Tài chính quốc tế

Khủng hoảng niềm tin và những vụ phá sản ngân hàng tồi tệ nhất lịch sử

(VNF) - Khủng hoảng niềm tin dẫn đến hiện tượng đột biến rút tiền gửi là một trong những nguyên nhân khiến nhiều ngân hàng rơi vào thảm cảnh phá sản.

Khủng hoảng niềm tin và những vụ phá sản ngân hàng tồi tệ nhất lịch sử

1. Northern Rock (2007)

Cảnh tượng hỗn loạn chưa từng có trong lịch sử ngành ngân hàng đã diễn ra sáng 15/9/2007 tại 72 chi nhánh của Northern Rock, ngân hàng cho vay tín chấp lớn thứ 5 tại Anh. Ngân hàng này đã mất thanh khoản nghiêm trọng do thua lỗ từ cho vay thế chấp bất động sản, và phải cầu cứu Ngân hàng Trung ương Anh (BoE).

Sự việc bắt đầu từ những thông tin cho rằng Northern Rock cho vay thế chấp tràn lan và đang khan hiếm tiền mặt. Theo nhận định của các nhà quan sát, hệ thống chi nhánh của ngân hàng này rơi vào tình trạng khủng hoảng chưa từng có trong lịch sử: cảnh hỗn loạn xảy ra tại 72 chi nhánh, khách hàng ùn ùn kéo đến rút tiền, hàng chục chi nhánh phải làm việc đến tận khuya.

Khách hàng ồ ạt đến rút tiền tại 72 chi nhánh của ngân hàng Northern Rock.

Khách hàng ồ ạt đến rút tiền tại 72 chi nhánh của ngân hàng Northern Rock.

BoE đã bơm 1 tỷ bảng để ngân hàng chi trả cho người gửi. Hỗ trợ này đã giúp Northern Rock thoát khỏi tình trạng thiếu tiền mặt, nhưng không giúp giảm số người đến rút tiền. Tình thế vẫn rất nguy kịch, cuối cùng Chính phủ Anh phải đứng ra bảo lãnh cho tiền gửi.  Chính phủ Anh phải tiếp quản tập đoàn ngân hàng này và tiến hành quốc hữu hóa vào 17/2/2008.

Đến tháng 6/2011, Northern Rock chính thức được rao bán cho lĩnh vực tư nhân. Tỷ phú Richard Brandson, chủ công ty tài chính Virgin Money đã mua lại với giá 1,2 tỷ USD vào tháng 1/2012. Đến tháng 10/2012, địa chỉ website www.northernrock.co.uk chỉ còn vai trò là đường dẫn phụ đến trang web của Virgin Money.

Theo các chuyên gia, tại Anh hầu như hệ thống bảo hiểm tiền gửi không phát huy tác dụng trong việc tạo niềm tin và trấn an dư luận đặc biệt trong trường hợp xảy ra khủng hoảng, dẫn đến việc người dân rút tiền ồ ạt.

2. Lehman Brothers (2008)

Chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng tài chính và địa ốc, Lehman Brothers tuyên bố phá sản vào ngày 15/9/2008 sau nỗ lực bất thành về việc tìm kiếm đối tác vực đỡ ngân hàng, đánh dấu trường hợp sụp đổ lớn nhất trong cuộc khủng hoảng tín dụng toàn cầu.

Định chế tài chính 158 năm tuổi tuyên bố phá sản ngày 15/9/2008 khi mới chỉ 1 năm trước còn là ngân hàng lớn thứ tư nước Mỹ với số nhân viên lên tới hơn 26 nghìn người. Thiệt hại mà ngân hàng này phải gánh chịu là kết quả của việc biến các khoản cho vay mua bất động sản thành các gói trái phiếu có gốc bất động sản đầy rủi ro cung cấp cho thị trường.

Lehman Brother - định chế tài chính 158 năm tuổi sụp đổ nhanh chóng chỉ sau vài tháng xảy ra khủng hoảng.

Lehman Brother - định chế tài chính 158 năm tuổi sụp đổ nhanh chóng chỉ sau vài tháng xảy ra khủng hoảng.

