Tài chính quốc tế

'Có TPP hay không thì Việt Nam vẫn sẽ phải cải cách'

(VNF) - "Cho dù có hay không TPP, Việt Nam vẫn sẽ phải cải cách. Hiệp định TPP này thực sự rất hữu ích đối với Chính phủ và khối doanh nghiệp Việt Nam. Nhờ đó, họ có thể biết cần phải làm gì để trở thành một phần của thương mại toàn cầu", chuyên gia của VinaCapital nhận định.

'Có TPP hay không thì Việt Nam vẫn sẽ phải cải cách'

"Có tham gia cũng rất tốt nhưng không tham gia TPP thì chúng ta vẫn tiếp tục hội nhập với thế giới, đó là chương trình chúng ta đã làm trong thời gian qua", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

TPP đã, đang và sẽ khiến kinh tế Việt có nhiều thay đổi

Tổng thống mới đắc cử Donald Trump gần đây đã có những tuyên bố rút khỏi Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tuy nhiên, dù Mỹ có đi hay ở trong bản thỏa thuận thương mại tự do này thì thì hiệp định TPP cũng đã, đang và sẽ khiến nền kinh tế Việt Nam có nhiều thay đổi.

Chính phủ đang nỗ lực đẩy mạnh việc thông qua 30 dự luật bao gồm luật lao động, kinh doanh, thương mại... nhằm đáp ứng được những yêu cầu của TPP. Kể từ năm 2013 khi Hiến pháp mới được thông qua, các nhà hoạch định chính sách đã ban hành hơn 100 điều luật, một quy mô cải cách chưa từng có kể từ khi Việt Nam khởi xướng chương trình cải cách kinh tế Đổi Mới vào những năm 1980.

"Chúng tôi sẽ vẫn thực hiện những gì đã vạch ra trước đó. Điều mà chúng tôi cần phải cải thiện là công nghệ và hệ thống quản trị doanh nghiệp. Đây là việc rất quan trọng", Bloomberg trích lời của ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội nói trong một buổi phỏng vấn tại Hà Nội vào tuần trước.

Từ lâu, Việt Nam vẫn được xem là một trong những quốc gia có thể hưởng lợi lớn từ TPP, bởi khi tham gia vào TPP, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận với các thị trường, từ quần áo, giày dép đến đồ điện tử. Hơn nữa, Hiệp định TPP cũng giúp thắt chặt mối quan hệ chiến lược giữa Mỹ và Việt Nam.

Có TPP hay không thì Việt Nam vẫn sẽ phải cải cách

Bất chấp Tổng thống Trump sẽ ảnh hưởng ra sao đến TPP, hiệp định TPP cũng đã, đang và sẽ khiến nền kinh tế Việt Nam có nhiều thay đổi.

Theo Bloomberg, bất chấp việc Tổng thống Trump sẽ ảnh hưởng ra sao đến TPP, hiệp định này đã đóng góp công lớn trong quá trình cải cách phát triển đất nước của Việt Nam, thị trường 90 triệu dân với mức tăng trưởng dự báo hơn 6% trong năm nay và cũng là một trong những mức tăng mạnh nhất châu Á.

TPP cũng được xem là động lực để chính phủ Việt Nam thực hiện cuộc cải cách cơ cấu cần thiết trong dài hạn. Trước đó vào năm 2011, Chính phủ đã công bố kế hoạch cải cách khối doanh nghiệp nhà nước nhưng tiến trình diễn ra khá chậm do số cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước được bán ra vẫn còn quá nhỏ. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp nhà nước còn xin rút lui khỏi kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán.

Dù có TPP hay không, doanh nghiệp vẫn chuẩn bị tốt để hội nhập 

"Dù có TPP hay không thì chúng tôi sẽ chuẩn bị tốt. Chúng tôi vẫn phải đảm bảo rằng có đủ khả năng cạnh tranh với các đối thủ ngoại, khi Việt Nam đang ngày càng hội nhập hơn với kinh tế toàn cầu", bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Traphaco -  công ty dược lớn thứ 2 tại Việt Nam trên sàn chứng khoán, nói.

Bà Thuận cho biết, Traphaco đã mạnh tay đầu tư để nâng cao sức cạnh tranh của công ty, trong đó công ty đã đầu tư xây dựng nhà máy 22 triệu USD nhằm chuẩn bị cho làn sóng thuốc ngoại vào Việt Nam nếu TPP được thông qua.

