Tiêu điểm

Suy ngẫm nhân Ngày Báo chí Việt Nam: Doanh gia và văn nhân

(VNF) - Có hai thời điểm, cách nhau dài đến tận những 100 năm, ở Việt Nam mới xuất hiện nhiều người giàu, tiền muôn bạc vạn, với tư cách là những chủ thể kinh tế tư nhân.

Suy ngẫm nhân Ngày Báo chí Việt Nam: Doanh gia và văn nhân

Suy ngẫm nhân Ngày Báo chí Việt Nam - 21/6 (1925-2018): Doanh gia và văn nhân.

Khoảng cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, có nhiều nhà tư sản dân tộc, ngày đó được gọi là những doanh gia. Và hiện nay, từ cuối thế kỷ 20 đến đầu thế kỷ 21 này, mới lại xuất hiện những triệu phú, tỷ phú tiền đô, giờ được gọi là doanh nhân, là những CEO, những chủ tịch, tổng giám đốc các tập đoàn kinh tế tư nhân.

Cách nhau về thời gian dài cả một thế kỷ mới lại có cơ hội để cho nhiều người nỗ lực bền bỉ mà thành giàu có, tên tuổi được xã hội nhắc nhớ làu làu. Ở giữa hai cơ hội ấy là dằng dặc thời gian, chiến tranh, cơ hàn, máu lửa đau thương, rồi đến trăn trở, tìm tòi, đổi mới, vượt lên… Ngẫm ra thì thấy, bảo làm giàu không khó là không đúng một chút nào. Làm giàu là rất khó! Tài trí, khát vọng, quyết tâm làm giàu thì những con dân đất Việt này thời nào cũng có, cũng bền bỉ, cung nung nấu… Nhưng muốn giàu lớn là phải có cơ hội mới đạt đến được. Hiểu rõ điều này sẽ giúp cho những doanh nhân thời nay quý trọng hơn, nâng niu cơ hội hơn để càng nỗ lực hơn vì may mắn đắc thời của mình mà làm giàu.

Trong câu chuyện trở thành các nhà tư sản dân tộc những năm đầu thế kỷ 20, đều có những yếu tố phi thường, những cạnh tranh, sóng gió khốc liệt…

Thử khảo sát qua người nổi tiếng nhất thời ấy là Bạch Thái Bưởi (1874-1932), ta đã thấy, các doanh nhân hậu bối, gian khó chưa là gì so với ông cả. Mồ côi cha từ rất sớm, cậu bé Đỗ Thái Bửu phải lăn lộn cùng mẹ bán hàng rong để kiếm sống. Rồi cậu bé may mắn được một gia đình khá giả họ Bạch nhận làm con nuôi, chu cấp tiền cho ăn học, cũng vì ơn ấy mà cậu đổi sang họ Bạch, thành Bạch Thái Bưởi.

Từ cậu bé bán hàng rong, được học hành, Bạch Thái Bưởi thành anh ký lục của một hãng buôn, rồi thành người của một xưởng thợ trong hãng thầu công chính. Rồi ông có khát vọng vươn lên thành ông chủ khi được tiếp xúc, thu nhận những hiểu biết về máy móc, cách tổ chức, quản lý sản xuất chính là từ ở hãng thầu này.

Năm 1895, được Phủ Thống sứ Bắc kỳ chọn làm người giới thiệu những sản phẩm của Việt Nam tại Hội chợ Bordeaux, Bạch Thái Bưởi được tiếp xúc trực tiếp với văn minh phương Tây. Về nước, với kiến thức và kinh nghiệm thu được, ông xin làm giám đốc công trình xây cầu Long Biên. Khi thấy người Pháp cần gỗ cho đường sắt, Bạch Thái Bưởi đã hùn vốn với một người Pháp làm đại lý cung cấp tà vẹt gỗ cho Sở Hoả xa Đông Dương.

Sau ba năm kinh doanh, ông trở nên giàu có và tách riêng để kinh doanh độc lập. Ông bỏ vốn ra buôn ngô, nhưng thất bại và lỗ nặng. Mặc dù vậy, ông vẫn tung nốt những đồng vốn còn lại vào đấu thầu hiệu cầm đồ của người Hoa ở Nam Định. Rồi ông tiếp tục đấu thầu thu thuế chợ ở Vinh, Nam Định và Thanh Hóa.

Đỉnh cao sóng gió, cũng là nơi tỏa sáng nhất tinh thần tự tôn dân tộc của nhà tư sản Bạch Thái Bưởi là việc ông mua lại những con tầu chở khách dọc các tuyến sông biển phía Bắc của người Pháp, đổi thành tên tầu Việt và cạnh tranh đến mức đụng độ sống chết với người Hoa. Ông hạ giá vé xuống một thì người Hoa hạ giá vé xuống hai.

