Tài chính quốc tế

800 tỷ USD vào các nước mới nổi mỗi năm: Cơ hội cho hạ tầng Việt Nam

(VNF) - Thị trường vốn của Việt Nam chỉ chiếm một phần nhỏ trong GDP so với nhiều nước khác. Với mức độ phát triển thị trường vốn thấp nhất trong số các nền kinh tế mới nổi ở châu Á, Việt Nam còn rất nhiều dư địa để phát triển.

800 tỷ USD vào các nước mới nổi mỗi năm: Cơ hội cho hạ tầng Việt Nam

Việt Nam có thể dành số tiền khổng lồ này để giúp hàng triệu người thoát nghèo và đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu, theo McKinsey.

Theo công ty tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey & Co., các nền kinh tế mới nổi tại châu Á có thể có thêm nguồn vốn trị giá 800 tỷ USD mỗi năm, bao gồm 300 tỷ USD cho nhà nước và 500 tỷ USD cho khu vực tư nhân, nếu phát triển thị trường vốn sâu rộng hơn.

Các nền kinh tế như Việt Nam hay Indonesia chắc chắn có thể dành số tiền khổng lồ này để giúp hàng triệu người thoát nghèo và đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu, McKinsey cho biết trong một báo cáo.

Trước đó, theo một báo cáo của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), dù đứng thứ 2 châu Á sau Trung Quốc về đầu tư cơ sở hạ tầng nhưng Việt Nam vẫn đang lâm vào tình trạng thiếu vốn cho lĩnh vực này, trong khi các nguồn vay ODA đang ngày một trở nên đắt hơn. Mức đầu tư cơ sở hạ tầng của Việt Nam bình quân khoảng 5,7% GDP, chỉ đứng sau Trung Quốc (6,8%) trong khi các quốc gia như Indonesia, Philippines chỉ là dưới 3% GDP.

Trong 5 năm tới, theo ADB, Việt Nam có nhu cầu 480 tỷ USD để đầu tư cho cơ sở hạ tầng, bao gồm việc xây dựng 11 nhà máy điện với tổng công suất 13.200 MW và 1.380 km đường cao tốc. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tính toán cơ cấu vốn cho thời kỳ này, bao gồm 75% vốn trong nước, còn lại 25% thu hút từ vốn nước ngoài, trong đó FDI 68 tỷ USD, ODA 40 tỷ USD.

Việt Nam vẫn 'khát' vốn đầu tư cơ sở hạ tầng.

Theo McKinsey, nhiều nước châu Á chưa có cơ hội tiếp cận với gói tài chính quy mô lớn trên thị trường vốn, còn giới đầu tư lại đang thiếu các công cụ tài chính để triển khai các khoản tiết kiệm dài hạn.

Khi xem xét các thước đo hiệu suất chính đối với 12 nền kinh tế lớn của châu Á, các chuyên gia cho rằng, trong khi Nhật hay Úc đã có vị trí khá cao, thì những nước như Trung Quốc hay Việt Nam còn khá nhiều việc phải làm để huy động vốn tiết kiệm của người dân. Thị trường vốn của Việt Nam chỉ chiếm một phần nhỏ trong GDP so với nhiều nước khác. 

Thị trường vốn so với GDP của của các nước trong khu vực . Nguồn: Bloomberg/McKinsey

McKinsey cho biết, có quá nhiều nhà đầu tư ở châu Á, cũng như các thị trường mới nổi khác, dành phần lớn khoản tiền tiết kiệm của mình đầu tư vào các tài sản vật chất như bất động sản và vàng, hay tiền gửi ngân hàng.

Điều này một phần do thanh khoản thị trường trái phiếu chính phủ thấp, một vấn đề có thể được giải quyết nếu chính phủ các nước châu Á chuyển sang bán trái phiếu tiêu chuẩn (benchmark bond) với lượng lớn hơn thay vì bán nhiều loại trái phiếu ít được giao dịch.

Thị trường vốn Nhật Bản phát triển nhất châu Á, trong khi Việt Nam còn khá nhiều dư địa để tăng trưởng, do thị trường vốn có mức độ phát triển còn rất thấp. Nguồn: Bloomberg/McKinsey

McKinsey cho biết, việc cho niêm yết các doanh nghiệp nhà nước cũng có thể thu hút các nhà đầu tư vào thị trường vốn, như cách mà các nước châu Âu đã làm trong các đợt tư nhân hóa những năm 1970 và 1980.

McKinsey cũng đề xuất rằng chính phủ nên yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước gọi vốn từ thị trường nợ thay vì tìm kiếm các khoản cho vay đảm bảo từ ngân hàng, đồng thời bớt dựa vào các tập đoàn lớn mà hiếm khi cần các sản phẩm từ thị trường vốn.

Tin mới lên