Diễn đàn VNF

Sửa quy định để thúc nhanh tiến trình cổ phần hóa

Bộ Tài chính đang xây dựng nghị định thay thế Nghị định 59/2011/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần.

Sửa quy định để thúc nhanh tiến trình cổ phần hóa

Ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính)

Ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết việc sửa các quy định về cổ phần hóa là nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thực hiện để đẩy nhanh tiến trình này. Ông nói: 

"Cho đến tận thời điểm này, CPH vẫn là vấn đề rất mới mẻ trên thế giới. Mới tới mức, ngay trong từ điển tiếng Anh, từ "equitisation" để chỉ CPH còn phải chú thích là hình thức đa dạng hóa sở hữu doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam.

Hiện nay, ngoài Việt Nam, chưa có nền kinh tế nào trên thế giới chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp nhà nước bằng hình thức "equitisation", mà người ta chỉ có tư nhân hóa. Thậm chí, ngay cả Trung Quốc cũng chưa tiến hành CPH, mà chỉ đa sở hữu doanh nghiệp nhà nước. Do là vấn đề rất mới ngay cả với thế giới, nên phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, từ đó hoàn thiện dần chính sách từ thấp đến cao, khắc phục những hạn chế, bất cập nảy sinh".

- Nói tóm lại, CPH là quá trình "dò đá qua sông"?

Nói "dò đá qua sông" trong trường hợp này không chính xác, bởi CPH không phải mò mẫm, là đi trong khi không biết phía trước khó khăn, nguy hiểm thế nào, mà là quá trình vừa làm, vừa rút kinh nghiệm trên cơ sở thực tiễn và khoa học cùng với tiến trình đưa nền kinh tế theo cơ chế thị trường có định hướng và hội nhập kinh tế quốc tế.

Nhưng quan trọng hơn, mỗi lần sửa đổi, bổ sung hay thay thế nghị định cũng như các văn bản hướng dẫn liên quan đến chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần, thì việc CPH, hay nói nôm na là bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp, sát với thị trường hơn, công khai hơn, minh bạch hơn và tránh được thất thoát vốn, tài sản nhà nước như quá trình tư nhân hóa ở một số nước, đặc biệt là các nước Đông Âu đã từng gặp phải.

Đơn cử, những năm đầu tiến hành CPH, các văn bản hướng dẫn như Nghị định 28/1996/NĐ-CP, Nghị định 25/1997/NĐ-CP, Nghị định 44/1998 quy định CPH khép kín, không thuê tư vấn mà toàn bộ quá trình được thực hiện trong nội bộ, CPH không gắn với thị trường. CPH công khai, minh bạch, gắn với thị trường và nhiều nội dung khác nữa dần dần được thể hiện bằng các nghị định sau này, như Nghị định 64/2002/NĐ-CP, Nghị định 187/2004/NĐ-CP…

Trong vòng 5 năm qua, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam ngày càng sâu rộng trên cơ sở thực hiện hàng loạt hiệp định thương mại tự do. Trong vòng 5 năm tới, tốc độ hội nhập kinh tế còn diễn ra mạnh mẽ hơn qua việc thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nhiều nội dung trong Nghị định 59/2011/NĐ-CP và Nghị định 189/2013/NĐ-CP, Nghị định 116/2015/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung Nghị định 59/2011/NĐ-CP) sẽ không còn phù hợp, nên cần phải ban hành một nghị định mới thay thế với mục đích là khắc phục những hạn chế, vướng mắc phát sinh, đồng thời thể chế quan điểm bình đẳng giữa nhà đầu tư, cổ đông trong và ngoài nước theo các cam kết hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

- Việc thay thế Nghị định 59/2011/NĐ-CP còn nhằm đẩy nhanh tiến trình CPH đang diễn ra quá chậm, thưa ông?

Trong giai đoạn 2011 - 2015 đã sắp xếp được 588 doanh nghiệp, trong đó CPH 508 đơn vị với tổng giá trị của 508 đơn vị này là 760.774 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 188.274 tỷ đồng. Trong 2 năm đầu tiên của giai đoạn 2011-2015 chỉ CPH được 25 đơn vị. Trong khi đó, năm 2016, năm đầu tiên thực hiện tiến trình CPH giai đoạn 2016 - 2020 đã có 56 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH, với giá trị doanh nghiệp 34.017 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 24.390 tỷ đồng.

Mỗi người có cách nhìn nhận về số liệu trên, tôi không bình luận về tiến trình CPH năm 2016 nhanh hay chậm, mà chỉ muốn nói rằng, thường thì thời gian đầu thực hiện nhiệm vụ mới, kế hoạch mới, các văn bản pháp lý còn trong quá trình xây dựng mới, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, nên việc triển khai chưa thể đi ngay vào nề nếp được.

- Thường thì trong thời gian xây dựng nghị định, tiến trình CPH diễn ra rất ì ạch do doanh nghiệp có tâm lý chờ đợi văn bản mới. Lần này chắc không phải là ngoại lệ và như vậy thì ít nhất trong 6 tháng đầu năm 2017, tiến trình CPH vẫn tiếp tục ì ạch?

Đúng là có tình trạng doanh nghiệp cố tình lợi dụng thời gian xây dựng nghị định mới để giãn tiến độ CPH. Lường trước thực tế này, song song với tiến trình xây dựng nghị định thay thế Nghị định 59/2011/NĐ-CP, Bộ Tài chính sẽ xử lý đối với những đơn vị cố tình trì hoãn CPH. Không có bất cứ lý do gì để "câu giờ" vì hầu hết các quy định về CPH hiện hành vẫn còn phù hợp, vẫn tiếp tục được quy định trong nghị định thay thế.

Nghị định mới một mặt thống nhất 3 nghị định hiện hành vào một văn bản để dễ tra cứu, mặt khác bổ sung một số nội dung như quy định đối với tổ chức tư vấn nước ngoài tham gia cung cấp dịch vụ liên quan đến CPH, đồng thời giảm thiểu thủ tục hành chính như bỏ quy định trình tự, thủ tục công bố danh sách tổ chức tư vấn định giá của Bộ Tài chính mà giao cơ quan đại diện chủ sở hữu… Hiện tại, bán cổ phần lần đầu được thực hiện theo 3 phương thức là đấu giá công khai, bảo lãnh phát hành, thỏa thuận trực tiếp, song theo nghị định mới sẽ có thêm phương pháp dựng sổ (book building).

Nói tóm lại, ngay cả khi chưa có quy định bổ sung, tiến trình CPH không hề gặp trở ngại, nên không có bất cứ lý do gì để trì hoãn, "câu giờ".

Tin mới lên