Tài chính quốc tế

2015: Khi ngân hàng trung ương lớn gây "sốc" thị trường

(VNF) - Trong bối cảnh động thái thắt chặt chính sách tiền tệ của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), các nhà đầu tư dự cảm 2016 sẽ là một năm tiếp tục đối mặt nhiều biến động.

2015: Khi ngân hàng trung ương lớn gây "sốc" thị trường

Một bài viết trên Bloomberg cho hay, phía sau những biến động lớn nhất trên thị trường tài chính quốc tế năm 2015 là một tác nhân khá "nổi tiếng": các ngân hàng trung ương (NHTW). Trong bối cảnh động thái thắt chặt chính sách tiền tệ của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), các nhà đầu tư dự cảm 2016 sẽ là một năm tiếp tục đối mặt nhiều biến động.

Từ quyết định gây sốc của NHTW Thụy Sĩ (SNB) hồi tháng 1/2015 đến gói kích thích gây thất vọng thị trường của NHTW châu Âu (ECB) trong tháng 12, một loạt quyết định của các NHTW đã gây ra những phản ứng tiêu cực trên thị trường. Tháng 8/2015, Trung Quốc đã khiến thế giới "choáng váng" với quyết định phá giá nhân dân tệ khiến thị trường chứng khoán phải chứng kiến một bán tháo mạnh.

Theo Paul Lambert, chiến lược gia tiền tệ đến từ quỹ đầu tư Insight cho biết năm 2015 là một năm báo hiệu những điều sẽ xảy ra trong tương lai. "Tình hình thị trường có thể trở nên u ám hơn trước khi tươi sáng trở lại. Các nhà đầu tư không mấy thoải mái trước các chính sách của các NHTW", ông Lambert nói.

Trong năm 2016, thách thức lớn nhất đối với thế giới cũng chính là thách thức mà ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới là Fed sẽ gặp phải. Fed đã trấn an thị trường rằng lãi suất sẽ được tăng lên một cách từ từ

Trong khi đó, NHTW châu Âu (ECB) và NHTW Nhật Bản (BOJ) tiếp tục tung ra các gói kích thích nền kinh tế đang trì trệ và lạm phát thấp. BOJ cũng đã khiến thị trường thất vọng khi chỉ mở rộng chương trình nới lỏng định lượng một cách khiêm tốn sau cuộc họp hôm 18/12 vừa qua. Chứng khoán Nhật Bản sau đó chỉ tăng nhẹ và tiếp tục giảm điểm.

Stephen Jen, chuyên gia kinh tế tại IMF ví các NHTW giống như đang lái một chiếc xe 18 bánh nhưng lại không chắc chắn nên bẻ lái vào thời điểm nào và ở đâu. Tuy nhiên, người lái xe vẫn đang cam kết với thế giới rằng họ sẽ bật xi nhan đúng thời điểm, chuyên gia IMF nhận định.

Ngày 15/1, đồng franc của Thụy Sĩ đã tăng giá hơn 40% so với đồng Euro sau khi NHTW Thụy Sỹ bất ngờ dỡ bỏ trần tỷ giá. Đây là mức tăng lớn nhất trong 1 ngày đối với một đồng tiền lớn như franc trong hơn 40 năm dưới chế độ tỷ giá thả nổi.

Trước đó NHTW Thụy Sỹ đã can thiệp vào thị trường để ngăn đồng tiền này tăng giá quá nhanh và gây tổn hại cho các nhà xuất khẩu. Tuy nhiên, cuối cùng thì họ đã phải bỏ cuộc sau khi áp lực từ số lượng Euro mua vào ngày càng lớn. Quyết định này đã khiến nhiều nhà đầu tư đặt cược vào đồng franc giảm giá, chịu lỗ lớn.

Tháng 8/2015, Ngân hàng trung ương Trung Quốc phá giá nhân dân tệ, gây sốc thị trường, khiến nhân dân tệ và một số đồng tiền khác bị bán tháo ồ ạt. Nhiều người coi đây là tín hiệu cho thấy kinh tế Trung Quốc đang lao dốc mạnh.

Đến tháng 12, các nhà đầu tư lại đón một bất ngờ khác. Đồng Euro tăng giá hơn 4% so với USD sau khi gói kích thích của ECB nhỏ hơn so với kỳ vọng thị trường. Trước đó, dự đoán của thị trường là chính sách của Fed và ECB ngược chiều nhau và Euro sẽ giảm giá mạnh so với USD.

Sau một năm đầy biến động của thị trường tài chính quốc tế, nhiều nhà đầu tư có thể đã nhận thức được những rủi ro khi đặt quá nhiều niềm tin vào các NHTW.

Tin mới lên