Công nghệ

Startup với tham vọng đưa công nghệ nhận diện khuôn mặt lên mọi smartphone

Nhận diện khuôn mặt là công nghệ chủ chốt trên iPhone X – flagship cao cấp nhất mới được ra mắt trong thời gian gần đây của Apple. Nhưng, sẽ ra sao nếu như mọi smartphone đều có thể làm được điều tương tự?

Startup với tham vọng đưa công nghệ nhận diện khuôn mặt lên mọi smartphone

Startup FaceTec có tham vọng đưa công nghệ nhận diện khuôn mặt lên mọi smartphone

Theo MIT Technology Review, không giống như mật khẩu, khuôn mặt của bạn là duy nhất – ngay cả những anh em sinh đôi cũng sẽ có điểm khác nhau – và đây cũng chính là điểm mạnh của công nghệ nhận diện khuôn mặt, thứ sẽ giúp chúng ta xác thực mọi thứ trong tương lai, từ kinh doanh chứng khoán cho đến trò chơi điện tử, khi sinh trắc học sẽ ngày càng trở nên phổ biến (và mạnh mẽ) trên điện thoại thông minh.

Tuy nhiên, trong khi một số công ty, như Apple, tin rằng cách tốt nhất để làm được điều này là dùng các cảm biến để định dạng khuôn mặt bạn dưới dạng ba chiều và chỉ có thể đưa lên các điện thoại cao cấp, một startup ở Las Vegas, Mỹ hiện đang có tham vọng đưa công nghệ này lên mọi loại smartphone.

Công nghệ mang tên Zoom của FaceTec dùng một "chiến thuật" khác với Apple để xác định xem bạn có phải là người thật hay không (chứ không phải là ảnh hay video), và bạn có phải là chủ nhân của chiếc điện thoại hay không. Nó sẽ chủ ý đến sự biến dạng xảy ra khi bạn di chuyển khuôn mặt của mình lại gần camera, sau đó phân tích, so sánh hình ảnh vừa ghi nhận được với hình ảnh đã được lưu trên máy.

Xu hướng loại bỏ mật khẩu đã và đang diễn ra được nhiều năm, và những công nghệ sinh trắc học như máy quét vân tay và mống mắt hay nhận diện khuôn mặt đều đã được lựa chọn là giải pháp thay thế trên smartphone – tuy vẫn chưa gặt hái được nhiều thành công. 

Tuy nhiên, nhận diện khuôn mặt nói riêng là thứ được người dùng quan tâm nhất, và việc Apple đưa công nghệ này vào chiếc iPhone cao cấp nhất của mình sẽ có thể giúp những công ty như FaceTec có được thành công trên thị trường bằng cách làm cho nó trở nên dễ tiếp cận hơn.

Kevin Alan Tussy, Giám đốc điều hành của FaceTec cho biết, công ty đã nghiên cứu công nghệ nhận diện khuôn mặt của mình trong gần 4 năm, và họ hi vọng rằng các ngân hàng hay các dịch vụ thanh toán trực tuyến sẽ tích hợp công nghệ này vào các ứng dụng của họ (công nghệ này hoàn toàn miễn phí với những doanh nghiệp nhỏ, các tổ chức giáo dục và phi lợi nhuận). Một vài ngân hàng đã tiến hành thử nghiệm thí điểm, và FaceTec cũng đã cung cấp các công cụ phần mềm của họ cho các nhà phát triển sử dụng.

Một ứng dụng demo trên hai hệ điều hành Android và iOS mang tên Zoom Login – với mục đích đưa bạn qua các bước thiết lập và xác minh – sẽ cho bạn thấy được cách thức hoạt động của công nghệ này. 

Để thiết lập, bạn sẽ chụp một vài tấm ảnh selfie trong khi giữ điện thoại ở hai khoảng cách khác nhau (đầu tiên là cách mặt 30cm, sau đó sẽ lùi lại gần về phía mặt khoảng vài cm). Để đăng nhập, bạn cũng sẽ làm điều tương tự. Công nghệ này dường như có thể hoạt động trong bóng tối như iPhone X: trong một căn phòng tối, ánh sáng hắt ra từ màn hình là đủ để ứng dụng có thể nhận diện được khuôn mặt.

Theo ông Tussy, Zoom thu thập một lượng các khung hình video và sau đó nhận biết sự thay đổi của các đặc điểm trên khuôn mặt khi camera tiến lại gần. Phần mềm sẽ phân tích các hình ảnh ngay trên điện thoại, và một chiếc smartphone phân khúc bình dân cũng đủ để làm việc này.

Marios Savvides, Giám đốc Trung tâm Sinh trắc học Cylab tại Đại học Carnegie Mellon nhận định, phương pháp của FaceTec là khá hợp lí và có thể nhận biết được nếu như kẻ gian sử dụng ảnh để đánh lừa hệ thống nhận diện.

Tuy nhiên, ông không chắc liệu công nghệ này có thể ngăn chặn một người nào đó sử dụng mặt nạ ba chiều để sử dụng điện thoại hay không (Apple cũng đã "dạy" Face ID biết cách nhận dạng người dùng đeo mặt nạ với sự trợ giúp của Hollywood).

Ông Tussy khẳng định, AI của công ty có thể nhận biết được nếu có người sử dụng mặt nạ hay đầu ma-nơ-canh để đánh lừa nó. Độ chính xác của Zoom phụ thuộc vào cách nó được cấu hình, với tỉ lệ sai từ 1/50.000 (ngang với Touch ID) đến 1/1.000.000 (ngang với lời khẳng định của Apple với Face ID).

Tuy nhiên, Rich Mogull, Giám đốc điều hành của công ty nghiên cứu bảo mật Securosis cho rằng, việc công nghệ này hoàn toàn phụ thuộc vào phần mềm cũng đồng nghĩa với việc "nó sẽ cần thêm sự bảo vệ của phần cứng để có thể đạt được mức độ bảo mật ngang hàng với công nghệ của Apple".

Ông cũng nhận định, FaceTec chắc chắn sẽ có thể đưa công nghệ của mình đi vào hoạt động, và nó sẽ an toàn hơn so với nhận dạng khuôn mặt hai chiều. "Nhưng tôi sẽ rất kinh ngạc nếu nó có thể phổ biến hơn hay bảo mật hơn so với những phương pháp khác mà chúng ta đang thấy ngày nay", ông nói thêm.

Tin mới lên