Ngân hàng

Sở hữu chéo ngân hàng "không sáng như ban ngày"

Sở hữu chéo ngân hàng xuất hiện từ nhiều năm và hiện nay, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đang quyết tâm xử lý dứt điểm tình trạng này.

Sở hữu chéo ngân hàng "không sáng như ban ngày"

Thế nhưng, tình trạng sở hữu chéo theo một số chuyên gia nhận xét "không phải lúc nào cũng sáng như ban ngày".

Sở hữu "lòng vòng"…

Theo công bố của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), tính đến thời điểm tháng 12/2015, ngân hàng này có hai cổ đông lớn gồm Sumitomo Mitsui Banking Corporation chiếm tỷ lệ 15% và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chiếm 8,19%.

Các cổ đông sở hữu dưới 5% vốn điều lệ Eximbank chiếm 76,81%. Trước khi Eximbank tổ chức đại hội đồng cổ đông, xuất hiện 2 nhóm cổ đông Eximbank do bà Nguyễn Thị Xuân Loan đại diện nắm giữ 11,82% cổ phần có quyền biểu quyết và ông Phạm Hữu Phương đại diện nhóm cổ đông nắm giữ số cổ phần chiếm tỷ lệ 10,42% cổ phần có quyền biểu quyết.

Trong khi đó, Eximbank lại đang nắm giữ 8,76% cổ phần tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank). Còn Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) nắm giữ hơn 10% tại Saigonbank...

Đây chỉ là một phần của bức tranh sở hữu chéo trong ngành ngân hàng, trong bức tranh ấy có những mảng tối khiến việc xử lý sở hữu chéo thời gian qua dù quyết liệt nhưng chưa thể dứt điểm. Theo quy định, những cá nhân, tổ chức và nhóm người có liên quan nắm giữ tỷ lệ cổ phần trên 5% cổ phần biểu quyết mới phải báo cáo về tỷ lệ sở hữu cho cơ quan quản lý.

Để tránh phải báo cáo, tỷ lệ nắm giữ cổ phần của các nhà đầu tư được chia nhỏ ra với tỷ lệ thấp hơn 5% vốn cổ phần ngân hàng. Một số người thông qua một số cá nhân hoặc tổ chức khác để nắm giữ tỷ lệ cổ phần của ngân hàng mà không phải công khai. Chính vì sự biến tướng, lách luật này mà việc xử lý tình trạng sở hữu chéo không hề đơn giản.

… để "thâu tóm"

Theo đánh giá của một số chuyên gia, sự biến tướng này sẽ làm cho cơ quan quản lý khó kiểm soát hơn tình trạng sở hữu chéo. Trong thời gian qua, sở hữu chéo mang lại quá nhiều quyền lợi cho người tham gia như thực hiện các khoản vay không minh bạch, tài trợ cho vay những dự án, công ty "sân sau". Điều này dẫn đến nợ xấu trong ngân hàng phát sinh. Cơ quan chức năng đã phải mất khá nhiều công sức, tiền bạc để giải quyết các vấn đề nợ xấu hiện nay. Minh chứng cho điều này là 3 ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước mua lại 0 đồng.

Trong bối cảnh hiện nay, việc nắm giữ cổ phiếu giữa các ngân hàng còn nhằm đến mục đích thâu tóm, sáp nhập lẫn nhau giữa các ngân hàng để đẩy những khoản nợ xấu cho ngân hàng kia.

Với những chiêu thức lách quy định nhà nước như trên, một ngân hàng nhỏ thay vì tập trung nguồn tài chính để xử lý vấn đề tăng vốn, xử lý nợ xấu… lại thực hiện mua cổ phần của một ngân hàng lớn.

Thực tế đã xảy ra tình trạng ngân hàng nhỏ đi mua cổ phần của ngân hàng lớn và sau đó thực hiện sáp nhập vào ngân hàng lớn. Đặc biệt, đứng trước định hướng của Ngân hàng Nhà nước về việc số lượng ngân hàng trong vài năm tới sẽ chỉ còn 15 - 17 ngân hàng, việc thâu tóm, sáp nhập ngân hàng dự báo sẽ diễn ra mạnh hơn, nó mang tính quyết định sự sống còn của một số ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng yếu kém.

Theo một chuyên gia tài chính, vấn đề sở hữu chéo ngân hàng là điều mà các nhà đầu tư nước ngoài quan ngại khi đổ vốn vào ngân hàng. Nhà đầu tư nước ngoài rất sợ mua cổ phần của ngân hàng khi không thể nắm được cơ cấu cổ đông, điều này có liên quan đến vấn đề vận hành của nhà băng đó như thế nào.

Việc tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng không những giúp nhà băng đó gia tăng nguồn lực tài chính mà họ còn hỗ trợ ngân hàng trong nước quản trị, điều hành, phát triển tốt hơn. Chính vì vậy, theo chuyên gia này, cơ quan chức năng cần sớm giải quyết tình trạng sở hữu chéo, cũng như có những giải pháp ngăn chặn sau này thì nguồn vốn nước ngoài mới thật sự đổ mạnh vào ngân hàng.

Tại cuộc gặp gỡ báo chí gần đây, một cổ đông chiến lược nước ngoài lớn tại Eximbank cho biết: "Đứng về góc độ là nhà đầu tư nước ngoài, theo tôi được biết pháp luật Việt Nam cấm sở hữu chéo đặc biệt là lĩnh vực tài chính ngân hàng. Do vậy, nếu vấn đề này có xảy ra, sẽ thuộc thẩm quyền của cơ quan chức năng tiến hành điều tra theo quy trình pháp luật hiện hành".

Trong quá trình tái cấu trúc ngân hàng, vấn đề sở hữu chéo được đánh giá khá nan giải để có thể xử lý dứt điểm. Tại báo cáo Việt Nam 2035 do Chính phủ Việt Nam và nhóm Ngân hàng Thế giới cùng thực hiện đưa ra vào tháng 2/2016 nhận xét: "Tình trạng sở hữu chéo vẫn còn nghiêm trọng tại các ngân hàng tư nhân, giữa ngân hàng với nhau và giữa ngân hàng với doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nhà nước".

Với quyết tâm xử lý sở hữu chéo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước "xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu kém và vấn đề sở hữu chéo".

Để giải quyết dứt điểm tình trạng sở hữu chéo trong ngân hàng, các chuyên gia cho rằng ngoài việc tăng cường giám sát phát hiện sớm sở hữu chéo, cần có quy định hình sự đối với những trường hợp cố tình thực hiện dẫn đến tình trạng sở hữu chéo.

Tin mới lên