Tiêu điểm

Sếp VNPT mong được phê duyệt Đề án tái cơ cấu, chuẩn bị cổ phần hóa vào năm 2019

(VNF) - Chủ tịch VNPT nói ông "mong muốn Chính phủ sớm phê duyệt Đề án Cơ cấu lại Tập đoàn và Chiến lược phát triển VNPT đến năm 2030 để chuẩn bị cổ phần hóa toàn Tập đoàn vào năm 2019".

Sếp VNPT mong được phê duyệt Đề án tái cơ cấu, chuẩn bị cổ phần hóa vào năm 2019

VNPT sẽ cổ phần hóa vào năm 2019?

Ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã đưa ra ý kiến này ra tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ 2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông diễn ra sáng 22/12 tại Hà Nội.

Theo ông Hùng, "Năm 2018 được coi là năm bản lề để VNPT triển khai chiến lược phát triển giai đoạn 2018-2025 và tầm nhìn 2030, chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Tập đoàn theo hướng nâng cao năng suất lao động, tăng trưởng lợi nhuận, đột phá về năng lực cạnh tranh.

"Việc VNPT cổ phần hóa sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại tổ chức hoạt động theo đúng nội dung quy định của Quyết định số 707/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ và chuẩn bị các điều kiện cần thiết nhằm triển khai có hiệu quả công tác cổ phần hóa Công ty mẹ", ông Hùng nói.

Chủ tịch VNPT cho biết để chuẩn bị cho việc cổ phần hóa, Tập đoàn đã thực hiện chủ trương nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp theo hướng hiện đại. Công tác điều hành quản trị doanh nghiệp, phát triển nguồn nhân lực, cơ chế tạo động lực cũng tiếp tục có những thay đổi theo chuẩn mực quốc tế, mang tính đột phá, thể hiện tầm nhìn chiến lược.

Trong năm qua, VNPT đã cùng hãng tư vấn Deloitt xây dựng chiến lược phát triển đến 2020 tầm nhìn 2030, trong đó nhấn mạnh về quản trị nguồn nhân lực hiện đại. VNPT đã đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên số. 

VNPT cũng đã hoàn thành ban hành quy chế về quản trị tài năng, xây dựng quy chế quản trị rủi ro trong tập đoàn, tích hợp sớm quy chế quản trị rủi ro trong các hoạt động của tập đoàn.

Theo báo cáo của VNPT, năm 2017 tổng doanh thu của tập đoàn ước đạt 144.747 tỷ đồng, đạt 100,7% kế hoạch năm, tăng 7% so với thực hiện năm 2016; tổng lợi nhuận ước đạt 5.010 tỷ đồng, đạt 105,6% kế hoạch tăng 21% so với thực hiện năm 2016.

Năm 2017, Tập đoàn VNPT nộp ngân sách nhà nước ước đạt 4.116 tỷ đồng, đạt 105,4% kế hoạch, tăng 9,3% so với thực hiện năm 2016.

Tổng số thuê bao điện thoại đến cuối năm 2017 của VPNT đạt 34,1 triệu thuê bao, trong đó thuê bao di động VinaPhone đạt 31,07 triệu thuê bao. Tổng số thuê bao Internet băng rộng đến cuối năm 2017 của VNPT đạt 4,6 triệu thuê bao, tăng 1.832.000 thuê bao so với năm 2016.

Như VietnamFinance đã đề cập, hồi tháng 3/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến biểu dương Tập đoàn Bưu chính-Viễn thông Việt Nam (VNPT) trong công tác thoái vốn trong thời gian qua.

Cụ thể, VNPT đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng về tái cơ cấu, bán phần vốn ngoài ngành, tuy số lượng chưa nhiều, phần vốn bán khoảng hơn 2.000 tỷ đồng, nhưng hiệu quả rất cao. Đặc biệt, nội bộ đoàn kết, không có đơn thư khiếu nại tố cáo.

"Thủ tướng rất khen ngợi tập thể lãnh đạo VNPT trong thống nhất thực hiện chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng. Không phải nơi nào cũng được như vậy", Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết.

Tuy nhiên, tại thời điểm đó VNPT vẫn còn lại 3 nhiệm vụ quá hạn mà chưa hoàn thành. Cụ thể, đó là việc thoái vốn tại các doanh nghiệp ngoài ngành hoặc doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả triển khai quá chậm so với yêu cầu; việc xây dựng phương án tái cơ cấu Công ty TNHH MTV Tài chính Bưu điện; việc đẩy mạnh các bệnh viện trực thuộc hoạt động theo cơ chế tự chủ theo Nghị định số 16 năm 2015 của Chính phủ.

Ông Mai Tiến Dũng đã đề nghị VNPT giải trình, làm rõ về nguyên nhân dẫn tới 3 nhiệm vụ quá hạn và biện pháp khắc phục trong thời gian tới, nêu rõ mốc thời gian hoàn thành các nhiệm vụ này.

Tin mới lên