Tài chính

Sửa Nghị định tránh việc ngân hàng không chịu chia cổ tức cho Bộ Tài chính

(VNF) - Theo Bộ Tài chính, thời gian qua có trường hợp các ngân hàng chia cổ tức cho cổ đông nhỏ, nhưng cổ đông nhà nước lại không chia và giữ lại phần lợi nhuận để điều chỉnh tăng vốn.

Sửa Nghị định tránh việc ngân hàng không chịu chia cổ tức cho Bộ Tài chính

Tại buổi họp báo chuyên đề chiều ngày 29/4, Bộ Tài chính đã thông báo một số nội dung Dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung một điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp.

Trong đó, Dự thảo Nghị định bổ sung quy định về trách nhiệm của người đại diện vốn nhà nước trong việc thu cổ tức, lợi nhuận được chia vào ngân sách nhà nước nhằm tăng cường xử lý trách nhiệm thu vào ngân sách nhà nước phần cổ tức, lợi nhuận được chia đối với phần vốn góp của Nhà nước. Việc này nhằm tránh trường hợp cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định để lại doanh nghiệp và điều chỉnh tăng vốn điều lệ

Cụ thể, người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp chi phối của nhà nước phải báo cáo xin ý kiến của cơ quan đại diện chủ sở hữu và sau khi cơ quan đại diện chủ sở hữu đã thống nhất với Bộ Tài chính việc phân chia phần lợi nhuận còn lại để tham gia ý kiến, biểu quyết và quyết định tại Đại hội đồng cổ đông, cuộc họp của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên.

Quy định này tương tự quy định đối với người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp là ngân hàng thương mại cổ phần tại Nghị định số 57/2012/NĐ-CP ngày 20/7/2012 của Chính phủ và thực tế điều hành việc này của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn tại một số doanh nghiệp cổ phần thời gian qua).

Ông Đặng Quyết Tiến - Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, việc sửa đổi bổ sung này xuất phát từ việc ngân hàng muốn giữ lại lợi nhuận, không chia cổ tức để tăng vốn nhưng Bộ Tài chính lại muốn thu cổ tức về.

Quy định này sẽ tránh trường hợp một số doanh nghiệp muốn tăng vốn bằng lợi nhuận để lại nhưng việc tăng vốn này đồng nghĩa với việc Nhà nước sẽ tăng quy mô vốn sở hữu tại doanh nghiệp đó.

"Có trường hợp chia cổ tức cho cổ đông nhỏ còn cổ đông nhà nước thì không chia. Không muốn chia phải có ý kiến", ông Tiến nói.

Trước đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã ký văn bản gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng về việc chi trả cổ tức của hai ngân hàng BIDV và Vietinbank.

Văn bản của Bộ Tài chính nêu rõ, Quốc hội đã ban hành Nghị Quyết số 99/2015/QH13 giao dự toán thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2016 từ lợi nhuận còn lại và cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước của các công ty cổ phần có vốn góp do bộ, ngành, địa phương đại diện chủ sở hữu và số lợi nhuận còn lại sau khi trích nộp các quỹ theo quy định của pháp luật của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sở hữu 100% là 55.000 tỷ đồng.

Về chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quy định: "Việc phân chia phần lợi nhuận còn lại do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tự quyết định. Đối với tổ chức tín dụng là ngân hàng thương mại cổ phần do nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ, người đại diện vốn nhà nước tại ngân hàng phải lấy ý kiến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và thống nhất với Bộ Tài chính về việc phân chia lợi nhuận còn lại để biểu quyết tại đại hội đồng cổ đông".

Theo quy định, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên phải nộp vào ngân sách nhà nước khoản lợi nhuận, cổ tức được chia tương ứng với phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty.

Do đó, Bộ Tài chính đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước tại BIDV và Vietinbank biểu quyết chia cổ tức năm tài chính 2015 bằng tiền mặt và nộp toàn bộ số cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước tại hai ngân hàng nêu trên vào ngân sách nhà nước.

Năm 2015, hai ngân hàng BIDV và Vietinbank đều có kết quả kinh doanh tốt, lợi nhuận trước thuế lần lượt là 7.036 tỷ và 7.360 tỷ đồng. Năm 2015, Ngân hàng Vietcombank cũng tiến hành trả cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 10%. 

Hiện phần vốn Nhà nước tại VietinBank là 64,46%, còn tại BIDV là hơn 95%.

Sau nhiều lần "đánh tiếng" đòi quyền lợi từ Bộ Tài chính, phải đến đầu năm 2017, Vietinbank mới chốt lại được phương án trả cổ tức bằng tiền mặt cho năm 2015, với tỷ lệ 7%. Trong khi, BIDV giữ nguyên mức chi trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 8,5%.

Theo Công ty Chứng khoán TP. HCM (HSC), giả sử rằng BIDV và VietinBank sẽ chi trả cổ tức tiền mặt tương ứng ở mức 8,5% và 8%, ngân sách nhà nước sẽ thu về khoảng 2.700 tỷ đồng từ BIDV và 1.900 tỷ đồng từ VietinBank.

Cả BIDV và VietinBank đang cố gắng để tăng thêm vốn và theo HSC, việc phát hành cổ tức cổ phiếu là một quãng nghỉ phù hợp để 2 ngân hàng có thêm thời gian thu xếp vốn. Nếu kế hoạch đó không thực hiện được, 2 ngân hàng sẽ phải chi trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông nói chung chứ không phải chỉ riêng cho cổ đông Nhà nước.

HSC tính toán, việc trả cổ tức tiền mặt sẽ làm suy giảm tỷ lệ an toàn vốn của mỗi ngân hàng từ 0,3% đến 0,4%. Do đó, việc tăng thêm vốn cấp 1 sẽ trở thành một vấn đề thực sự cấp bách nếu các ngân hàng muốn duy trì mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay.

Đề nghị của Bộ Tài chính được đưa ra trong bối cảnh bội chi ngân sách ở mức cao, thu ngân sách ngày càng khó khăn do giá dầu vẫn chưa thể hồi phục như kỳ vọng. Do đó, không ít ý kiến cho rằng, đề nghị của Bộ Tài chính có liên quan đến việc thu ngân sách đang gặp khó như hiện nay.

Tin mới lên