Tài chính quốc tế

Số phận cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sau bầu cử giữa kỳ

Kết quả từ cuộc bầu cử giữa kỳ được cho là sẽ ảnh hưởng tới chương trình nghị sự và ưu tiên chính sách của Mỹ trong hàng loạt vấn đề, bao gồm cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.

Số phận cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sau bầu cử giữa kỳ

Kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ tại Mỹ có thể sẽ dẫn đến sự thay đổi đáng kể về cách thức Tổng thống Donald Trump đạt được các mục tiêu nội bộ của ông trong hai năm cuối nhiệm kỳ. Tuy nhiên, kết quả này có thể sẽ không tác động nhiều tới các chính sách thương mại của Mỹ, theo CNBC.

Các chiến lược gia cho rằng quan điểm “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Trump sẽ không đi chệch hướng so với thời điểm hiện tại ngay cả khi phe Dân chủ giành chiến thắng tại Hạ viện trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm nay.

Kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ ngày 6/11 cho thấy, đảng Cộng hòa vẫn giữ quyền kiểm soát Thượng viện trong khi đảng Dân chủ giành quyền kiểm soát Hạ viện. Cả Thượng viện và Hạ viện đều đóng vai trò quan trọng tại quốc hội, cơ quan ra quyết sách lớn nhất của Mỹ, và việc thông qua các dự luật cần có sự phê chuẩn của hai viện.

Điều này được cho là sẽ gây khó khăn cho Tổng thống Trump trong một số lĩnh vực như chi tiêu quân sự hay các thỏa thuận hợp tác làm ăn với nước ngoài, đồng thời khiến ông chủ Nhà Trắng gặp trở ngại hơn trong việc thông qua các dự luật quan trọng.

Tuy nhiên, về chính sách thương mại, Tổng thống Trump được hưởng quyền hành pháp và ông có thể tự thiết lập các quy định, bất chấp việc quốc hội có chia rẽ hay không.

“Điều này xuất phát từ lý do quốc hội không có nhiều khả năng trong việc kiểm soát chính sách thương mại. Phòng Bầu Dục (nơi làm việc của Tổng thống Trump) có thẩm quyền rất lớn trong việc hành động đơn phương, đồng nghĩa với việc tổng thống có thể tự thúc đẩy chính sách thương mại của ông ấy”, các nhà phân tích tại RBC Capital Markets nhận định.

Theo Steven Okun, cố vấn cấp cao tại McLarty Associates, kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ tại Mỹ không làm thay đổi, thậm chí còn khiến cho vấn đề thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên khắc nghiệt hơn.

Cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa tại quốc hội Mỹ đều ủng hộ một lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc về các hành vi thương mại và sở hữu trí tuệ. Do vậy, Tổng thống Trump có thể nhận được sự ủng hộ từ cả hai đảng khi ông gây sức ép với Bắc Kinh nhằm làm giảm thâm hụt thương mại.

Phản ứng của người Mỹ khi theo dõi kết quả bầu cử giữa kỳ ngày 6/11. (Ảnh: Reuters)

“Dân chủ thường là đảng có xu hướng bảo hộ nhiều hơn, trong khi đảng Cộng hòa của Tổng thống Trump cực kỳ “diều hâu” trong tất cả các vấn đề liên quan tới Trung Quốc”, David Adelman, cựu Đại sứ Mỹ tại Sinagpore và là giáo sư trợ giảng tại Đại học New York, nhận định.

Các nhà phân tích trên báo Nikkei (Nhật Bản) nhận định nếu đảng Dân chủ thắng thế trong cuộc bầu cử giữa kỳ Mỹ năm nay, điều đó cũng không dẫn đến sự thay đổi tức thì nào trong lập trường của Washington. Walter Lohman, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á tại Quỹ Di sản ở Washington, các chính sách về thương mại của Tổng thống Trump đối với Trung Quốc cũng gần giống quan điểm truyền thống của đảng Dân chủ.

Những đảng viên Dân chủ, những người muốn Mỹ có lập trường đối đầu với Trung Quốc, sẽ không để Tổng thống Trump tự do đạt được một thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh. Chuyên gia Lohman cho rằng nếu đảng Dân chủ giành quyền kiểm soát tại quốc hội Mỹ, họ sẽ có tiếng nói lớn hơn và có thể tác động tới cách ông Trump giải quyết các vấn đề với Trung Quốc.

