Tài chính quốc tế

Đóng cửa nhà máy Formosa gây ô nhiễm tại Đài Loan

(VNF) - Formosa sẽ đóng cửa nhà máy hoá chất và sợi tại miền trung Đài Loan từ ngày 8/10 do chính quyền địa phương từ chối gia hạn giấy phép hoạt động cho nhà máy này.

Đóng cửa nhà máy Formosa gây ô nhiễm tại Đài Loan

Theo Reuters, ngày 30/9, Formosa Chemicals & Fiber, công ty con thuộc Tập đoàn Formosa Plastic, cho biết sẽ đóng cửa nhà máy ở miền trung Đài Loan bắt đầu từ ngày 8/10 do chính quyền địa phương đã từ chối gia hạn giấy phép hoạt động nhà máy này. 

Formosa Chemicals đã nhiều lần xin gia hạn giấy phép, tuy nhiên chính quyền vùng Chương Hóa (Đài Loan) khẳng định lượng lưu huỳnh có trong than đốt của nhà máy Formosa thải ra môi trường quá cao, vượt xa mức qui định được phép, gây ô nhiễm cho cả vùng. Giấy phép hoạt động của nhà máy hoá chất và sợi Formosa ở Chương Hóa đã hết hạn hôm 28/9.

Hồi tuần trước, hàng ngàn người biểu tình trên nhiều đường phố của Chương Hóa, yêu cầu chính quyền cần có chính sách kiểm soát ô nhiễm, không gia hạn giấy phép hoạt động và buộc Formosa phải đóng cửa nhà máy. Những người biểu tình thu thập hơn 10.000 chữ ký cùng phản đối nhà máy của Formosa.

Theo một thống kê của Sở Y tế năm 2011, xã Đại Thành huyện Chương Hóa, sát khu công nghiệp Formosa, là nơi có tỷ lệ ung thư cao nhất, cũng là nơi có tỷ lệ tử vong vì ung thư lớn nhất Đài Loan. 

"Chúng tôi đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng lớn", Phó Chủ tịch Hong Fu-yuan cho biết. "Chúng tôi đã ngừng việc vận chuyển vật liệu thô cho sản xuất ngày hôm nay", ông nói, và cho biết thêm công ty đã bị chính quyền Chương Hóa từ chối 37 lần trình đơn xin gia hạn giấy phép.

Chính quyền địa phương nhiều lần tuyên bố sẽ không gia hạn cho nhà máy của Formosa nếu công ty không giải quyết vấn đề khí thải theo đúng tiêu chuẩn. Theo đó, cơ quan quản lý môi trường yêu cầu Formosa phải thay đổi nhiên liệu sử dụng chứa hàm lượng sulfur thấp hoặc cải tiến thiết bị xử lý chất thải trước khi đơn gia hạn được xem xét.

Reuters dẫn phát biểu của Phó Chủ tịch Formosa Chemicals & Fibre, ông Hong Fu-yuan nói rằng, quyết định đóng cửa nhà máy sẽ ảnh hưởng đến 1.000 lao động. Khoảng một nửa sản lượng của nhà máy được xuất khẩu ra nước ngoài. Doanh thu của nhà này đạt khoảng 320 triệu USD hàng năm, chiếm khoảng 3% tổng doanh thu của công ty.

Trong khi đó, Formosa  cho rằng lượng khí thải công nghiệp từ nhà máy của họ không phải là nguồn chính gây ô nhiễm ở Chương Hóa mà là từ phương tiện giao thông và ô nhiễm từ các thành phố và khu vực khác.

Ngày 7/9/2016 vừa qua, hàng chục người Việt Nam đã biểu tình tại Đài Bắc, trước trụ sở công ty Formosa, để đòi công ty đóng cửa cơ sở luyện thép tại Việt Nam, sau một loạt thảm họa về môi trường ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của hàng trăm nghìn người.

Hồi cuối tháng 6/2016, công ty Formosa Hà Tĩnh chính thức thừa nhận gây ô nhiễm môi trường tại vùng biển miền trung Việt Nam, xin lỗi và chấp nhận trả 500 triệu USD tiền bồi thường. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng số tiền đó hoàn toàn không thấm gì so với các tổn hại môi trường do công ty này gây ra.

Cuộc biểu tình chống Formosa tại Đài Bắc diễn ra trong bối cảnh dư luận dường như có phần lắng xuống.

Do cuộc sống bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển Formosa, mới đây, hơn 500 ngư dân Hà Tĩnh, Nghệ An đã đâm đơn kiện đòi bồi thường. 

Chiều 26/9, hàng trăm người dân đã tập trung ở trụ sở tòa án để gửi đơn kiện. Trong nội dung khởi kiện, đa số ngư dân yêu cầu Formosa bồi thường thiệt hại trong khai thác hải sản, làm muối, làm mắm… do ảnh hưởng từ sự cố môi trường biển.

Tin mới lên