Tài chính quốc tế

Siêu dự án 100 tỷ USD của Trung Quốc lại ‘gặp khó’ tại Malaysia

(VNF) - Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad ngày 27/8 tuyên bố người nước ngoài sẽ không được phép mua nhà hay cấp thị thực (visa) để cư trú tại dự án Forest City, có chủ đầu tư là tập đoàn Country Garden Holdings của Trung Quốc.

Siêu dự án 100 tỷ USD của Trung Quốc lại ‘gặp khó’ tại Malaysia

Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad.

Phát biểu trong cuộc họp báo tại thủ đô Kuala Lumpur, ông Mahathir nhấn mạnh: "Một điều chắc chắn là thành phố đang được xây dựng nói trên không thể đem bán cho người nước ngoài. Chúng tôi sẽ không cấp thị thực cho những người đến sống ở đây”.

Vị thủ tướng 92 tuổi khẳng định rằng: “Chúng tôi phản đối khu đô thị được xây dựng dành cho người nước ngoài mà không dành cho người dân Malaysia. Hầu hết người dân Malaysia không thể mua được những căn hộ đó".

Trả lời hãng tin Bloomberg, Country Garden khẳng định đã tuân thủ mọi luật lệ và quy tắc cần thiết trong việc bán nhà cho người nước ngoài, đồng thời đang liên lạc với văn phòng thủ tướng để tìm hiểu rõ hơn phát biểu của Thủ tướng Mahathir.

Siêu đô thị Forest City được xây dựng trên bốn hòn đảo nhân tạo tại Malaysia bởi nhà đầu tư Country Garden của Trung Quốc.

Người đại diện của Country Garden cũng cho biết  tuyên bố này của ông Mahathir thiếu nhất quán với những gì ông đã nói trong cuộc gặp với Chủ tịch Country Garden Yeung Kwok Keung vào ngày 16/8. Trong cuộc gặp kéo dài 40 phút, ông Mahathir nói ông hoan nghênh vốn đầu tư nước ngoài mang lại lợi ích cho Malaysia về tăng trưởng kinh tế và tạo công ăn việc làm.

Kể từ khi Thủ tướng Mahathir lên lãnh đạo chính phủ ở Malaysia, quan hệ song phương giữa Mlaysia và Trung Quốc có phần nguội lạnh so với thời người tiền nhiệm Najib Razak.

Trước khi tái đắc cử vị trí thủ tướng hồi tháng 5 vừa qua, ông Mahathir đã tuyên bố sẽ xem xét lại một loạt dự án có vốn đầu tư từ Trung Quốc nếu trúng cử.

Hành động phản đối dự án khu đô thị Forest City là một phần giúp thúc đẩy chiến dịch tranh cử của ông Mahathir, khi đó ông gọi kế hoạch này và những dự án khác có vốn của Trung Quốc là bằng chứng "người tiền nhiệm Rajib Nazak đang bán Malaysia cho Bắc Kinh".

Forest City bắt đầu được xây dựng từ năm 2016 và là dự án lớn nhất của một nhà đầu tư Trung Quốc tại nước ngoài.

Mới đây, vị Thủ tướng 92 tuổi của Malaysia ngày cũng đã tuyên bố sẽ hủy hai dự án lớn trị giá 22,3 tỷ USD do Trung Quốc đầu tư ở nước này.

Lý do mà ông đưa ra là khoản nợ tích lũy từ hai dự án có thể khiến Malaysia phá sản trong khi quốc gia này chưa thực sự cần đến chúng.

Trung Quốc tìm đến Malaysia trong bối cảnh tại nhiều thành phố của Trung Quốc thị trường bất động sản đang trầm xuống, buộc một số trong các công ty xây dựng lớn nhất thế giới phải tìm kiếm cơ hội ở nước ngoài để bù đắp cho những “thành phố ma” không có người ở mà họ đã xây dựng khi kinh tế Trung Quốc bùng nổ. Và họ cho rằng đặc khu kinh tế này là địa điểm lý tưởng, nơi có diện tích gấp 3 lần Singapore.

Thành phố rừng (Forest City) được khởi công từ tháng 2/2016, dự kiến được hoàn thành vào năm 2040. Được xây dựng trên 4 đảo nhân tạo, đây sẽ là nơi ở của 700.000 người trên một diện tích gấp 4 lần Central Park của New York. Tại đây sẽ có các tòa nhà văn phòng, công viên, khách sạn, trung tâm mua sắm và một trường quốc tế.

Forest City dự kiến được hoàn thành vào năm 2040 với sức chứa 700.000 cư dân.

Forest City là dự án lớn nhất trong số 60 dự án ở đặc khu kinh tế Iskandar Malaysia. Country Garden tự tin vào triển vọng của thành phố rừng bởi vị trí của nó ở gần với Singapore và kinh tế của khu vực đang tăng trưởng tốt.

Chương trình My Second Home (Ngôi nhà thứ hai của tôi) của Malaysia cũng là một lợi thế giúp thu hút khách mua cho dự án Forest City, bởi ngưỡng đầu tư thấp so với chương trình cư trú dài hạn ở những quốc gia khác như Mỹ, Canada, và Singapore.

Chương trình My Second Home của Malaysia cho phép người nước ngoài giàu có được cư trú ở nước này dựa trên visa dài hạn, trong đó người mang quốc tịch Trung Quốc là nhóm tham gia nhiều nhất.

Vốn dĩ ban đầu Forest City chủ yếu hướng đến đối tượng khách hàng là người Trung Quốc. Trước tình trạng “đất chật người đông” và sự ô nhiễm nặng nề từ hoạt động của hàng trăm ngàn nhà máy công nghiệp trên chính quê hương họ mà giới thượng lưu Trung Quốc luôn tìm kiếm một môi trường sống tốt đẹp hơn.

Thế nhưng, sau khi chính phủ Trung Quốc đưa ra những chính sách “ngăn chặn dòng tiền đổ ra nước ngoài” thì những người Trung Hoa Đại Lục thực sự gặp những vấn đề khó khăn khi mua nhà hay sở hữu bất động sản ngoại quốc. Đó cũng chính là một trong những lý do, rất nhiều khách hàng đã đặt cọc thiện chí nhưng buộc phải rút cọc và Country Garden sẵn sàng trả lại tiền cho họ.

Mặc dù gặp một chút rắc rối, nhưng ngay lúc ấy, chủ đầu tư đã nhanh chóng chuyển hướng tấn công và tìm kiếm nguồn khách hàng từ những quốc gia lân cận. Những thị trường mà họ hướng đến sẽ là Nga, Singapore, Thái Lan, Dubai, Việt Nam … Rõ ràng, đây là một trong những biến chuyển quan trọng vừa là thời cơ vừa là thách thức đối với một dự án có quy mô khủng và vốn đầu tư quá lớn.

Sự đổ bộ của các công ty Trung Quốc đã ảnh hưởng đến những công ty địa phương như UEM Sunrise Bhd., Sunway Bhd. và SP Setia Bhd. – những cái tên đã phát triển các dự án ở quanh đây trong nhiều năm qua theo kế hoạch phát triển địa phương của Chính phủ. Lợi nhuận của các công ty này đã bị sụt giảm đáng kể từ khi có sự xuất hiện của các công ty Trung Quốc.

Xem thêm >> Thuộc cấp của Trịnh Xuân Thanh hầu toà trong đại án kinh tế PVTex

Tin mới lên