Công nghệ

Sinh viên chính trị hỏi Thủ tướng cách khởi nghiệp

Nam sinh Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam đã đưa ra câu hỏi khởi nghiệp, đồng thời đề nghị Thủ tướng chia sẻ về thời thanh niên trong buổi đối thoại sáng 16/10.

Sinh viên chính trị hỏi Thủ tướng cách khởi nghiệp

Thủ tướng ‘mở lòng’ với sinh viên về khởi nghiệp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Trong buổi đối thoại giữa Thủ tướng, các bộ trưởng, Bí thư Trung ương Đoàn với thanh niên, sinh viên, doanh nhân trẻ sáng 16/10 tại Đại học Quốc gia Hà Nội, Phạm Đông Hiếu (Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam) đã nêu ra vấn đề khởi nghiệp của những người học ngành chính trị.


Phạm Đông Hiếu hỏi Thủ tướng. Ảnh: TN.

"Thưa Thủ tướng, vấn đề khởi nghiệp đối với sinh viên ngành chính trị thế nào, vì chính trị không như các ngành kinh tế. Xin Thủ tướng chia sẻ về thời thanh niên để sinh viên học hỏi kinh nghiệm?", Phạm Đông Hiếu nói.

Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng mọi ngành nghề đều đòi hỏi sáng tạo khi khởi nghiệp. Với chuyên ngành chính trị như Hiếu, có thể sáng tạo ra phần mềm để phổ biến, định hướng, tiếp cận được nhiều người hơn là phương pháp truyền thống. Thay vì chỉ mở lớp học khoảng 100 người, phần mềm sẽ giúp tiếp cận, dẫn dắt hàng chục nghìn người.

"Khởi nghiệp đòi hỏi sự sáng tạo cao của trí tuệ từng người, sự dấn thân chứ không hạn chế, bó hẹp trong ngành nghề nào. Mọi lĩnh vực đều có thể tìm ra con đường khởi nghiệp của bản thân", Thứ trưởng Đông chia sẻ.


Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông (bìa phải) và Bộ trưởng Lao động Đào Ngọc Dung cùng đối thoại với sinh viên. Ảnh: Võ Hải.

Chia sẻ với nam sinh viên Học viện Thanh thiếu niên, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, tại hội trường hôm nay chắc chắn có rất nhiều cán bộ Đoàn, các bạn hãy "cháy hết mình, hãy cống hiến hết mình, hữu xạ tự nhiên hương".

"Tôi xin nói vài thông số: Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết là cán bộ Đoàn; 50% Bí thư, Chủ tịch các tỉnh đều trưởng thành từ cán bộ Đoàn; nhiều lãnh đạo bộ, ngành, doanh nghiệp đang ngồi đây cũng từng là cán bộ Đoàn", Bộ trưởng Lao động thông tin.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay, kinh nghiệm của ông là "làm việc bằng tất cả nhiệt huyết, khả năng của mình rồi cuộc sống sẽ trả công xứng đáng những gì mình cống hiến".

Người đứng đầu Chính phủ cho biết, các vị bộ trưởng, thứ trưởng đang đối thoại với sinh viên khi ở giảng đường đại học chắc chắn không ai nghĩ sau này sẽ thành người này, người kia.

"Chúng ta cống hiến, làm việc bằng hết khả năng vì đất nước, được tập thể công nhận, tôn vinh. Chứ ngay khi ra trường nghĩ tôi phải làm việc này việc kia thì khó thành công. Kiên trì, quyết liệt, dám nghĩ, dám làm thì ngành kinh tế hay chính trị đều có thể thành công như nhau", Thủ tướng nói.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ ý kiến về khởi nghiệp với sinh viên. Ảnh: TN.

Theo Thủ tướng, những ai có ước mơ, hoài bão vào sự nghiệp, muốn thành danh, làm chủ doanh nghiệp, nhà lãnh đạo, thì phải tập trung trí lực, cố gắng vươn lên, khắc phục khó khăn để lập nghiệp.

Ông Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trong khởi nghiệp, có thể có người thành công, có người kém may mắn. Nhưng điều quan trọng là dám sống với ước mơ của mình, được trải nghiệp trên hành trình lập nghiệp.

Dẫn chứng thành công của những tỷ phú như Jack Ma (Chủ tịch Alibaba); Mark Zuckerberg, ông chủ mạng xã hội Facebook và đồng sáng lập Microsoft - Bill Gates, Thủ tướng cho hay, trên thế giới có người thành công ở tuổi 20, nhưng cũng có tỷ phú thành danh ở tuổi 40.

"Hạnh phúc của họ không phải là kiếm được nhiều tiền mà quan trọng hơn là những ảnh hưởng tốt đẹp mà họ tạo ra cho xã hội, cho thế giới. Vì họ dám đam mê, dám sống với đam mê và thực hiện đến cùng đam mê đó", Thủ tướng nói.

Sáng 16/10, lần đầu tiên Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam phát động Cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp sinh viên Start - up Student Ideas nhằm nâng cao nhận thức của sinh viên về vấn đề khởi nghiệp, "tập dượt" cho quá trình lập nghiệp sau khi ra trường. Đối tượng tham gia cuộc thi là sinh viên Việt Nam đang học tại các đại học, cao đẳng trên toàn quốc; sinh viên Việt Nam đang học tập ở nước ngoài đăng ký dự thi theo cá nhân hoặc nhóm không quá 3 người.

Thời gian dự thi từ 16/10/2016 và kết thúc vào ngày 26/3/2017. Cơ cấu giải thưởng gồm một giải nhất 50 triệu; hai giải nhì mỗi giải 30 triệu; ba giải ba trị giá 20 triệu/giải. Các ý tưởng dự thi xuất sắc sẽ được hỗ trợ kết nối với doanh nghiệp đầu tư.

 

Tin mới lên