Tài chính quốc tế

Hàn Quốc: bị phạt tù tới 3 năm nếu tiêu quá nhiều tiền mời cơm khách

(VNF) - Tham nhũng nghiêm trọng đến mức Hàn Quốc phải ra đạo luật cấm người dân tiêu quá 30.000 won/suất (tương đương với hơn 600.000 đồng) cho một bữa ăn khi mời các quan chức chính phủ, người làm nhà nước, nhà báo và giáo viên. Những người vi phạm sẽ phải đối mặt với mức án lên tới 3 năm tù.

Hàn Quốc: bị phạt tù tới 3 năm nếu tiêu quá nhiều tiền mời cơm khách

Biểu tình chống tham nhũng tại Hàn Quốc

Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) vừa công bố bảng xếp hạng hàng năm về tình trạng tham nhũng của các quốc gia trên thế giới. Danh sách này được xây dựng từ một loạt các cuộc phỏng vấn của WEF với lãnh đạo của 15.000 doanh nghiệp từ 141 nền kinh tế toàn cầu trong nửa đầu năm nay.

Trong top 11 quốc gia phát triển có tình trạng tham nhũng nghiêm trọng nhất thế giới, Slovenia là nước giành ngôi "quán quân". Trong những năm gần đây, Slovenia đã xảy ra một loạt các vụ tham nhũng đình đám. Trong năm 2013 và 2014 đã có các cuộc biểu tình chống lại Thủ tướng Janez Jansa và lãnh đạo đối lập Zoran Jankovic vì không khai báo đúng về tổng tài sản cá nhân. Ông Janez Jansa phải từ thức và sau đó bị bắt giam năm 2013.

Trong bảng danh sách do WEF công bố, Hàn Quốc là quốc gia châu Á duy nhất góp mặt trong top 11 quốc gia phát triển có tình trạng tham nhũng nghiêm trọng nhất thế giới với số điểm, xếp ở vị trí thứ ba ngang bằng với Latvia và sau Ba Lan.

Để ngăn chặn nạn hối lộ, tham nhũng đang hoành hành, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua Luật Kim Young-ran có hiệu lực từ 28/9. Luật mới được gọi theo tên bà Kim Young-ran, cựu Chủ tịch Ủy ban vì quyền lợi người dân, người đầu tiên đề xuất vào năm 2012.

Theo luật, các quan chức chính phủ, người làm nhà nước, nhà báo và giáo viên sẽ bị phạt nếu như tham dự các bữa ăn có mức giá hơn 30.000 won/suất (khoảng 600.000 đồng), nhận các phần quà với giá trị từ 50.000 won hay tiền hiếu hỷ trên 100.000 won. Luật cũng quy định nếu như nhận tặng phẩm vượt mức trần, bất kể món quà đó có liên quan đến công việc hay không, thì người nhận vẫn phải chịu mức án phạt nặng nhất lên tới 3 năm tù giam và khoản tiền 30 triệu won.

Thậm chí luật còn xử phạt với cả những người hối lộ tiền, đưa quà tặng hay đề xuất chiêu đãi nên không chỉ cán bộ mà cả người dân thường cũng sẽ chịu áp dụng của luật này.

Luật mới này được đưa ra sau thảm họa chìm phà Sewol năm 2014 - phần nào phơi bày mối liên hệ mờ ám giữa cơ quan quản lý và ngành công nghiệp vận tải biển. Theo một cuộc khảo sát của Ủy ban Chống tham nhũng và Dân quyền Hàn Quốc năm 2014, 63% trong tổng số 1.400 người được hỏi cho rằng tham nhũng tồn tại trong xã hội Hàn Quốc.

Tuy nhiên, ngay từ khi còn là dự thảo, luật này đã bị các doanh nghiệp, nhà hàng, nông dân và ngư dân phản đối khi phần lớn lợi nhuận họ thu được đều từ các sản phẩm để làm quà tặng.

Theo nhiều nhà phân tích kinh tế, luật mới có thể tác động tiêu cực tới tiêu dùng nội địa và kinh tế đất nước. Ông Lee Won-sup, Chủ tịch Hội Liên đoàn doanh nghiệp nhỏ Hàn Quốc ước tính sẽ mất 2,6 tỷ won mỗi năm vì luật này. Theo Viện Nghiên cứu Huyndai, luật chống tham nhũng mới có thể tác động tới 9% người lao động Hàn Quốc

Trong khi đó, nhiều tổ chức phi chính phủ ở Hàn Quốc đã lên tiếng khen ngợi luật mới về chống tham nhũng, hy vọng là luật này sẽ giúp đẩy lùi tệ nạn tham nhũng, nhất là vì những người tố giác tham nhũng có thể được thưởng đến 200 triệu won.

Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố hồi tháng 5 năm nay, nạn tham nhũng, hối lộ gây thiệt hại từ 1.500-2.000 tỷ USD mỗi năm, tương đương khoảng 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, làm trì trệ nền kinh tế và ảnh hưởng tới dịch vụ an sinh xã hội cho người nghèo.

Tin mới lên