Tài chính quốc tế

Bác sĩ gốc Việt bị lôi khỏi máy bay Mỹ: quá tải hay thiếu văn minh?

(VNF) - Hành xử của hãng hàng không Mỹ United Airlines đã gây ra làn sóng phẫn nộ khi cưỡng chế hành khách xuống máy bay do thiếu ghế.

Bác sĩ gốc Việt bị lôi khỏi máy bay Mỹ: quá tải hay thiếu văn minh?

Hành khách bị thương, chảy máu trong quá trình cưỡng chế. Ảnh: New York Daily News.

Bác sĩ gốc Việt bị kéo lê khỏi máy bay Mỹ 

Nhiều trang tin của Mỹ ngày 11/4 xác định vị bác sĩ gốc Á bị lôi xuống máy bay của hãng United Airlines với gương mặt đầy máu là David Dao, một người gốc Việt.

Theo một nguồn tin mới đây của báo Louisville Courier-Journal, vị hành khách không may mắn này là một bác sĩ gốc Việt tên là David Dao. Ông David Dao, 69 tuổi, từng theo học trường về y dược ở Việt Nam những năm 1970 trước khi tới Mỹ. Ông được cấp phép hành nghề y và từng làm bác sĩ chuyên khoa phổi tại thành phố Elizabethtown, bang Kentucky.

Theo các nguồn tin khác, quả thật là có một bác sĩ tên David Anh Duy Dao, năm nay 58 tuổi, làm việc tại thành phố Elizabethtown.

Theo báo The New York Times, hành khách Tyler Bridges kể lại: "Người đàn ông hét lên: ‘Tôi bị chọn vì là công dân Trung Quốc’". Tuy nhiên, một hành khách ngồi cạnh ông David Dao tiết lộ người đàn ông này đến từ Việt Nam và đã sống ở TP Louisville, bang Kentucky – Mỹ khoảng 20 năm.

Vợ chồng ông David Dao chụp cùng các cháu năm 2015.

Sự việc này xảy ra trên chuyến bay United Express 3411, đi từ sân bay quốc tế O’Hare tại thành phố Chicago tới Lousville (Kentucky). Một hành khách trên chuyến bay là Audra Bridges đã ghi hình lại cảnh này, và tải đoạn video lên Internet vào sáng hôm Chủ nhật 9/4 ở Mỹ, nhận được hàng triệu lượt xem và sự chú ý của toàn bộ báo giới.

Nguyên nhân của sự cố là do hãng United Airlines hãng đã bán vé trước quá nhiều (overbooking) so với số ghế ngồi, vốn là điều được luật Mỹ cho phép. Đến giờ chót trước khi cất cánh, lúc hành khách đã ngồi vào ghế, hãng này thông báo họ cần 4 ghế ngồi cho các nhân viên của hãng bay tới Louisville để giải quyết sự cố cho một chuyến bay khác.

United cho biết sẵn sàng bồi thường 800 USD cho những ai tự nguyện nhường lại ghế và bay chuyến kế tiếp, nhưng không ai muốn nhường. Đó là lúc các nhân viên United tuyên bố họ sẽ chọn ra ngẫu nhiên 4 người để buộc những người này nhường lại ghế.

Có 3 người trong số 4 người được chọn ra đã đồng ý nhường lại, nhưng 1 người đã không đồng ý, và kết quả là bị nhân viên an ninh kéo tay lôi xềnh xệch ra khỏi máy bay. 

Hình ảnh khuôn mặt đầy máu của vị khách trên máy bay nhanh chóng lan rộng trên mạng xã hội.

Theo các hành khách khác trên chuyến bay kể lại, ông Dao đã từ chối rời máy bay khi bị hãng United chỉ định ngẫu nhiên làm người phải nhường ghế, với lý do là ông đã có hẹn với các bệnh nhân vào sáng ngày thứ Hai. Kết quả là ông bị nhân viên an ninh lôi ra khỏi máy bay và bị chấn thương, chảy máu khắp miệng và cổ. 

Tuy nhiên, sau đó nạn nhân đã được phép trở lại máy bay trong tình trạng máu me đầy mặt và có vẻ mất phương hướng. Ông chạy thẳng về phía cuối máy bay một cách hoảng loạn, miệng liên tục nói "Tôi phải về nhà, tôi phải về nhà".

Theo bà Bridges, người đã quay lại toàn bộ sự cố, thì "mọi người trên chuyến bay đều thấy bị sốc và giận dữ. Có một số trẻ em đi trên chuyến bay này, và các em đều thấy không vui". Sau khi 4 nhân viên United Airlines nhận được ghế, nhiều hành khách đã tỏ ra bất mãn và nói với những người này rằng họ phải thấy xấu hổ vì đang làm việc cho một công ty như vậy.

