Tài chính quốc tế

Google 'né' 2,4 tỷ USD tiền thuế trên toàn cầu trong năm 2014

(VNF) - Báo cáo mới nhất của Hội đồng Thương mại Hà Lan cho thấy, Google đã "né" khoảng 2,4 tỷ USD tiền thuế trên toàn cầu trong năm 2014, bằng cách chuyển doanh thu tới một chi nhánh nằm trong khu vực không đánh thuế thu nhập doanh nghiệp.

Google 'né' 2,4 tỷ USD tiền thuế trên toàn cầu trong năm 2014

Theo báo cáo, Google đã "né" được 2,4 tỷ USD tiền thuế trong năm 2014 bằng cách di chuyển  khoản doanh thu khổng lồ 10,7 tỷ euro (12 tỷ USD) trên thị trường thế giới tới một công ty vỏ bọc ở Bermuda, qua một chi nhánh có tên Google Netherlands Holdings BV ở Hà Lan.

Khoản doanh thu mà công cụ tìm kiếm lớn nhất thế giới này đã di chuyển đến Bermuda tăng 16% so với năm 2013, hồ sơ pháp lý cho thấy.

Google được cho là đã lợi dụng thủ thuật trốn thuế có tên là "Double Irish" và "Dutch Sandwich". "Double Irish" (tạm dịch: hai công ty Ireland) và "Dutch Sandwich" (tạm dịch: bánh mỳ kẹp Hà Lan) là hai thuật ngữ được giới luật gia dùng để nói về mánh khóe lách luật siêu hạng của các công ty đa quốc gia như Google – giúp giảm tỷ lệ thuế đánh vào thu nhập có được tại khu vực ngoài nước Mỹ của công ty.

Các nhà chức trách Mỹ chỉ có thể đánh thuế những khoản thu nhập của Google khi chúng được phân phối trở lại cho công ty mẹ ở Mỹ. Tuy nhiên, "gã khổng lồ tìm kiếm" đã chuyển hầu hết doanh thu sang chi nhánh ở các nước có thuế suất thấp. 

Phần lớn lợi nhuận khổng lồ mà tập đoàn này kiếm được tại Ireland và Hà Lan đã được chuyển hết sang Bermuda - nơi không có thuế thu nhập doanh nghiệp. Một cách thần kỳ, "Double Irish" và "Dutch Sandwich" luôn khiến giới luật gia đau đầu, song trên thực tế giấy tờ, nó hoàn toàn hợp pháp.

Chiến thuật mà Google sử dụng dựa trên cái gọi là "chuyển giá" (Transfer Pricing), là những giao dịch trên giấy tờ giữa những công ty con, nhằm chuyển giao số thu nhập đến những quốc gia có mức thuế thấp, trong khi còn chi phí được chuyển sang các nước đánh thuế cao. 

Khi một công ty ở châu Âu, Trung Đông hoặc châu Phi mua một quảng cáo trên Google, số tiền phải trả được gửi tới chi nhánh của Google ở Dublin, Ireland. Mức thuế suất doanh nghiệp mà Chính phủ Ireland đặt ra là 12,5% - đã vào hàng thấp so với nhiều quốc gia châu Âu khác - nhưng Google vẫn gần như không phải chịu thuế suất này, vì lợi nhuận của hãng đã âm thầm rời khỏi văn phòng ở Dublin.

Tuy nhiên, luật của Ireland khiến Google không dễ chuyển thẳng lợi nhuận tới Bermuda mà không bị đánh thuế cao. Do vậy, Google phải đi đường vòng sang Hà Lan, vì Ireland không đánh thuế các khoản tiền được chuyển sang cho các công ty thuộc các quốc gia khác trong Liên minh châu Âu (EU).

Trước khi chuyển lợi nhuận đến các thiên đường tránh thuế như Bermuda, tiền từ cơ sở ở Ireland chuyển vòng qua Hà Lan sẽ nhận được một lợi ích quan trọng: họ không phải trả thuế khi dịch chuyển thu nhập vào hoặc ra khỏi nước này. 

Chi nhánh Google tại Hà Lan là Google Netherlands Holdings sẽ thực hiện chuyển hầu hết số tiền nhận được sang Bermuda với tư cách là tiền mà chi nhánh Google ở Dublin trả để mua bản quyền sở hữu trí tuệ từ Google Ireland Holdings - một thực thể "ảo" do Google ở Bermuda quản lý.

Cách trốn thuế này dựa trên hai công ty Ireland - một công ty (chi nhánh Google ở Dublin, Ireland) trả tiền bản quyền để sử dụng quyền sở hữu trí tuệ, làm phát sinh các chi phí nhằm giảm thu nhập chịu thuế ở Ireland; công ty còn lại (Google Ireland Holdings do Google ở Bermuda quản lý) thu số tiền bản quyền đó ở một "thiên đường thuế" như Bermuda, nhằm tránh thuế ở Ireland. Bởi vậy, cách làm này được gọi là "Double Irish" - "hai công ty Ireland".

Do Hà Lan trở thành địa điểm trung chuyển giữa hai công ty Ireland trong chiến thuật trốn thuế nói trên, nên cách làm như vậy được gọi là "Dutch Sandwich" - "bánh mỳ kẹp Hà Lan".

Việc dịch chuyển doanh thu này cho phép Alphabet, công ty mẹ của Google, giữ thuế suất đối với lợi nhuận từ thị trường quốc tế ở ngưỡng 1 con số. Trong năm 2015, Alphabet công bố thuế suất trung bình mà công ty phải đóng ở thị trường ngoài nước Mỹ chỉ là 6,3%.

Tháng trước, Google cũng bị cho là đã trốn đóng thuế ở Anh và bị truy thu 130 triệu bảng Anh (tương đương 185 triệu USD) tiền thuế truy thu trong một thập niên qua.

Theo số liệu do Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) công bố mới đây, vào cuối năm 2015, các chi nhánh của Alphabet - công ty mẹ của Google - ở nước ngoài đang nắm giữ số tiền 43 tỷ USD chưa bị đánh thuế ở các quốc gia này.

Chính phủ Ireland đã đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ sửa đổi luật thuế để ngăn chặn các công ty đa quốc gia như Google trốn thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, các công ty lớn hiện áp dụng loại cơ cấu thuế này vẫn có thể tận dụng chúng cho tới hết năm 2020.

Tin mới lên