Bất động sản

Siêu thị trong chung cư: Tiện lợi hay quả bom nổ chậm?

(VNF) – Siêu thị hay các đại siêu thị được tích hợp trong các dự án chung cư đang là một "mốt" trên thị trường nhà ở. Tuy nhiên, trong bối cảnh chất lượng phòng cháy chữa cháy đang ở mức báo động như hiện nay, các siêu thị và đại siêu thị này bị ví như một quả bom nổ chậm, có khả năng gây ảnh hưởng xấu đến an toàn của người sử dụng.

Siêu thị trong chung cư: Tiện lợi hay quả bom nổ chậm?

Siêu thị trong chung cư như bom nổ chậm?

Việc đưa các siêu thị/đại siêu thị vào dự án nhà ở là một trong những biểu hiện của xu hướng phát triển tích hợp – đồng bộ tiện ích, vốn đang rất thịnh hành trong thiết kế chung cư hiện nay. Xu hướng này, một mặt được đánh giá là mang lại nhiều tiện lợi cho cư dân, nhưng mặt khác cũng chứa đựng nhiều khuyết điểm và rủi ro sử dụng.

Nhằm làm rõ hơn những vấn đề này, VietnamFinance đã có cuộc trao đổi với kiến trúc sư Dương Quốc Chính (Công ty Cổ phần Kiến trúc Nội thất Tầm nhìn Sáng tạo - CSAI).

Nhiều hệ lụy từ mô hình tích hợp – đồng bộ tiện ích

- Ông đánh giá như thế nào về mô hình tích hợp – đồng bộ tiện ích trong phát triển chung cư hiện nay?

KTS Dương Quốc Chính: Người Việt Nam có câu "Nhất cận thị, nhị cận giang", tức là thích được ở gần chợ và gần sông để tiện giao thương, đi lại. Vì thế các chủ đầu tư chung cư hay bố trí siêu thị trong tòa nhà, từ quy mô nhỏ đến cấp đại siêu thị. Ngoài ra, với các chung cư cấp trung trở lên còn có các tiện ích khác như phòng tập GYM, bể bơi, sân tennis, trường học từ nhà trẻ đến cấp phổ thông, bệnh viện (phòng khám)…

Nhìn chung, điều đó rất thuận tiện cho cư dân, không phải đi đâu xa cũng có những tiện ích cơ bản để phục vụ cuộc sống. Tuy nhiên, quy mô các tiện ích đó như thế nào cũng cần phải tính toán phù hợp.

- Theo ông, việc tích hợp các tiện ích như nhà hàng, quán bar, cửa hàng tiện lợi và đặc biệt là các đại siêu thị vào trong lòng dự án là lợi hay hại?

Tôi cho rằng lợi hay hại còn tùy thuộc vào quy mô của các tiện ích và cách thức quản lý của chủ đầu tư. Nếu các tiện ích có quy mô vừa phải và chỉ phục vụ nhu cầu của cư dân dự án thì về cơ bản không vấn đề gì. Tuy nhiên, nếu các tiện ích này dùng để phục vụ cho cả khách bên ngoài thì sẽ có nhiều hệ lụy.

Ông có thể chỉ ra các hệ lụy này?

Rất nhiều hệ lụy. Nếu khách bên ngoài vào sử dụng các tiện ích của khu dân cư thì họ sẽ chiếm dụng những tiện ích công cộng của cư dân. Ví dụ như chỗ đậu xe, sân vườn, bể bơi, gây ồn ào trong khu dân cư khi có tổ chức các sự kiện không liên quan đến cư dân. Ngoài ra, các đại siêu thị có nguy cơ cháy nổ rất cao, bệnh viện thì có ảnh hưởng đến môi trường.

Kiến trúc sư Dương Quốc Chính

- Ở nước ngoài, chung cư có được phát triển theo mô hình tích hợp – đồng bộ tiện ích như vậy không?

Theo tôi được biết các chung cư cao cấp tại Singapore không hề có siêu thị dưới khối đế cũng như siêu thị ngầm trong lòng đất. Các chung cư này chỉ có các tiện ích phục vụ cho nhu cầu rèn luyện sức khỏe và vui chơi giải trí của cư dân, như: bể bơi, đường chạy bộ, phòng tập gym, sân vườn…

Sở dĩ họ làm được như vậy vì hệ thống tiện ích – dịch vụ của Singapore rất tốt. Cư dân chỉ đi siêu thị mỗi tuần một lần là đủ, nếu cần mua gì gấp thì đã có các cửa hàng tiện lợi. Còn ở Hà Nội tôi thấy các cửa hàng tiện ích chưa thực sự phát triển, ở TP. HCM thì chỉ mới bắt đầu phát triển các cửa hàng tiện ích phục vụ 24/7.

