng trong điều kiện tốt nhất tại Việt Nam với khí hậu tốt hơn nhưng năng suất cũng chỉ đạt 30% - 40%, chất lượng chưa đạt yêu cầu xuất khẩu. Các bí quyết sản xuất này không đơn giản có thể học hay chuyển giao trong ngày một ngày hai mà là một sự tích lũy kinh nghiệm thậm chí qua 2-3 thế hệ trong gia đình.

Sếp PAN Group: Doanh nghiệp không nên tranh đất với nông dân ảnh 1

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam còn nhiều thách thức

Thứ ba là thách thức về mặt thị trường tiêu thụ. Nông nghiệp công nghệ cao nếu thành công sẽ mang lại những bước nhảy vọt về năng suất, có thể gấp 20-30 lần so với các phương pháp truyền thống. Như vậy, đơn vị sản xuất phải tính toán thị trường đầu ra và lựa chọn công nghệ phù hợp có khả năng tạo và tăng giá trị sản phẩm, tránh trường hợp được mùa thì mất giá như vẫn thường xảy ra hiện nay tại nước ta.

Bên cạnh đó, khi áp dụng nông nghiệp công nghệ cao thì thông thường giá thành sản xuất sẽ cao hơn nên nhà sản xuất cũng cần quan tâm đến khả năng chấp nhận của người tiêu dùng.

Thứ tư là khả năng kiểm soát chất lượng sản xuất và tính kỷ luật của người lao động. Nông nghiệp công nghệ cao sẽ tạo ra một cuộc cách mạng công nhân hóa tầng lớp nông dân. Nông nghiệp công nghệ cao yêu cầu ít công nhân hơn nhưng đòi hỏi trình độ tay nghề cũng cao hơn rất nhiều.

Đây là thách thức đối với các nước như Việt Nam khi công nhân vẫn quen với các phương pháp truyền thống, không sử dụng công nghệ thành thạo, và hạn chế về tính kỷ luật trong việc tổ chức sản xuất, sử dụng hóa chất, quan tâm đến lợi nhuận ngắn hạn. Đây cũng sẽ là rào cản kỹ thuật lớn nhất khi triển khai các ứng dụng tiên tiến. Các nhà sản xuất có thể nhận chuyển nhượng được phần cứng dễ dàng nhưng sẽ gặp nhiều vấn đề với việc vận hành các công nghệ kỹ thuật đó.

"Bàn tay hữu hình" đóng vai trò then chốt

Đánh giá về mức độ quan tâm của Nhà nước đối với nền nông nghiệp công nghệ cao, ông Trung Anh nhận định hiện nay Chính phủ đang rất quan tâm, đẩy mạnh hỗ trợ để nông nghiệp công nghệ cao phát triển.

Tuy nhiên, vai trò của Nhà nước, doanh nghiệp và nông dân ra sao; để phát triển và phát triển bền vững nông nghiệp công nghệ cao, thời gian tới, Chính phủ, doanh nghiệp, nông dân cần phải phối hợp như thế nào; cơ chế, chính sách hỗ trợ ra sao... là những câu hỏi rất cần được giải quyết.

Ông Trung Anh cho rằng việc Chính phủ quan tâm, đẩy mạnh hỗ trợ để nông nghiệp công nghệ cao phát triển là một tín hiệu rất tốt vì thực tế nông nghiệp là ngành liên quan trực tiếp đến an ninh lương thực của đất nước và cũng là ngành Việt Nam có nhiều lợi thế hơn các quốc gia khác.

Sếp PAN Group: Doanh nghiệp không nên tranh đất với nông dân ảnh 2

Hỗ trợ của Chính phủ là chìa khóa cho sự thành công của nền nông nghiệp công nghệ cao

Đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao thì các định hướng và các chính sách hỗ của Chính phủ có vai trò quyết định then chốt đối với sự thành công. Vì thế, trong quá trình xây dưng các chính sách hỗ trợ, Chính phủ nên kiến tạo và định hướng nguồn lực chứ không nên theo hướng kiểm soát và phân bổ nguồn lực.

