Tài chính

Sở hữu khối tài sản 700.000 tỷ, lợi nhuận nửa đầu năm của EVN chỉ hơn 1.000 tỷ

(VNF) – Mặc dù sở hữu khối tài sản lên đến trên 700.000 tỷ đồng nhưng 6 tháng đầu năm 2018, lợi nhuận sau thuế của EVN khá khiêm tốn, chỉ đạt 1.018 tỷ đồng.

Sở hữu khối tài sản 700.000 tỷ, lợi nhuận nửa đầu năm của EVN chỉ hơn 1.000 tỷ

EVN sở hữu khối tài sản trên 700.000 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2018 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nửa đầu năm nay, doanh thu thuần của EVN đạt 161.618 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sau khi trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp của EVN đạt 19.218 tỷ đồng, tăng 19%.

Nửa đầu năm, EVN ghi nhận 2.431 tỷ đồng doanh thu hoạt động tài chính, giảm 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Song song, “siêu tập đoàn” này ghi nhận tới 11.901 tỷ đồng chi phí tài chính, tăng 12%.

EVN cũng ghi nhận 2.937 tỷ đồng chi phí bán hàng, tăng 4,5%; đồng thời ghi nhận 5.306 tỷ đồng chi phí quản lý doanh nghiệp, tăng 12%.

Kết thúc 6 tháng đầu năm 2018, lợi nhuận sau thuế của EVN đạt 1.018 tỷ đồng, giảm 31,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính đến hết ngày 30/6/2018, tổng tài sản của EVN đạt 702.241 tỷ đồng, tăng nhẹ 1% so với hồi đầu năm. Phần lớn tài sản của EVN tập trung ở tài sản cố định với 578.027 tỷ đồng và tài sản dở dang dài hạn với 59.744 tỷ đồng.

Đáng chú ý, tiền và các khoản tương đương tiền của EVN lên đến 52.920 tỷ đồng (trong đó gần 42.800 tỷ là tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn). Nếu tính cả khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (chủ yếu là tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn từ trên 3 tháng đến dưới 1 năm), tổng lượng tiền “nhàn rỗi” của EVN lên đến gần 73.000 tỷ đồng.

Về nguồn vốn, vốn chủ sở hữu đến hết ngày 30/6/2018 của EVN ở mức 214.510 tỷ đồng, tăng nhẹ 1% so với đầu năm. Nợ phải trả lên đến 487.731 tỷ đồng, giảm nhẹ 0,3%; trong đó tổng nợ vay ở mức 397.467 tỷ đồng, giảm 1,7%.

Năm 2018, EVN nhắm đích doanh thu sản xuất kinh doanh điện đạt 328.958 tỷ đồng.

Kế hoạch đầu tư toàn tập đoàn năm 2018 là 117.842 tỷ đồng, bao gồm: 40.192 tỷ đồng trả nợ gốc và lãi vay, 514 tỷ đồng góp vốn đầu tư các dự án điện,   77.136 tỷ đồng là đầu tư thuần (trong đó 31.693 tỷ đồng là đầu tư vào Nguồn điện, 12.778 tỷ đồng vào Lưới điện truyền tải và 32.665 tỷ đồng vào Lưới điện phân phối).

Lũy kế 8 tháng từ đầu năm đã khởi công được 74 dự án điện; đóng điện, đưa vào vận hành 106 dự án 110 - 500kV (500-220kV: 22 dự án; 110kV: 84 dự án).

Về công tác cổ phần hóa đối với các tổng công ty phát điện EVNGENCO1 và EVNGENCO2, EVN cho biết đã báo cáo Bộ Công Thương kế hoạch, tiến độ cổ phần hoá và Bộ Công Thương đã báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép được thực hiện cổ phần hóa tại thời điểm ngày 1/1/2019.

Từ nay đến cuối năm, tập đoàn này cho hay sẽ tiếp tục triển khai thủ tục thoái vốn EVN tại các Công ty cổ phần: Thiết bị điện Đông Anh, Tài chính Điện lực; Tư vấn Xây dựng điện 3, 4 và Phong điện Thuận Bình.

Tin mới lên