- Như ông nói thì tôi đang hiểu việc thiếu vắng hệ thống cửa hàng này là lý do khiến các chủ đầu tư Việt Nam buộc phải phát triển dự án nhà ở theo hướng đồng bộ tiện ích?

Cơ bản vì chủ đầu tư Việt Nam cũng tham nhiều chức năng tiện ích để thu tiền từ các tiện ích nữa.

Người dân thì không hiểu biết, cứ tưởng ở trên cái chợ là tiện, đó là quan điểm đã lỗi thời. Thực ra họ đang bị khách bên ngoài cướp mất sự riêng tư, mất tiện ích công cộng và tăng nguy cơ cháy nổ. Đây cũng là điểm khác biệt trong tâm lý sở hữu nhà của người Việt Nam và người nước ngoài. Trong khi dân các nước phát triển thích chỗ ở yên tĩnh thì dân Việt Nam lại thích ở gần chợ.

>> ‘Danh sách đen’ 79 chung cư Hà Nội vi phạm an toàn phòng cháy chữa cháy

- Vậy chỉ cần chủ đầu tư cấm dân bên ngoài vào là xong?

Cái chính là chủ đầu tư không muốn cấm. Họ xây lớn để hút dân bên ngoài vào mà. Chả có ông chủ nào muốn cấm khách hàng chỉ vì nguồn gốc của họ. Nếu cấm thì có thể các tiện ích khổng lồ kia lại chết yểu vì không đủ khách.

Siêu thị có là quả bom nổ chậm?

- Có ý kiến cho rằng siêu thị trong chung cư không khác gì quả bom nổ chậm, ông nghĩ sao?

Tôi cho rằng nguy cơ chết cháy tại các trung tâm thương mại cỡ lớn dưới lòng đất cao hơn ở chung cư. Bởi vì cư dân là người ở cố định, có thể họ đã được tập huấn về phòng cháy chữa cháy. Còn khách bên ngoài vào các trung tâm thương mại này thì đâu có kiến thức gì. Họ cũng không rõ về thiết kế của các trung tâm này và cách thức thoát hiểm cần thiết. Tất cả đều trông cậy vào hệ thống báo cháy và chữa cháy của tòa nhà. Nếu hệ thống đó bị lỗi thì thực sự là thảm họa. Điều này lại càng đáng lo ngại trong bối cảnh hệ thống phòng cháy chữa cháy đang ở mức báo động như hiện nay.

- Là kiến trúc sư, ông nhận định như thế nào về cách thiết kế các siêu thị ngầm dưới lòng đất tại Việt Nam hiện nay?

Về mặt thiết kế tôi cho là không có vấn đề gì nghiêm trọng, ngoài trừ việc vận chuyển hàng hóa vào hơi khó khăn và chi phí xây dựng, vận hành công trình ngầm sẽ rất cao, làm ảnh hưởng đến giá thuê cửa hàng và phần nào ảnh hưởng đến giá các mặt hàng.

Ngoài ra, việc thiết kế thoát nạn phải đặc biệt lưu ý vì khả năng thoát hiểm và cứu nạn từ bên ngoài đối với công trình ngầm là khó khăn hơn công trình nổi rất nhiều.

- Ông cho rằng việc thiết kế và vận hành các siêu thị ngầm này cần tuân thủ các quy tắc nào?

Nguyên tắc cơ bản nhất về kiến trúc, kết cấu và cơ điện thì là đương nhiên rồi, cần đặc biệt lưu ý về phần thoát hiểm, lý do đã nói trên.

Thiết kế đúng chuẩn mới chỉ là 1 điều kiện để an toàn. Quan trọng hơn cả vẫn là khả năng bảo trì, vận hành hệ thống phòng cháy chữa cháy. Bởi vì hệ thống này đa phần là hoạt động bằng cơ khí, như các quạt tăng áp, hút khói, máy bơm nước, đèn exit, các đầu báo cháy, chữa cháy tự động…Tất cả đều phải được bảo trì, thay thế theo đúng quy trình của nhà sản xuất thì mới đảm bảo hoạt động tốt khi có sự cố. Ngoài ra, nhân viên quản lý tòa nhà cũng cần được tập huấn đầy đủ về kiến thức phòng và chống cháy nổ.

Khách thăm quan, mua sắm ở các siêu thị ngầm này cũng nên có kiến thức cơ bản về thoát nạn. Nhiều người ở quê ra, chưa từng biết đến đại siêu thị ngầm dưới đất, đi còn lạc thì rất khó có khả năng tự thoát hiểm ở những chỗ như thế này. Ban quản lý tòa nhà lẽ ra nên phải phát tờ rơi miễn phí ở các sảnh ra vào để cảnh báo các nguy cơ và biện pháp phòng tránh, giống như lên máy bay phải được tiếp viên hướng dẫn về cách thoát hiểm.

Xin cảm ông về cuộc trao đổi này!

Tin mới lên