Tài chính quốc tế

So sánh tên lửa đạn đạo liên lục địa của Triều Tiên và Ấn Độ

(VNF) - Bộ Quốc phòng Ấn Độ ngày 18/1 xác nhận đã phóng thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Agni-V từ hòn đảo Abdul Kalam ngoài khơi bờ biển phía đông Odisha. Tên lửa này có khả năng mang đầu đạn hạt nhân có thể vươn tới hầu hết các thành phố lớn trên lãnh thổ Trung Quốc, theo CNN.

So sánh tên lửa đạn đạo liên lục địa của Triều Tiên và Ấn Độ

Ấn Độ phóng thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Agni-V đủ sức bao phủ toàn lãnh thổ Trung Quốc.

Các nhà phân tích nhận định vụ thử tên lửa không những tăng cường sức mạnh phòng thủ của Ấn Độ, mà còn củng cố năng lực răn đe của New Delhi với các đối thủ trong khu vực.

Agni-5 là tên lửa đạn đạo ba tầng, sử dụng nhiên liệu rắn, nặng khoảng 50 tấn, dài 17,5 m, đường kính thân 2m và có thể mang theo đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân nặng 1 tấn. Sự ra đời của nó là tiền đề để Ấn Độ phát triển các loại tên lửa có tầm bắn xa hơn, nhiều đầu đạn hơn.

Agni-V giúp củng cố năng lực răn đe của New Delhi với các đối thủ trong khu vực.

Với tầm bắn khoảng 5.000 km, Agni-V có thể đưa gần như toàn bộ các điểm ở châu Á, Trung Quốc cùng một số phần của châu Âu và châu Phi vào tầm tấn công hạt nhân.

Một trong những đặc điểm quan trọng của tên lửa Agni-5 đó là nó có thể sử dụng các hệ thống dẫn đường vệ tinh, gồm GPS, Glonass và Hệ thống vệ tinh định hướng khu vực của Ấn Độ (IRNSS), vì vậy "sẽ rất khó khăn để phát hiện, theo dõi và đánh chặn nó. Đó là điểm mạnh của tên lửa Agni-5", ông Chander nói.

Thông báo của Bộ quốc phòng Ấn Độ cho biết cuộc thử nghiệm đã "tăng cường khả năng răn đe đáng tin cậy" của quân đội nước này, và là "lực đẩy lớn cho khả năng phòng thủ đất nước".

Ấn Độ tham vọng gia nhập câu lạc bộ tên lửa liên lục địa toàn cầu.

Thông tin về vụ thử tên lửa Agni-V được công bố đúng một ngày sau khi Bộ quốc phòng Ấn Độ thông báo sẽ mua hơn 160.000 khẩu súng, trị giá 533 triệu USD, để trang bị cho lực lượng quân sự tại các khu vực biên giới tranh chấp và ở độ cao lớn.

Hãng AP cho hay, Ấn Độ đã phát triển hệ thống hạt nhân và tên lửa trong những năm gần đây, giữa bối cảnh cuộc cạnh tranh địa chiến lược giữa New Delhi và Bắc Kinh leo thang.

Loạt động thái củng cố năng lực quân sự của quân đội Ấn Độ diễn ra trong bối cảnh căng thẳng Trung-Ấn có dấu hiệu leo thang trở lại.

Ngay sau vụ thử tên lửa của Ấn Độ, tờ Thời báo Hoàn Cầu lên án "tham vọng của Ấn Độ về việc gia nhập câu lạc bộ tên lửa liên lục địa toàn cầu". Tờ này chế giễu, ICBM thông thường có tầm bắn khoảng 8.000 km, trong khi Agni-V chỉ đạt 5.000 km.

"Không ăn thua" so với tên lửa Triều Tiên

Các chuyên gia quân sự lập tức đem tên lửa Agni-V của Ấn Độ và tên lửa Hwasong-15 của Triều Tiên "lên bàn cân" để so sánh.

Hồi cuối tháng 11/2017, Triều Tiên tuyên bố nước này đã phóng thử thành công Hwasong-15, một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mới có thể bao phủ toàn bộ lãnh thổ Mỹ.

"Đó là ICBM mạnh nhất, đáp ứng mục tiêu hoàn thiện chương trình phát triển tên lửa của Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên" - Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) tuyên bố.

Nhà vật lý David Wright, đồng Giám đốc Chương trình An ninh Toàn cầu của Liên hiệp các nhà khoa học Mỹ (UCS) đánh giá: "Nếu các số liệu là chính xác, và nếu bay theo quỹ đạo tiêu chuẩn thay vì quỹ đạo cao hơn bình thường (lofted trajectory) thì quả tên lửa này có thể đạt tầm bắn trên 13.000 km".

Hwasong-15 có thể bao phủ toàn bộ lãnh thổ Mỹ.

Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, dựa trên phân tích các bức ảnh do Triều Tiên công bố hôm 30/12, quả tên lửa mới dài hơn tên lửa cũ 2m, đường kính rộng hơn tên lửa cũ 0,4-0,8m.

Michael Elleman, nghiên cứu viên tại Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) nhận định: "Hwasong-15 lớn hơn đáng kể so với Hwasong-14, và các tính toán ban đầu chỉ ra rằng tên lửa mới có thể mang vũ khí hạt nhân kích cỡ vừa phải tới bất cứ thành phố nào trên lục địa Mỹ".

"Hwasong-15 cũng đủ lớn và mạnh để mang theo các mồi nhử đơn giản và các biện pháp phòng tránh khác nhằm vô hiệu hóa hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia (NMD) hiện nay của Mỹ", ông nói thêm.

Bất chấp các nỗ lực chống phổ biến vũ khí của cộng đồng quốc tế, tên lửa mang đầu đạn hạt nhân, thậm chí bom nguyên tử vẫn được âm thầm hoặc công khai phát triển. Nơi nào có tranh chấp lãnh thổ, tầm ảnh hưởng, còn mâu thuẫn sắc tộc và tôn giáo nơi đó còn phát triển tên lửa.

>> Nhật, Mỹ muốn 'ép' Triều Tiên sau vụ 'nhầm' tên lửa

Tin mới lên