Giá trị vốn hóa đỉnh điểm khoảng 45 tỷ vào cuối năm 2007 của Lehman Brothers đã về số 0 chỉ sau gần 10 tháng, tạo nên một trong những vụ sụp đổ ngân hàng chóng vánh nhất.

Kết cục thảm của Lehman Brothers đã đi vào lịch sử không thể nào quên đối với giới đầu tư tài chính toàn cầu. Cho đến nay, giới chuyên gia đã và đang tiếp tục nghiên cứu, thảo luận để có thể thấu hiểu bài học mang tên Lehman Brothers.

3. IndyMac (2008)

Chỉ một ngày sau khi cổ phiếu của 2 thể chế tài chính cung cấp vốn cho vay mua nhà ở lớn nhất nước Mỹ là Freddie Mac và Fannie Mae giảm tới 50% và đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ, ngày 11/7/2008, Ngân hàng IndyMac Bancorp Inc ở thành phố Pasadena, bang California đã chính thức phải đóng cửa.

​Khó khăn trong kinh doanh của ngân hàng IndyMac và đột biến rút tiền gửi diễn ra ở ngân hàng này dẫn đến kết cục đóng cửa.

​Khó khăn trong kinh doanh của ngân hàng IndyMac và đột biến rút tiền gửi diễn ra ở ngân hàng này dẫn đến kết cục đóng cửa.

​Khó khăn trong kinh doanh của ngân hàng IndyMac và đột biến rút tiền gửi diễn ra ở ngân hàng này dẫn đến kết cục đóng cửa. Với 32 tỷ USD tài sản có, IndyMac là một trong số ngân hàng lớn bị đóng cửa trong lịch sử nước Mỹ, sau ngân hàng Continental Illinois (với tài sản 40 tỷ USD) bị đóng cửa năm 1984.

Chỉ trong 11 ngày sau khi có tin về khó khăn của ngân hàng IndyMac, người gửi tiền đã rút 1,3 tỷ USD, đẩy ngân hàng lâm vào khủng hoảng thanh khoản. 33 chi nhánh của IndyMac bị đóng cửa, toàn bộ ngân hàng đã được Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi Liên bang (FDIC) xử lý trong trật tự thông qua hình thức thành lập ngân hàng bắc cầu IndyMac Federal Bank. Xử lý ngân hàng IndyMac làm cho FDIC tốn khoảng 4 đến 8 tỷ USD.

4. Washington Mutual (2008)

Do tin đồn Washington Mutual sắp bị vỡ nợ trong vòng 9 ngày làm việc, hàng loạt khách hàng đã ồ ạt đi rút 16,7 tỷ USD tiền gửi (tương đương 9% tổng số tiền gửi tính đến tháng 6/2008) đẩy ngân hàng này rơi vào thảm cảnh. Chính phủ Mỹ buộc phải giao ngân hàng này cho Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi Liên bang (FDIC) tiếp quản vào ngày 25/9/2008.

Trước khi phá sản, Washington Mutual là ngân hàng lớn thứ sáu nước Mỹ. Ngân hàng này cũng sở hữu Washington Mutual Saving Bank, tổ chức cho vay và tiết kiệm hàng đầu quốc gia.

Do tin đồn Washington Mutual sắp bị vỡ nợ, hàng loạt khách hàng đã ồ ạt đi rút tiền gửi đẩy ngân hàng này rơi vào thảm cảnh.

Tương tự như Lehman Brothers, nguyên nhân đẩy Washington Mutual đến bờ phá sản cũng bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng trăm năm mới có một lần tại thị trường tín dụng và bất động sản. Thiệt hại kéo dài đã khiến hãng phải đóng nhiều chi nhánh và cắt giảm nhân công. Giá cổ phiếu của Washington Mutual từ đó đi xuống thê thảm, từ 30 USD, vào tháng 9/2007, thậm chí 45 USD trong năm 2006, xuống chỉ còn 2 USD vào tháng 2/2008.

Sau nhiều nỗ lực cải tổ bằng cách sa thải ban giám đốc hoặc tìm đối tác mua lại cổ phần nhưng không thành công, ngân hàng trên lại bị giáng một đòn nặng khi chỉ trong 10 ngày các khách hàng đã đua nhau rút ra một khoản tiền kỷ lục lên tới 16,7 tỷ USD.