Theo ông Adelman, kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ sẽ không tác động tới các chính sách bảo hộ của Tổng thống Trump. Chỉ khi nền kinh tế Mỹ bắt đầu bị ảnh hưởng do cuộc chiến thuế quan của nước này, quốc hội Mỹ mới có lên tiếng với Nhà Trắng.

Tuy vậy, nếu Tổng thống Trump có ý định áp đặt trở lại các hàng rào thuế quan với Liên minh châu Âu (EU) hoặc rút Mỹ khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), phe Dân chủ chắc chắn sẽ can thiệp.

“Mặc dù thương mại không phải vấn đề sống còn với đảng Dân chủ, nhưng họ sẽ không bao giờ ủng hộ một cuộc chiến thương mại với các đồng minh truyền thống (của Mỹ) như EU. Việc rút Mỹ khỏi WTO cũng sẽ không nhận được sự ủng hộ từ đảng Dân chủ”, các nhà kinh tế học tại ING nhận định.

Tác động tới châu Á

Cuộc bầu cử giữa kỳ được đánh giá như một cuộc trưng cầu dân ý về Tổng thống Trump cũng như các chính sách của Mỹ dưới thời ông Trump. Ngoài Trung Quốc, một số quốc gia châu Á khác cũng đang theo dõi kết quả cuộc bầu cử tại Mỹ.

Tổng thống Trump đã tác động mạnh tới khu vực châu Á kể từ khi ông lên nắm quyền cách đây 2 năm. Nhà lãnh đạo Mỹ đã phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, tăng cường quan hệ với Đài Loan, tấn công các đồng minh như Nhật Bản và Hàn Quốc, thậm chí trở thành tổng thống đương nhiệm đầu tiên của Mỹ gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên.

Tổng thống Trump ký sắc lệnh hành pháp. (Ảnh: Reuters)

Theo Joshua Kurlantzick, nhà nghiên cứu cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại - một tổ chức phi lợi nhuận ở Washington, ông không loại trừ khả năng sẽ có sự thay đổi về chính sách của Mỹ với châu Á sau cuộc bầu cử giữa kỳ.

“Luôn có sự chia rẽ đáng kể (giữa hai đảng), đặc biệt về vấn đề nhân quyền, dân chủ, cũng như cách nước Mỹ tiến hành hoạt động ngoại giao ở nước ngoài, và một số vấn đề quan trọng khác như biến đổi khí hậu”, ông Kurlantzich nói.

Đảng Dân chủ sẽ “sử dụng các phiên điều trần và đạo luật để nhấn mạnh vấn đề lạm dụng nhân quyền mà họ cảm thấy Mỹ hiện chưa làm đủ”, đặc biệt tại các nước châu Á như Myanmar, Trung Quốc và Philippines. Về vấn đề Triều Tiên, trong khi đảng Cộng hòa ủng hộ ông Trump thúc đẩy kế hoạch gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un lần hai, đảng Dân chủ cả ở Hạ viện và Thượng viện đều muốn chính quyền Trump có các hành động cụ thể hơn trong vấn đề phi hạt nhân hóa.

Theo Moon Jeong-hee, nhà kinh tế học tại Seoul, nếu đảng Cộng hòa giành chiến thắng ở cả Thượng viện và Hạ viện, điều này có thể càng củng cố thêm chính sách bảo hộ của Tổng thống Trump và gây sức ép nhiều hơn với nền kinh tế dựa vào xuất khẩu của Hàn Quốc.

Về vấn đề Đài Loan, kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ dự kiến sẽ không ảnh hưởng nhiều tới chính sách của Mỹ với hòn đảo này do cả hai đảng đều ủng hộ Mỹ thắt chặt quan hệ với Đài Loan. Đối với Đông Nam Á, cả phe Dân chủ và Cộng hòa đều nhất trí rằng Washington cần tiếp tục viện trợ cho khu vực này để đối phó với những tham vọng của Bắc Kinh, đặc biệt trong vấn đề Biển Đông.

Xem thêm >> Chuyên gia nước ngoài tại Việt Nam kiếm hơn 90.000 USD mỗi năm

Tin mới lên