Tài chính quốc tế

Bong bóng nợ của Trung Quốc đang đe dọa kinh tế toàn cầu

(VNF) - Núi nợ của các doanh nghiệp và các hộ gia đình ở Trung Quốc đang là thực trạng báo động nghiêm trọng đằng sau nền kinh tế nước này.

Bong bóng nợ của Trung Quốc đang đe dọa kinh tế toàn cầu

Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), tổng tín dụng cho vay đối với lĩnh vực tư nhân của Trung Quốc đứng ở mức 21,5 nghìn tỷ USD tính đến cuối tháng 9/2015, chiếm 205% GDP của nước này.

Tại Nhật Bản, con số này chiếm hơn 200% GDP vào cuối tháng 9/1989, khi đất nước đang trong giai đoạn cuối của bong bóng kinh tế. Sau khi bong bóng bùng nổ, lượng tín dụng tăng vọt lên 221% GDP vào cuối tháng 12/1995. Nhật Bản đã trở thành nạn nhân của núi nợ từ chính nước này và các ngân hàng đã phải vật lộn với các khoản nợ xấu trong 10 năm sau đó.

Tại Mỹ, sự bùng nổ cho vay thế chấp dưới chuẩn cho người có thu nhập thấp là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Vào cuối tháng 9/2008, tổng tín dụng cho vay khu vực tư nhân Mỹ chạm tới con số kỷ lục, chiếm 169% GDP. Các ngân hàng Mỹ phải mất khoảng 4 năm để khắc phục vấn đề nợ xấu.

Đến lượt Trung Quốc, tính đến nay, tổng số tín dụng cho vay khu vực tư nhân đã tăng 300% so với cuối tháng 12/2008.

Sau sự sụp đổ ngân hàng lớn nhất trong lịch sử Mỹ - Ngân hàng Lehman Brothers năm 2008, các công ty Trung Quốc bắt đầu vay tiền và tăng cường đầu tư, thúc đẩy từ gói giải pháp kích thích kinh tế trị giá 4 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương khoảng 586 tỷ USD tại thời điểm đó) của Chính phủ Trung Quốc để đối phó với tác động của khủng hoảng và ngăn chặn suy giảm kinh tế. Các biện pháp thúc đẩy kinh tế đã giúp quốc gia này vươn lên và chiếm một nửa sản lượng thép của thế giới.

Bắc Kinh hiện đang rất nỗ lực để tự xóa bỏ hình ảnh là công xưởng sản xuất hàng hóa rẻ tiền của thế giới. Quá trình chuyển dịch này không dễ dàng gì và phải trả giá đắt.

Tại phiên khai mạc Đại hội nhân dân toàn quốc lần thứ 12 của Trung Quốc, kết thúc vào ngày 16/3, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã tuyên bố rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế. Ông cũng nói rằng Trung Quốc sẽ giải quyết vấn đề dư thừa thép, than và các ngành công nghiệp khác. Tuy nhiên, bất chấp những cam kết đầy lạc quan, khối nợ của khu vực tư nhân vẫn tăng lên mạnh mẽ.

Theo xếp hạng hãng S&P, các doanh nghiệp luyện kim, khai khác tài nguyên khoáng sản, bất động sản và vật liệu xây dựng của Trung Quốc đang ở tình trạng báo động với tỷ lệ nợ cao.

Hơn nữa, tổng tín dụng cho vay các hộ gia đình tại nước này đã tăng lên đến khoảng 4 nghìn tỷ USD trong năm 2015 do các khoản vay thế chấp tăng cao. Con số này đã tăng mạnh từ mức 800 tỷ USD năm 2008.

Nếu các công ty và các hộ gia đình Trung Quốc bắt đầu tập trung vào trả nợ thì chi tiêu và đầu tư của họ sẽ suy giảm, khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại.

"Bóng ma giảm phát" có thể đang treo lơ lửng trên đầu Trung Quốc nếu các doanh nghiệp không thể giải quyết vấn đề nợ xấu. Kịch bản sẽ xảy ra giống như những gì Nhật Bản đã trải qua trong thời kỳ bong bóng kinh tế.

"Hệ thống tài chính của Trung Quốc có nguy cơ trở nên bất ổn vì giảm phát, điều này sẽ ảnh hưởng đến các nền kinh tế như Nhật Bản, Mỹ và châu Âu", Hiroshi Miyazaki, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities cho biết.

Giả sử rằng kịch bản này xảy ra, tình trạng bất ổn mà thị trường toàn cầu đã phải chứng kiến hồi đầu năm nay có thể sẽ tiếp tục xảy ra một lần nữa.

Ngân hàng Thanh toán Quốc tế cũng cho hay, dư nợ tín dụng của các ngân hàng nước ngoài tại Trung Quốc đứng ở mức 1,1 nghìn tỷ USD vào cuối tháng 9/2015. Cùng với dòng chảy vốn chảy ra khỏi Trung Quốc và nỗ lực huy động tiền về của các ngân hàng có thể khiến đồng nhân dân tệ giảm mạnh.

Tin mới lên