Có TPP hay không thì Việt Nam vẫn sẽ phải cải cách

Các doanh nghiệp Việt Nam muốn duy trì động lực cải cách mà TPP đã tạo ra cho nền kinh tế nước nhà.

Không chỉ Traphaco, các doanh nghiệp xuất khẩu khác như giày dép, thủy sản, đồ gỗ, dệt may cũng tích cực đầu tư, theo ông Phạm Trọng Nghĩa – Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật của Văn phòng Quốc hội.

"Sự chuẩn bị này sẽ giúp cải thiện năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp dù TPP không được thông qua. Có thể nói, giai đoạn 2011 – 2016 là giai đoạn cải cách lớn nhất của Việt Nam kể từ thời kỳ Đổi Mới và TPP là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên sự thay đổi này", ông Nghĩa nhận định.

Cũng theo ông Nghĩa, các doanh nghiệp Việt Nam dường như cũng muốn duy trì động lực cải cách mà TPP đã tạo ra cho nền kinh tế nước nhà.

Không có TPP, vẫn tiếp tục đà cải cách

Tiến sĩ Alan Phạm – chuyên gia kinh tế trưởng của Công ty quản lý quỹ đầu tư lớn nhất Việt Nam VinaCapital cho rằng, TPP giống như bản đồ định hướng cho Việt Nam trong quá trình hội nhập với nền kinh tế thế giới.

"Cho dù có hay không TPP, Việt Nam vẫn sẽ phải cải cách. Hiệp định TPP này thực sự rất hữu ích đối với chính phủ và khối doanh nghiệp Việt Nam. Nhờ đó, họ có thể biết cần phải làm gì để trở thành một phần của thương mại toàn cầu", ông Alan Phạm nói.

Ông Vũ Tự Thành – Trưởng đại diện của Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Đông Nam Á ở Việt Nam nhận định, sự sụp đổ của TPP không phải là điều đáng mừng nhưng cũng không phải là chuyện quá tồi tệ, bởi Việt Nam sẽ cần thêm nhiều thời gian để chuẩn bị.

"TPP là một cuộc chơi dành cho những tay chơi lớn trong khi phần lớn doanh nghiệp Việt Nam vẫn chỉ hoạt động ở quy mô vừa và nhỏ. TPP chỉ là một phần trong cuộc cải cách của Việt Nam. Không có TPP thì Việt Nam vẫn sẽ cải cách", ông Thành nói.

Trước đó vào tháng 10, Chính phủ đã thông qua nghị quyết về hội nhập kinh tế quốc tế nhằm khẳng định cam kết mở cửa nền kinh tế hơn nữa. Bộ Tài chính cũng đã đề xuất nhiều thay đổi nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ xuống 15% từ mức hiện tại 20%.

Không có TPP, vẫn còn RCEP và các hiệp định khác

Hiệp định TPP bao gồm 12 quốc gia như Nhật Bản, Mỹ, Việt Nam... nhưng lại không có Trung Quốc và sẽ đại diện 40% GDP toàn cầu, tương đương 30.000 tỷ USD. Ngân hàng thế giới (World Bank) dự đoán các thành viên hiệp định TPP sẽ tăng thêm bình quân 1,1% GDP vào năm 2030 nhờ bản thỏa thuận này.

Có TPP hay không thì Việt Nam vẫn sẽ phải cải cách

"Việt Nam sẽ theo đuổi hội nhập kinh tế quốc tế thông qua 12 thỏa thuận thương mại tự do khác đã được ký kết cho dù TPP thất bại".

Trong khi hiệp định TPP vẫn chưa rõ sẽ như thế nào thì Trung Quốc đang thúc đẩy một thỏa thuận thương mại mới là Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) gồm 10 nước thành viên Đông Nam Á và Nhật Bản, Hàn Quốc.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tháng trước cho biết Việt Nam sẽ theo đuổi hội nhập kinh tế quốc tế thông qua 12 thỏa thuận thương mại tự do khác đã được ký kết cho dù TPP thất bại.

"Có tham gia cũng rất tốt nhưng không tham gia TPP thì chúng ta vẫn tiếp tục hội nhập với thế giới, đó là chương trình chúng ta đã làm trong thời gian qua", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Tin mới lên