Công nghệ

Cộng đồng mạng lo ngại 'nguy cơ tiềm ẩn' với các startup

(VNF) - Startup tại Việt Nam liệu có nản lòng với quy định khá chặt của Bộ luật Hình sự 2015, dự kiến sẽ có hiệu lực sau hai tuần nữa?

Cộng đồng mạng lo ngại 'nguy cơ tiềm ẩn' với các startup

Cộng đồng mạng đang bày tỏ sự lo lắng đối với các quy định mới liên quan đến quy định về tội "cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông" trong Bộ luật hình sự 2015.

Trên trang cá nhân, Luật sư Trần Đức Hoàng từ EZLAW nói đây là "cơn ác mộng của các Startup Việt Nam". Theo đó, từ ngày 1/7 sắp tới, Bộ luật hình sự 2015 sẽ có hiệu lực, và tội "Kinh doanh trái phép" sẽ được bãi bỏ, tức không còn bị xử lý hình sự. 

Tuy nhiên, trong khi tội "Kinh doanh trái phép" được bãi bỏ, thì trong Bộ luật hình sự 2015 đã quy định thêm một loại tội hình sự mới  là tội "cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông" (Điều 292 BLHS 2015). 

Theo đó, người nào cung cấp các dịch vụ như sàn giao dịch thương mại điện tử, trung gian thanh toán điện tử, trò chơi điện tử, và các loại dịch vụ khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không có giấy phép hoặc không đúng nội dung được cấp phép thì có khả năng bị truy tố hình sự.

Theo luật sư Hoàng, đây là "một cơn ác mộng cho hầu hết startup tại Việt Nam" vì đại đa số Startup Việt Nam và trên toàn thế giới là tập trung vào công nghệ thông tin và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ kỹ thuật số trên mạng máy tính và mạng viễn thông. 

Việc phi hình sự hóa tội kinh doanh trái phép là không có ý nghĩa gì với đại đa số Startup, doanh nhân trẻ, hay những nhà lập trình tài năng của đất nước khi mà Điều 292 của Bộ luật hình sự 2015 đang hình sự hóa hầu hết những gì mà các Startup đang muốn làm.

"Kinh doanh, cung cấp dịch vụ trên mạng intenet là hướng đi phát triển bắt buộc của cả thế giới, không chỉ nói riêng Việt Nam. Việc bỏ hình sự hóa kinh doanh trái phép đối với hầu hết những ngành nghề cổ điển, truyền thống, nhưng vẫn hình sự hóa đối với những lĩnh vực công nghệ mới là một bước đi lùi của đất nước Việt Nam", ông viết.

Luật sư cũng nhấn mạnh thêm rằng từ lâu, hiện tượng "hình sự hóa kinh tế" của nhà nước ta đã trở thành nỗi sợ của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và các doanh nghiệp khởi nghiệp - Startup. 

Chẳng hạn, Điều 292 BLHS 2015 có hình phạt nặng hơn rất nhiều so với hình phạt của tội Kinh doanh trái phép trước đây. Người phạm tội, tức người không xin phép cung cấp dịch vụ trên mạng, có thể đi tù đến 5 năm (thay vì 2 năm như trước), bị cấm hành nghề hoặc làm một công việc nhất định trong tối đa 5 năm, và đặc biệt có thể bị tịch thu toàn bộ tài sản.

"Việc hình sự hóa "cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông" trong bối cảnh Nhà nước đang nỗ lực kêu gọi toàn xã hội giúp Việt Nam trở thành một đất nước khởi nghiệp là không tưởng và phi thực tế. Một đất nước khởi nghiệp là một đất nước không trừng phạt, không bắt đi tù, và đặc biệt không tịch thu toàn bộ tài sản của những con người mới khởi nghiệp nhưng mắc sai lầm không xin phép làm những gì mà họ đam mê", ông Hoàng nhấn mạnh.

Nhiều ý kiến trên các mạng xã hội cho rằng có vẻ như quy định trên quá cứng nhắc và chặt chẽ trong bối cảnh câu chuyện Startup đang được "làm nóng" ở Việt Nam, cả trong các diễn đàn lẫn hoạt động thực tế, khi mà các cam kết về việc hỗ trợ Startup cũng liên tục được đưa ra trong thời gian gần đây.

Trong khi đó, theo ghi nhận của VietnamFinance, hiện có xu hướng các bộ ngành đưa ra các điều kiện kinh doanh mới đối với lĩnh vực quản lý của mình.

Trao đổi với báo chí ngay sau khi nhận được các kiến nghị của doanh nghiệp về điều kiện kinh doanh thông qua Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết tinh thần  chung là đối với các điều kiện kinh doanh đã được ban hành trái thẩm quyền, nếu điều kiện nào chưa được rà soát và không đưa vào trong các nghị định tương ứng sẽ đương nhiên hết hiệu lực từ ngày 1/7/2016.

Trong quá trình rà soát, sửa đổi các điều kiện kinh doanh, CIEM đã đề nghị các bộ, ngành rà soát, đánh giá lại tác động, hiệu quả các điều kiện kinh doanh hiện có, trên cơ sở đó quyết định bãi bỏ, bổ sung hay đưa vào nghị định để đảm bảo tính pháp lý của các điều kiện kinh doanh.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, chúng tôi chưa có được thông tin chính xác về việc có bao nhiều điều kiện kinh doanh đã được rà soát và trong số đó bao nhiêu điều kiện được bãi bỏ (tức là không đưa lên Nghị định), bao nhiêu được sửa đổi đơn giản hóa. 

"Nếu các bộ, ngành không công khai, minh bạch về việc có bao nhiều điều kiện kinh doanh đã được rà soát, trong số đó bao nhiêu điều kiện được bãi bỏ (tức là không đưa lên Nghị định), bao nhiêu được sửa đổi đơn giản hóa, bao nhiều điều kiện kinh doanh mới được bổ sung, thì xã hội và cộng đồng doanh nghiệp có quyền nghi vấn. Vấn đề ở đây chính là trách nhiệm giải trình và công khai hóa thông tin của các bộ, ngành liên quan", ông nói.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI), cộng đồng doanh nghiệp cho biết họ không sợ điều kiện kinh doanh, mà chỉ sợ điều kiện kinh doanh không minh bạch. 

"Việc soạn thảo các quy định về điều kiện kinh doanh phải được lấy ý kiến cả doanh nghiệp lớn và nhỏ, phải đánh giá tác động để tính chi phí đầu vào tối thiểu, khả năng gia nhập thị trường của doanh nghiệp mới cũng như có bao nhiêu doanh nghiệp đang tồn tại đáp ứng quy định mới. Các công việc này cần được công khai. Với doanh nghiệp, minh bạch là quan trọng nhất", ông Tuấn nói.

Tin mới lên