Văn minh hàng không khi quá tải

Phát ngôn viên của hãng United Airlines đã xác nhận vụ việc: "Chuyến bay 3411 từ Chicago đến Louisville đã bị đăng ký chỗ trước quá số ghế trên phi cơ. Sau khi đội tiếp viên tìm kiếm người tình nguyện xuống máy bay, một hành khách đã từ chối nhường ghế và cảnh sát đã được điều động".

Sau khi đoạn video được công bố, CEO của United Airlines là Oscar Munoz đã đưa ra thông cáo "xin lỗi về việc phải sắp xếp lại chỗ ngồi cho khách hàng". Tuy nhiên, ông vẫn bảo vệ hành động của tổ bay và tuyên bố người đàn ông "phá rối và hiếu chiến", "thách thức các nhân viên an ninh hàng không Chicago" vì không chịu rời khỏi ghế. Phát biểu này đã bị nhiều người chỉ trích là không thành tâm.

Hành xử của hãng hàng không United Airlines đã gây ra làn sóng phẫn nộ khi cưỡng chế hành khách xuống máy bay do thiếu ghế. 

Một cư dân mạng bày tỏ: "Hãy xem đoạn video, nhìn vào cách mà họ làm tổn thương một hành khách. Thật đáng xấu hổ khi nhìn cảnh một người đàn ông không còn trẻ nữa bị lôi đi, bị đấm, đá và la hét".

Trong khi đó, Cục Hàng không bang Chicago đánh giá vụ việc không phù hợp với quy chuẩn vận hành của cơ quan này và hành động của lực lượng an ninh hàng không là không thể tha thứ.

Một trong các nhân viên an ninh lôi hành khách khỏi máy bay đã bị đình chỉ công tác. 

Hình thức bán quá ghế này rất phổ biến ở nhiều hãng hàng không trên thế giới, đặc biệt là trong những chuyến bay cao điểm và đường bay phổ biến. Theo CNN, các hãng được phép ngăn hành khách lên máy bay nếu số người đặt vé vượt quá số chỗ ngồi. Hành khách đã mặc định đồng ý với chính sách này khi đặt vé.

Việc bán nhiều vé hơn số ghế là hoạt động có tính tiêu chuẩn của các hãng hàng không. Họ thường tính toán lượng khách dao động dựa trên số liệu khách vắng mặt trong quá khứ. Hãng thường tặng hành khách voucher nếu máy bay không đủ ghế, nhưng mỗi hãng có một cách xử lý khác nhau.

Các chuyên gia đồng tình rằng cách xử lý của hãng United không phù hợp với quy định. Trước hết, việc này thường diễn ra ở cửa lên máy bay, chứ không đợi tới lúc hành khách đã vào vị trí.

Hành xử của hãng hàng không United Airlines đã gây ra làn sóng phẫn nộ.

Theo luật liên bang Mỹ, khi một máy bay thiếu chỗ, hãng cần kiểm tra xem có ai tự nguyện nhường chỗ hay không. Các hãng tự chọn cách đền bù, nhưng hành khách thường được tặng voucher cho chuyến bay sau hoặc phiếu quà tặng. Theo Robert Mann, giám đốc công ty tư vấn hàng không R.W. Mann & Company, hàng ngày trên toàn nước Mỹ có hàng nghìn trường hợp tự nguyện nhường chỗ.

Nếu hãng không tìm được người tự nguyện, họ được phép chọn hành khách phải xuống máy bay. Theo dữ liệu của Bộ Giao thông Mỹ, 46.000 hành khách đã không được bay vì lý do này vào năm 2015. Các hãng hàng không có chính sách riêng về thứ tự hành khách được ưu tiên trong trường hợp có người cần bắt buộc xuống máy bay. Quy định này nằm trong các điều khoản hành khách đã đồng ý khi mua vé.

Với hãng United, những người khuyết tật hoặc trẻ em được ưu tiên. Hãng American Airlines dựa trên thứ tự check in (làm thủ tục), đồng thời xem xét trường hợp khẩn cấp, giá vé và khách hàng trung thành. Delta Air Lines cũng dựa trên thứ tự check in và khách hàng trung thành, cũng như chỗ của hành khách trong cabin. Hãng ưu tiên người khuyết tật, trẻ em hay người trong quân đội. JetBlue Airways quảng cáo rằng hãng không bán vé quá chỗ, nhưng vẫn đưa quyền này vào hợp đồng.

Theo nhận định của một số chuyên gia, sự cố này sẽ có thể gây khá nhiều thiệt hại cho United Airlines về mặt thương hiệu lẫn doanh thu, nhất là khi mùa du lịch cao điểm trong năm là mùa hè đang đến gần.

Overbooking là kỹ thuật quá phổ biến nhưng đôi khi giải quyết sự cố một cách máy móc, quy trình không thay thế được ánh mắt, cảm xúc và trái tim hành khách.

Tin mới lên