Chẳng hạn, hiện nay Chính phủ đang chỉ đạo nghiên cứu gói tín dụng hỗ trợ 60 - 100 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiện, việc triển khai cụ thể gói tín dụng này như thế nào cho hiệu quả vẫn còn là câu hỏi ngỏ và có nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Trước hết cẩn phải trả lời câu hỏi nguồn tiền ở đâu, cơ chế phân bổ thế  nào, điều kiện nhận hỗ trợ gói tín dụng này ra sao để tránh tình trạng các  doanh  nghiệp lập dự án để sao xin được hỗ trợ mà kh  ông quan tâm đến hiệu quả thực sự của dự án.

"Ở góc nhìn của  mình, chúng tôi cho rằng Chính phủ nên dùng  chính  sách ưu đãi thuế để định hướng nguồn lực (ví dụ miễn, giảm  thuế  thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu các trang thiết bị mà trong nước chưa sản xuất được….) thay vì phân bổ nguồn lực thông qua gói tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp. Đây chính là nền tảng để sản phẩm nong nghiệp công nghệ cao của các doanh nghiệp có thể cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.  Việc ưu đãi miễn giảm thuế giúp  doanh nghiệp có nguồn tài  chính để tái đấu đầu tư, phát triển mạnh và bền vững", ông Trung Anh cho biết.

Doanh nghiệp không nên phát triển quỹ đất bằng cách lấy của nông dân

Ông Trung Anh cũng cho rằng không nên chỉ tập tập trung vào nâng cao năng  suất, sản lượng mà còn  phải tập trung nâng cao chất lượng và giá trị của sản phẩm. Các sản phẩm nông sản của nền nông nghiệp công nghệ cao nên tập trung vào các sản phẩm xuât khẩu và các sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu. Có như vậy thì mới nâng cao được giá trị gia tăng của sản phẩm, mang lại lợi nhuận biên cao về cho đất nước, cho doanh nghiệp và người nông dân, giải quyết được bài toán được mùa, mất giá vốn tồn tại khá phổ biện hiện nay ở nước ta.

Sếp PAN Group: Doanh nghiệp không nên tranh đất với nông dân ảnh 3

Doanh nghiệp cần hợp tác với nông dân để phát triển nông nghiệp công nghệ cao thay vì cạnh tranh quỹ đất với họ

Ngoài ra, cần xây dựng và tạo mối liên kết chặt chẽ giữa 3 nhà: nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông. Doanh nghiệp không nên cạnh tranh trực tiếp và phát triển quỹ đất của mình bằng cách lấy đất của nông dân.

Thay vào đó, doanh nghiệp cần liên kết sản xuất với nông dân bằng cách thúc đấy hoạt động nghiên cứu và phát triển nông nghiệp, mang tri thức và tiến bộ khoa học công nghệ từ nhà khoa học đến với nông dân, giúp họ áp dụng vào thực tiễn, thay đổi tập quán làm nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị các sản phẩm nông nghiêp.

Chính sự liên kết này sẽ giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, giúp người nông dân nâng thu nhập và nhà khoa học có động lực để nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ cao.

Ông Trung Anh cũng khuyến nghị cần tăng cường đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề, có khả năng tiếp thu và vận hành bí quyết, máy móc, công nghệ cao.

"Thực tế, một trong những nguồn lực mà doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao thiếu nhất lúc này không phải là nguồn vốn mà chính là nguồn nhân lực có trình độ có tay nghề cao.  Một khi doanh nghiệp đã có thị trường, có nguồn nhân lực phục vụ sản xuất kinh doanh thì lúc đấy sẽ có rất nhiều nhà đầu tư cả trong và ngoài nước sẵn sàng đầu tư hợp tác với doanh nghiệp", ông nói.

Tin mới lên