Diễn đàn VNF

Sở hữu trí tuệ trong kỷ nguyên TPP sắp tới

(VNF) - Quan điểm của ông Fred Burke, một luật sư giàu kinh nghiệm về môi trường kinh doanh tại Việt Nam, về vấn đề sở hữu trí tuệ trong "kỷ nguyên TPP".

Sở hữu trí tuệ trong kỷ nguyên TPP sắp tới

"Mười hai quốc gia, bao gồm cả Việt Nam, chiếm gần 40% GDP toàn cầu và hơn 30% kim ngạch xuất khẩu toàn cầu, đã nhất trí toàn văn hiệp định thương mại đa phương mới mang tính đột phá - Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương("TPP"), sẽ mang lại cho Việt Nam nhiều cơ hội tiếp cận thị trường xuất khẩu có lợi, và đổi lại, trong số nhiều vấn đề khác, Việt Nam phải nâng cao tiêu chuẩn bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (trong nước cũng như nước ngoài).

1. Xâm phạm quyền tác giả trực tuyến 

Xâm phạm quyền tác giả đang là vấn đề nghiêm trọng tại Việt Nam, đặc biệt là trong kỷ nguyên Internet. Ngày càng có nhiều Nhà cung cấp Dịch vụ Internet (ISP) cung cấp dịch vụ trực tuyến để truyền tải hoặc lưu trữ dữ liệu kỹ thuật số trực tuyến. Internet chứa đựng nhiều rủi ro nghiêm trọng về xâm phạm quyền tác giả, vì người sử dụng Internet có thể dễ dàng truy cập và tải phim, bài hát hoặc sách chỉ bằng một cái nhấp chuột đơn giản.

Thậm chí người sử dụng còn có thể đăng video clip hoặc phim chưa được cấp phép trên nền dịch vụ trung gian.Tác giả của các tác phẩm bị xâm phạm phải gánh chịu nhiều tổn thất khi sản phẩm của họ bị phân phát miễn phí khắp nơi trên thế giới.

Quy định của Việt Nam về trách nhiệm của các ISP trong việc bảo vệ quyền tác giả và các quyền liên quan trong môi trường Internet và viễn thông vẫn chưa đủ. Theo Thông tư liên tịch số 07/2012/TTLT-BTTTT-BVHTTDL ngày 19 tháng 6 năm 2012 của Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ("Thông tư 07"), ISP phải có hệ thống kiểm tra, giám sát, xử lý thông tin đầu vào, lưu trữ, truyền tải để ngăn chặn việc xâm phạm quyền tác giả và các quyền liên quan. 

Thông tư 07 quy định trách nhiệm của các ISP trong việc bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền tác giả và các quyền liên quan trong trường hợp họ là nguồn khởi đầu đăng tải, truyền đưa hoặc cung cấp nội dung thông tin số qua Internet và mạng viễn thông mà không được phép của chủ thể quyền.

Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có bất kỳ quy định cụ thể nào quy định chi tiết những trách nhiệm này. Hơn nữa, vẫn chưa rõ là có cơ chế pháp lý nào để các ISP được miễn trừ trách nhiệm hay không trong trường hợp họ không trực tiếp liên quan đến các hành vi xâm phạm quyền tác giả diễn ra trên hệ thống tương ứng của họ. 

Hiệp định TPP mới không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp tục phát triển các dịch vụ trực tuyến hợp pháp ở vai trò trung gian mà còn quy định thủ tục thi hành cho phép hành động hữu hiệu của chủ thể quyền đối với những hành vi xâm phạm quyền tác giả có thể xảy ra trong môi trường trực tuyến.

Theo dự thảo được tiết lộ gần đây nhất của Chương về SHTT của Hiệp định TPP, ISP có thể được hưởng một số "điểm an toàn" ("safe harbours") đối với các dịch vụ trực tuyến mà họ cung cấp. Đặc biệt, các ISP sẽ không bị phạt tiền đối với những hành vi xâm phạm quyền tác giả ngoài tầm kiểm soát của mình. Pháp luật trong nước có thể cần phải được điều chỉnh để phản ánh sự cân bằng hợp lý giữa lợi ích và tính thiết thực.

2. Bảo hộ cho các nhãn hiệu phi truyền thống

Ngày nay, ngày càng có nhiều công ty tìm cách kết nối thương hiệu của mình đến trái tim và tinh thần của khách hàng thông qua từng giác quan của con người, không chỉ qua mắt nhìn, mà cụ thể còn là âm thanh và mùi vị (chẳng hạn nhạc chuông của iPhone hay Nokia, âm thanh khởi động/tắt của Microsoft Windows).