Các chủ tàu người Hoa trường vốn, quyết chí ”đập chết” Bạch Thái Bưởi bằng đủ các mưu kế. Bạch Thái Bưởi vẫn tin tưởng sự nghiệp kinh doanh của mình trên đất nước mình, với đồng bào mình sẽ thắng lợi. Ông cho người tới các bến tàu kể về những thiệt thòi của người Việt, kêu gọi tình đồng bào, tinh thần tương thân tương ái.

Ông treo những cái ống trên tàu, để ai thấy việc làm của ông là đáng khuyến khích thì bỏ tiền vào, giúp cho chủ tàu giảm lỗ. Kết quả, hành khách dần bỏ tàu Hoa mà đi tàu Việt. Ông đã lấy tinh thần dân tộc làm một thứ “vũ khí đặc biệt” để chiến thắng trong cuộc cạnh tranh nghiệt ngã ấy. Rồi ông mua tiếp cả xưởng sửa chữa và tự đóng lấy tầu biển. Ông trở thành “Chúa sông Bắc Kỳ” và mở rộng tầm hoạt động ra khắp Đông Dương và các nước lân cận như Hồng Kông, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Philippines...

Không dừng lại, Bạch Thái Bưởi tiếp tục mở rộng lĩnh vực kinh doanh sang khai thác mỏ, đầu tư bất động sản, in ấn và các hoạt động hỗ trợ phát triển báo chí, văn hóa, văn nghệ để khai trí và chấn hưng tinh thần dân tộc…

Ta sẽ thấy có nhiều tương đồng trong hành trình làm giàu và đóng góp chung cho đất nước khi tìm hiểu về các nhà tư sản dân tộc, như thương nhân, chủ hiệu buôn tơ lụa Phúc Lợi Trịnh Văn Bô; như nhà đại tư sản quý tộc Đỗ Đình Thiện; như thương gia, người đã khai sinh ra nghề sản xuất sơn dầu, ông chủ Hãng sơn Gecko Nguyễn Sơn Hà; như nhà tư sản dân tộc, chủ nhà in số một Đông Dương Ngô Tử Hạ…

Một trong các tương đồng làm tôi thấy rất lý thú, là các nhà tư sản này đều nêu cao tinh thần tự tôn dân tộc, giàu ý chí và khát vọng chấn hưng văn hóa, mong muốn góp phần vào bồi đắp dân trí chung. Và một điều nữa, các doanh gia giàu có thời đầu thế kỷ 20 đều rất trọng thị và có mối quan hệ bạn bè, tâm huyết và thân thiết với những văn nhân, là những nhà báo, nhà văn và nghệ sỹ, những người làm giàu tri thức và văn hóa cho dân tộc…

Bây giờ, suy ngẫm về những doanh nhân thế hệ mới của đầu thế kỷ 21. Một lớp doanh nhân có tri thức, có nhãn quan toàn cầu, cũng rất mạnh mẽ tinh thần tự tôn dân tộc và đã tích lũy được không ít trải nghiệm. Những thành quả của thế hệ doanh nhân mới này đã làm thay đổi diện mạo và đời sống xã hội của nhiều địa bàn và vùng đất. Phía trước họ vẫn là một con đường dài và rộng mở…

Nhưng có một cảm giác là những doanh nhân thời nay chưa được yêu mến và trân trọng, tôn vinh như thế hệ doanh gia cách đây một thế kỷ.

Khi đánh giá về Bạch Thái Bưởi, hội Khai Trí Tiến Đức vinh danh: “Cụ là một bậc vĩ nhân đất Bắc, một bậc trượng phu nơi thương trường mà cuộc đời của cụ đáng phô bầy cho quốc dân, sự nghiệp của cụ đáng làm gương cho các nhà buôn bán noi theo”. Ứng Hoè Nguyễn Văn Tố, thủ lĩnh của Hội Truyền bá chữ quốc ngữ thì viết: “Bạch Thái Bưởi là bậc anh hùng kinh tế thứ nhất trong kinh tế giới nước nhà”. Một doanh gia mà được cả hai tổ chức văn hóa tinh túy nhất của quốc gia thời đó vinh danh một cách trân trọng và chí lý đến như thế.

Ngày nay, những doanh nhân nổi tiếng nhất của chúng ta, liệu có được giới tinh hoa của đất nước này vinh danh bằng một phần như thời xa xưa ấy không? Và vì sao lại chưa được như vậy? Có lẽ mối quan hệ giữa doanh nhân và văn nhân thời nay chưa đạt được cả chiều sâu và tầm cao như trong quá khứ. Cái nhìn của hai thành phần ưu tú, một làm giàu của cải vật chất và một làm giàu văn hóa tinh thần của xã hội, ngày nay dường như chưa hẳn đã là đồng điệu.

