Tài chính quốc tế

Điểm danh 5 địa điểm thu hút vốn FDI hàng đầu thế giới

Singapore đã lọt top 5 địa điểm thu hút FDI hàng đầu trên thế giới cùng với Mỹ, Anh, Trung Quốc và Hongkong (Trung Quốc).

Điểm danh 5 địa điểm thu hút vốn FDI hàng đầu thế giới

Singapore lọt top 5 địa điểm thu hút vốn FDI hàng đầu thế giới.

Báo cáo mới nhất về Xu hướng đầu tư toàn cầu được công bố tại Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cho biết, mặc dù có sự giảm sút về cam kết đầu tư trực tiếp (FDI) trong năm 2016, song Singapore vẫn lọt top 5 địa điểm thu hút FDI hàng đầu trên thế giới sau Mỹ, Anh, Trung Quốc và Hongkong (Trung Quốc).

Theo báo cáo, do tăng trưởng kinh tế và thương mại suy yếu nên dòng vốn FDI toàn cầu trong năm 2016 vừa qua đã giảm 13% và hiện ở mức 1,52 nghìn tỷ USD.

Chính sự suy giảm trên toàn cầu đã kéo theo dòng vốn FDI tại Singapore giảm 23%, từ 65 tỷ USD năm 2015 xuống còn 50 tỷ USD trong năm 2016. Tuy nhiên, đáng chú ý là Singapore vẫn nằm trong 10 điểm đến FDI hàng đầu và đứng ở vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng FDI toàn cầu, sau khi trượt xuống thứ 7 trong năm 2015.

Mỹ vẫn là nơi dòng vốn FDI chảy vào nhiều nhất, với 385 tỷ USD; tiếp theo là Anh với 179 tỷ USD, tăng trưởng ngoạn mục từ vị trí 12 năm 2015 lên vị trí thứ hai trong năm 2016. Trung Quốc vẫn duy trì vị trí thứ ba với 139 tỷ USD và Hongkong đứng thứ tư, 92 tỷ USD.

Dòng vốn FDI vào khu vực châu Á và châu Đại Dương giảm 22%, trong đó, sự suy giảm dòng vốn FDI ở khu vực châu Á là tương đối phổ biến và phần lớn tập trung ở thị trường Hongkong, nơi mà vốn FDI đã giảm mạnh từ mức 175 tỷ USD xuống còn 92 tỷ USD. Mặt khác, nguồn vốn FDI ở Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Singapore cũng giảm mạnh về con số tuyệt đối.

Ngược lại, luồng vốn FDI chảy vào Trung Quốc tiếp tục tăng cao, tăng 2,3% và đạt mức kỷ lục mới. Hàn Quốc cũng chứng kiến vốn đầu tư trực tiếp quay trở lại, với con số cam kết đạt 9,4 tỷ USD, tăng từ mức 4 tỷ USD của năm 2015. Bên cạnh đó, dòng vốn FDI ở Pakistan cũng có mức tăng trưởng ngoạn mục 82% và lên 1,6 tỷ USD, chủ yếu là nguồn vốn các nhà đầu tư Trung Quốc rót vào các dự án cơ sở hạ tầng.

Cùng với châu Á, thế giới cũng chứng kiến sự giảm sút vốn FDI tại hầu hết các châu lục khác như: châu Âu (giảm 29%), Mỹ Latinh và Caribe (giảm 19%) và châu Phi (giảm 5%).

Mặc dù vậy, dòng vốn FDI lại có dấu hiệu phục hồi ở các nền kinh tế chuyển đổi (tăng tới 38%) như Kazakhstan và Liên bang Nga, tăng hơn gấp đôi so với các nền kinh tế phát triển khác mà phần lớn là do sự phục hồi mạnh mẽ trong đầu tư tại Australia (tăng gấp đôi, lên 44 tỷ USD) và Nhật Bản (đảo chiều từ mức giảm 2 tỷ USD năm 2015 và tăng lên 16 tỷ USD trong năm 2016).

Dự báo về triển vọng FDI trong năm 2017, báo cáo của UNCTAD chỉ ra rằng mở rộng thương mại toàn cầu cần tăng tốc độ để khơi thông dòng chảy vốn đầu tư trực tiếp và dự kiến FDI sẽ tăng trưởng khoảng 10%, song hiện vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy sự hồi phục này là chắc chắn.

Tin mới lên