Tài chính quốc tế

Bồi thường 500 triệu USD, Formosa Đài Loan vẫn sẽ 'không lao đao'

(VNF) - Việc bồi thường 500 triệu USD cho sự cố ô nhiễm môi trường của Formosa Hà Tĩnh được nhận định là không có bất cứ ảnh hưởng nào tới tình hình tài chính của tập đoàn mẹ là Formosa Plastics Group.

Bồi thường 500 triệu USD, Formosa Đài Loan vẫn sẽ 'không lao đao'

Một nhà máy lọc dầu thuộc Tập đoàn Formosa tại Đài Loan.

Ngày 30/6, Formosa Hà Tĩnh đã nhận trách nhiệm về việc gây ra sự cố môi trường tại 4 tỉnh ven biển miền Trung Việt Nam (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế). Ngoài lời xin lỗi, Formosa cam kết bồi thường bồi thường xử lý ô nhiễm và phục hồi môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung của Việt Nam với tổng số tiền tương đương trên 11.500 tỷ đồng (500 triệu USD).

Có trị giá 10 tỷ USD, nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh là dự án đầu tư luyện thép đầu tiên ở nước ngoài của Đài Loan. Dự án được góp vốn bởi 11 nhà đầu tư, trong đó chỉ có 3 pháp nhân không thuộc, hoặc không có vốn của Tập đoàn Formosa Plastics Group (Formosa Đài Loan), gồm Công ty China Steel Đài Loan (góp 5% vốn), Sunsco Enterprise (0,037% vốn), và mới đây là Tập đoàn thép JFE của Nhật Bản (5% vốn). Formosa Hà Tĩnh là công ty lớn thứ 5 thuộc Tập đoàn Formosa Plastics Group.

Ông Trần Nguyên Thành, Chủ tịch HĐQT Formosa Hà Tĩnh trong clip xin lỗi người dân Việt Nam về sự cố cá chết tại 4 tỉnh miền Trung. Ảnh: Bloomberg

Được thành lập năm 1954, Formosa Plastics Group là một trong những nhà sản xuất nhựa lớn nhất châu Á, hoạt động đa ngành có trụ sở tại Đài Loan. 

Từ một công ty chuyên sản xuất và kinh doanh nhựa, ngày nay Formosa Plastics Group đã phát triển ra một mạng lưới hàng trăm công ty con, với 4 đơn vị lớn nhất bao gồm Formosa Plastics Corp, Nan Ya Plastics (sản xuất nhựa), Formosa Petrochemical (hóa dầu), và Formosa Chemicals & Fibre (sợi nhựa, vải). Ngoài nhựa và các sản phẩm hóa dầu, FPG còn đầu tư vào lĩnh vực thép, chất bán dẫn, điện,... Ngoại trừ Nan Ya, ba công ty còn lại đều đứng trong top 1000 công ty đại chúng lớn nhất thế giới năm 2012 theo xếp hạng của Forbes.

Theo Nikkei, hầu hết chuyên gia nhận định việc Formosa Hà Tĩnh bồi thường 500 triệu USD không ảnh hưởng nhiều tới tình hình tài chính của tập đoàn mẹ Formosa Đài Loan.

Ông Danny Ho, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại công ty tư vấn Danny Material Intelligence có trụ sở ở Đài Bắc (Đài Loan) nhận định: "Chúng tôi nghĩ rằng, có nhiều lý do phức tạp đằng sau khoản bồi thường 500 triệu USD này. Nhưng đây là số tiền có thể chấp nhận được để Tập đoàn giải quyết vụ việc giúp nhà máy thép lớn nhất Đông Nam Á bắt đầu sản xuất sớm nhất có thể". 

"Chúng tôi nghĩ rằng việc thanh toán sẽ có bất kỳ ảnh hưởng đến hiệu suất tài chính của Formosa Plastics Group", ông Danny Ho nói.

Cá chết tại bờ biển miền Trung.

Trong khi đó, ông Tsao Mihn, Chủ tịch Formosa Petrochemical - công ty con của Formosa Plastics Group - khẳng định, sự cố ở Việt Nam sẽ không ảnh hưởng tới quyết định đầu tư ra nước ngoài của tập đoàn. "Điều mà chúng tôi quan tâm nhất chính là thị trường đầu tư có đủ lớn và các vấn đề khác có dễ dàng được giải quyết hay không", ông Tsao Mihn nói.

Cũng theo Nikkei, không chỉ được nhận định là ít bị ảnh hưởng bởi việc bồi thương 500 triệu USD tại Việt Nam, Formosa Plastics Group còn được đánh giá sẽ thu lợi lớn nhờ giá dầu tăng trong thời gian tới.

Ông Lin Keh-yen, Phó Chủ tịch Formosa Petrochemical, công ty thành viên trong lĩnh vực hóa dầu của Formosa Plastics Group nhận định: "Giá dầu sẽ tăng nhẹ trong nửa cuối năm 2016 mặc dù sự kiện Anh rời EU đã khiến nhà đầu tư đổ tiền vào vàng, trái phiếu và USD nhằm bảo vệ an toàn cho tài sản trong ngắn hạn. Chúng tôi kỳ vọng giá dầu sẽ đạt từ 50 tới 52 USD/thùng trong thời gian sắp tới".

Trong nửa đầu năm 2016, 4 công ty con của Formosa Plastics Group là Formosa Plastics Corp., Formosa Petrochemical, Formosa Chemicals & Fibre, và Nan Ya Plastics đạt doanh thu 19,98 tỷ USD và lợi nhuận ròng đạt 85,97 tỷ USD, tăng trưởng 15,4% so với năm trước. Bốn công ty này có giá trị vốn hóa thị trường đạt 2,27 nghìn tỷ USD tính đến ngày 11/7.

Tin mới lên