Hành trình sóng gió của các doanh gia thời trước luôn nhận được những động viên khích lệ của giới tinh hoa. Cuộc cạnh tranh của Bạch Thái Bưởi với các chủ tàu biển người Pháp, người Hoa, có sự đồng hành của báo chí cổ vũ. Khi đã giàu có, Bạch Thái Bưởi mở Công ty in và xuất bản Đông Kinh ấn quán, cho ra đời tờ báo hàng ngày mang tên Khai hóa nhật báo với tôn chỉ: "Một là giúp đồng bào ta tự khai hoá, dạy bảo lẫn nhau, mở mang con đường thực nghiệp. Hai là giãi bày cùng Chính phủ bảo hộ những yêu cầu thiết thực, chính đáng của quốc dân. Ba là diễn giải những ý kiến, những lợi ích, tác hại của các công việc Chính phủ đang làm". Ngô Tử Hạ thì làm Giám đốc tạp chí Đông Thanh, tham gia trị sự báo Nam Phong, sau đó lập Nhà in Ngô Tử Hạ và là Mạnh Thường Quân của các trí thức yêu nước muốn in ấn sách báo. Các nhà tư sản dân tộc khác cũng có những mối quan hệ và cũng đều là những Mạnh Thường Quân của báo chí và văn hóa.

Các doanh nhân thời nay có học được kế gắn bó sâu sắc và bền vững ấy không? Theo tôi, họ chưa học được nhiều. Có cảm giác nhiều doanh nhân thời nay đang quá đắm chìm vào con đường làm giàu, chưa kịp nghĩ đến bền vững đường xa ở phía trước. Và các nhà báo hiện nay, dường như vẫn nhìn doanh nhân như những anh nhà giàu, có thể khai thác cho những mục tiêu ngắn hạn, chứ chưa thấy họ chính là một động lực để đưa đất nước tiến tới phồn vinh, để mà chia xẻ, yêu mến và cổ vũ họ.

Mối quan hệ giữa doanh nhân và nhà báo hiện nay còn nặng về kiểu quan hệ đối tác, nặng về mục tiêu nhằm PR và phòng ngừa những “sự cố truyền thông”, chứ chưa thành mối quan hệ máu thịt, cùng vun đắp cho những mục tiêu cao cả chung. Và những trục trặc, chuyện “cơm không lành, canh chẳng ngọt” giữa doanh nghiệp và báo chí vẫn thường xuyên và hay bất ngờ xảy ra.

Các doanh nhân ngày nay cũng bỏ nhiều tiền ra tài trợ cho các hoạt động văn hóa và thể thao đấy chứ. Tiền quảng cáo trên báo chí cũng nhiều chứ chả ít. Cũng nhiều cuộc gặp gỡ, chia sẻ giữa doanh nhân và nhà báo, văn nghệ sỹ… Nhưng có vẻ cả hai bên đang cúi xuống nhìn nhau, đang thăm dò nhau, chứ chưa có cái nhìn trọng thị thật sự, chưa có sự tin tưởng và yêu mến cốt lõi đối với nhau

Đã thấy có những tín hiệu sáng lên. Những đầu tư cho văn hóa bài bản, đường xa, không cần PR trước mắt kiểu như một nhà hát nhạc giao hưởng phi lợi nhuận, một chương trình dài hơi về phim hoạt hình cho thiếu nhi…

Mới đây, trong một cuộc gặp gỡ với một tỷ phú hàng đầu hiện nay, tôi đã bày tỏ: Các lĩnh vực anh đầu tư đều có hiệu quả, mang lại những ấn tượng rất đẹp, là phi lợi nhuận, như là y tế, giáo dục, thể thao… Nhưng bây giờ, hãy nghĩ đến đầu tư cho văn hóa, văn nghệ thật sự căn cốt đi, sáng tạo và giàu chất nhân văn đi. Hãy làm truyền hình thật sự, mở ra một kênh văn hóa và giải trí thật chất lượng. Hãy làm điện ảnh, xây dựng hạ tầng và đội ngũ để tạo nên điều kiện cho giới nghệ sỹ sáng tạo nên những bộ phim thật đậm đà chất văn hóa Việt, cho người Việt yêu thêm đất nước mình và giới thiệu ra với thế giới.

Đấy chính là kế sâu rễ bền gốc đường xa của doanh nhân đấy!

Tôi mong muốn cái truyền thống đẹp đẽ về mối quan hệ giữa doanh gia và văn nhân từ trong quá khứ được phát huy lên một tầm mức mới trong thời nay và báo chí thì hết lòng, thật sự hiểu biết, chia sẻ và cổ vũ những người giàu làm giàu thêm cho đất nước, cho dân tộc này bền vững và trường tồn!

Tin mới lên