Vào ngày 26/9, Washington Mutual Bank đệ đơn xin phá sản. Đây là vụ sụp đổ ngân hàng lớn nhất trong lịch sử với số tài sản "bốc hơi" lên tới 307 tỷ USD.

5. Bear Stearns (2008)

Ngày 11/3/2008, từ nhà đầu tư, người cho vay, và khách hàng đều cố rút ra khỏi Bear Stearn, ngân hàng danh tiếng trên phố Wall. Bear Stearn ban đầu không phải là ngân hàng thương mại mà chủ yếu hoạt động thông qua các khoản đầu tư vào việc bán khống trái phiếu sắp đáo hạn, một hình thức kinh doanh đầy rủi ro.

Bear Stearns, ngân hàng lớn thứ năm ở Wall Street, mới một năm trước đó có giá khoảng 18 tỷ USD phải bán cho JP Morgan Chase với giá 2 USD/cổ phiếu so với giá 172 USD/cổ phiếu đầu năm 2007.

"Cứ như thức dậy giữa mùa hè mà lại nhìn thấy tuyết", một nhà quan sát ví von về sự sụp đổ của ngân hàng đầu tư lớn thứ 5 nước Mỹ.

Mới chỉ một tuần trước đó, các quan chức của Bear Stearns còn bàn đến những nỗ lực để có được lợi nhuận trong quý 1 năm nay, sau khi đã lần đầu tiên chịu lỗ trong lịch sử vào quý 4 năm ngoái. Nhưng chỉ trong vòng 7 ngày, Bear Stearns từ chỗ là ngân hàng đầu tư lớn thứ 5 của Mỹ đã gần như "bốc hơi" hoàn toàn. Điều này khiến giới đầu tư chứng khoán từ Á sang Âu mất niềm tin sâu sắc, dẫn tới một đợt bán tháo cổ phiếu lớn trên phạm vi toàn cầu ngay sau đó. 

"Cứ như thức dậy giữa mùa hè mà lại nhìn thấy tuyết", một nhà quan sát ví von. "Mức giá 2 USD/cổ phiếu cho thấy những vấn đề tại Bear Stearns còn trầm trọng hơn rất nhiều những gì mà người ta tưởng", ông này nói thêm. 

Lịch sử ngân hàng thế giới ghi lại hậu quả nghiêm trọng của nhiều cuộc khủng hoảng ngân hàng do hiện tượng đột biến rút tiền gửi gây ra và ảnh hưởng lớn tới hệ thống ngân hàng và nền kinh tế.

Trên thế giới, giai đoạn 1929 - 1933 và nhiều năm sau đó, hiện tượng đột biến rút tiền gửi khiến nhiều ngân hàng có qui mô hoạt động lớn phải đóng cửa như: ngân hàng quốc gia Franklin (FNB) ở Mỹ bị đổ vỡ năm 1974; phá sản ngân hàng Banco Ambrosiano của Ý năm 1982; sự đổ vỡ dây chuyền của nhiều ngân hàng ở Canada những năm 1985; trong những năm 80 của thế kỷ XX, nước Mỹ trải nghiệm đột biến rút tiền gửi ở ngân hàng Penn Square (1982) và lan sang ngân hàng lớn nhất nước Mỹ Continental Illinois (1984); ngân hàng New England với 1 tỷ USD tiền gửi bị đột biến rút khỏi ngân hàng đã làm ngân hàng này sụp đổ (1982-1984); hàng loạt quỹ tiết kiệm và cho vay tại bang Maryland và Ohio bị rút tiền ồ ạt trong những năm 1980.

Trong cuộc khủng hoảng Châu Á năm 1997 tại nhiều quốc gia như Thái Lan, Hàn Quốc và Indonesia, tình trạng đột biến rút tiền gửi đã hiện hữu và để lại ảnh hưởng không nhỏ. Trong giai đoạn này, đỉnh điểm của khủng hoảng lòng tin dẫn đến đột biến rút tiền gửi tại 2/3 số ngân hàng tư nhân ở Indonesia, chiếm 1/2 tổng số ngân hàng ở quốc gia này.

Tin mới lên