Tài chính quốc tế

Goldman Sachs: Yên Nhật là đồng tiền 'trú ẩn' an toàn nhất

(VNF) - Theo một phân tích từ các nhà kinh tế của Goldman Sachs, khi nói về 'hầm trú ẩn' thì trong số các loại tiền tệ, yên Nhật là đồng tiền an toàn nhất.

Goldman Sachs: Yên Nhật là đồng tiền 'trú ẩn' an toàn nhất

Các chuyên gia kinh tế của Goldman Sachs đã so sánh biến động hàng ngày và hàng tháng của một giỏ gồm 28 đồng tiền trên toàn cầu trong hai giai đoạn 5 năm từ năm 2007- 2011 và 2012-2016. Trong đó, đồng yên Nhật cho thấy sự "tương quan nhất quán" với các cổ phiếu toàn cầu, và trái phiếu kho bạc Mỹ 10 năm. Điều này có nghĩa là một cổ phiếu dịch chuyển đi lên (hoặc xuống) thì đồng yên dịch chuyển theo hướng ngược lại.

Phân tích của Goldman Sachs cho biết đồng yên là đồng tiền an toàn nhất trong số các loại tiền tệ "an toàn", trong khi đồng franc Thụy Sỹ và đồng USD đứng ở vị trí thứ hai. "Trong khi đó, một số loại tiền tệ của các thị trường mới nổi hầu hết được xếp vào loại tiền 'rủi ro'. Những mối tương quan này xuất hiện tương đối ổn định theo thời gian, ngoại trừ một số mối quan hệ với đồng USD".

Chẳng hạn, tương quan thể hiện giữa đồng USD và giá dầu giảm trong giai đoạn 2012-2016 so với đầu năm. Điều này cho thấy mối quan hệ trước đây giữa hai đối tượng này đã trở nên bất thường ngay sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 hoặc nó phản ánh việc tự cung tự cấp dầu mỏ ngày càng tăng của Mỹ.

Nghiên cứu của Goldman Sachs cũng cho thấy một số phát hiện khác như:

Đồng peso của Mexico, rand Nam Phi, đô la Canada và đô la Úc là những loại tiền tệ có nhiều rủi ro nhất.

Tương quan giữa các loại tiền tệ và trái phiếu kho bạc 10 năm có xu hướng dương ngoại trừ đồng yên. Tuy nhiên, rất nhiều trong số những mối tương quan đó đã chuyển sang chiều âm.

Mối quan hệ tổng thể giữa tỷ giá hối đoái và tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu thông qua chỉ số MSCI All Country World Index (chỉ số phản ánh diễn biến của các thị trường mới nổi và phát triển quan trọng trên toàn thế giới của MSCI) hàng ngày mạnh hơn so với hàng tháng, điều ngược lại đúng trong tương quan với chỉ số dầu thô West Texas Intermediate (WTI).

Khi giá dầu tăng, tiền tệ từ các nhà xuất khẩu bao gồm Canada, Colombia, Nga có xu hướng tăng trưởng tốt hơn; đồng yên, USD và franc có xu hướng kém hơn.

Quay trở lại với đồng yên, có rất nhiều lý do được đưa ra để trả lời cho câu hỏi vì sao đồng yên lại là tài sản an toàn ở thời điểm hiện tại khi mà nợ của Nhật Bản đang tăng lên so với GDP nước Nhật và đồng yên chịu tác động nặng nề từ chính sách phục hồi kinh tế Abenomics của Thủ tướng Abe.

Thêm nữa, Nhật là quốc gia xuất khẩu, không chỉ xuất khẩu hàng hóa mà xuất khẩu cả đồng yên và yên Nhật được "rải" khắp nơi và vì thế nước Nhật còn có danh hiệu là chủ nợ lớn nhất thế giới. Khi một nơi nào đó trên thế giới bị bất ổn chính trị thì điều đầu tiên Chính phủ Nhật sẽ làm là mang đồng yên trở về nước bằng cách bán đi các tài sản khác để đổi lấy đồng yên. Điều đó kiến cho đồng yên tăng giá theo cung cầu.

Nhật Bản cũng áp dụng mức lãi suất thấp nhất thế giới. Do đó, người Nhật xuất khẩu tiền ra nước ngoài, họ bán đồng yên (cung tăng, giá giảm) để mua các loại tiền tệ khác với lợi suất cao hơn. 

Tin mới lên