Xem xét đến chức năng của các hình thức này, nghĩa là các hàng hóa/dịch vụ khác nhau xuất phát từ các dự án kinh doanh khác nhau, mùi vị và âm thanh cần được xem là nhãn hiệu.  Đáng tiếc là các quy định về SHTT chỉ chấp nhận bảo hộ nhãn hiệu hữu hình có hình thức là các ký tự, chữ viết, bản vẽ, hình ảnh hoặc kết hợp giữa các hình thức này, được thể hiện bằng mộthay nhiều màu sắc.

Tuy nhiên, trong bối cảnh của Hiệp định TPP, các Bên bao gồm Việt Nam có thể được yêu cầu công nhận khả năng đăng ký của các nhãn hiệu có chứa các yêu tố về âm thanh và nỗ lực hết sức để đăng ký các nhãn hiệu mùi.  Nội dung đổi mới này một mặt sẽ khuyến khích mỗi công ty sáng tạo và áp dụng những công cụ thương hiệu và marketing mới có hiệu quả, tuy nhiên mặt khác sẽ yêu cầu hệ thống pháp luật của Việt Nam cần có những quy định tiến bộ đột phá về quy trình đăng ký và thực thi liên quan đến các nhãn hiệu không truyền thống nêu trên.

3. Các vấn đề về bằng sáng chế 

Trong số các vấn đề về bằng sáng chế được đàm phán trong hiệp định TPP, có một vấn đề được tranh luận nhiều nhất liên quan đến các sản phẩm dược/thuốc.

a. Tính độc quyền dữ liệu trong các hóa phẩm nông nghiệp/sản phẩm dược

Liên quan đến các sản phẩm dược, các công ty được phép lưu giữ các dữ liệu về kiểm nghiệm hoặc các dữ liệu khác, về sự an toàn và hiệu quả của các sản phẩm, không công bố trong ít nhất 5 năm kể từ ngày được phép tiếp thị sản phẩm mới, tại lãnh thổ của Bên đó. Thời hạn đối với các sản phẩm dược phẩm công nghệ sinh học là 8 năm và các hóa phẩm nông nghiệp là 10 năm.  Để tiếp thị các sản phẩm đó hoặc một sản phẩm dược tương tự, những người thứ ba, khi chưa có sự đồng ý của người đã đưa ra trước đó thông tin về sự an toàn và hiệu quả, cần phải:

(i) chờ 5-10 năm kể từ ngày hết hạn bằng sáng chế để nộp đơn đề nghị chấp thuận tiếp thị; hoặc 
(ii) tự mình tiến hành tất cả các kiểm nghiệm về sự an toàn và hiệu quả các các sản phẩm mới tương tự để thu được thông tin tương tự.

Các quy định này thể hiện một khung pháp lý vững chắc hơn nhằm bảo vệquyền hợp pháp của các công ty có khả năng thực hiện những kiểm nghiệm vô cùng tốn kém về sự an toàn và hiệu quả của dược phẩm, đặc biệt là những nhà sản xuất dược phẩm Hoa Kỳ.  Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra cản trở cho Việt Nam, vì công dân Việt Nam thường không có khả năng chi trả để mua các sản phẩm dược gốc đắt đỏ.

b. Mở rộng thời hạn bảo hộ 

Theo đề xuất của TPP, chủ sở hữu bằng sáng chế có thể được yêu cầu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều chỉnh thời hạn của bằng sáng chế để bù đắp cho những "chậm trễ không hợp lý" xảy ra trong quá trình cấp bằng sáng chế. "Chậm trễ không hợp lý" sẽ gồm có chậm trễ trong việc cấp bằng sáng chế có thời hạn trên 05 năm từ ngày nộp đơn tại Lãnh thổ của Bên đó, hoặc 03 năm sau khi yêu cầu kiểm tra đơn đã được đưa ra, tùy vào sự kiện nào xảy ra sau.  

Điều này cũng sẽ mở rộng thời hạn bảo hộ bằng sáng chế trên mức 20 năm, nghĩa là sẽ kéo dài thêm thời gian các sáng chế được đưa ra công chúng, bao gồm các sản phẩm dược.

Văn bản quy phạm pháp luật trong nước sẽ cần phải giải quyết những vấn đề nói trên trong số nhiều vấn đề khác khi TPP có hiệu lực".

Tin mới lên