Tài chính quốc tế

Lo ngại khủng bố trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20 và APEC

(VNF) - Lãnh đạo các nước trên toàn thế giới đã lên án mạnh mẽ các cuộc tấn công đẫm máu ở thủ đô Paris của Pháp đêm ngày 13/11 trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 15/11 và Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) diễn ra tại thủ đô Manila (Philippines) trong hai ngày 18 và 19/11.

Lo ngại khủng bố trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20 và APEC

Vụ khủng bố ở Pháp đã phủ bóng đen lên Hội nghị thượng đỉnh G20 và APEC

Tổng thống Pháp, Francois Hollande đã hủy kế hoạch tham gia Hội nghị thượng đỉnh G20 cuối tuần này tại Thổ Nhĩ Kỳ để giải quyết hậu quả cuộc khủng bố tại Paris. Khủng bố có thể sẽ trở thành chủ đề trọng tâm trong chương trình nghị sự của Hội nghị lần này.

VTV đưa tin ngày 13/11, Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng cường an ninh tại Antalya, nơi sẽ diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh G20 vào ngày 15/11. Theo đó, những hàng rào an ninh đã được dựng lên trong suốt đoạn đường dẫn từ sân bay tới nơi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh G20. Cảnh sát và lực lượng an ninh đã được tăng cường cùng với chó nghiệp vụ để kiểm tra các loại xe cộ đi lại gần nơi diễn ra hội nghị.

Trong bối cảnh các nguyên thủ quốc gia chuẩn bị đến Manila, Philippines để tham dự hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác châu Á-Thái Bình Dương (APEC) vào tuần tới, giới chức nước chủ nhà cũng tuyên bố tăng cường an ninh cho các lãnh đạo thế giới đến nước này dự hội nghị thượng đỉnh về kinh tế vào tuần tới, sau khi Paris rung chuyển bởi hàng loạt vụ tấn công.

Lính thủy đánh bộ Philippines sáng sớm nay điều súng phòng không đến quanh khu vực diễn ra hội nghị. Cảnh sát nước này cũng đã diễn tập mô phỏng hộ tống đoàn xe chở các lãnh đạo thế giới tới dự hội nghị và về khách sạn. Trực thăng quân sự và các tàu hải quân Philippines được điều động tuần tra vùng biển quanh vịnh Manila.

Philippines đã huy động khoảng 18.000 cảnh sát để bảo vệ các địa điểm diễn ra hội nghị, khách sạn và tuyến đường, phát ngôn viên cảnh sát Manila Kimberly Gonzales nói. Ngoài ra, Philippines còn di dời 20.000 người vô gia cư khỏi đường phố, hủy gần 1.000 chuyến bay và tuyên bố ngày lễ ở Manila để đảm bảo APEC diễn ra an toàn.

Trước cuộc khủng bố đẫm máu tại Paris, lãnh đạo các nước trên thế giới đồng loạt bày tỏ mối lo ngại trước sự kiện kinh hoàng này.

Tổng thống Mỹ Barack Obama nói trước báo giới rằng Paris, nơi ông tham dự Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu toàn cầu trong vòng chưa đầy ba tuần, đã phải chứng kiến "một hành động tàn bạo nhằm những thường dân vô tội", đồng thời cam kết sẵn sàng hỗ trợ Pháp để tìm ra những kẻ tấn công này.

Thủ tướng Đức Angela Merkel nói bà cảm thấy sốc nặng và bày tỏ sự cảm thông và đoàn kết của nhân dân Đức với nhân dân Pháp.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết trên một bài đăng Facebook vào 14/11, ông bị sốc trước cuộc khủng bố tại Pháp và khẳng định khủng bố sẽ trở thành chủ đề "quan trọng và cấp thiết hơn bao giờ hết" tại hội nghị thượng đỉnh G20 lần này.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gửi điện chia buồn tới Tổng thống Pháp, Francois Hollande và lên án mạnh mẽ các cuộc tấn công, hãng tin Tân Hoa Xã đưa tin.

Bộ Ngoại giao Nhật Bản khuyến cáo người dân nước này sang Pháp du lịch nên cẩn trọng. Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nói không thể tha thứ cho những hành vi khủng bố này và nước Nhật cùng với cộng đồng quốc tế sẽ không bao giờ cúi đầu trước chủ nghĩa khủng bố.

Hội nghị thượng đỉnh G20 quy tụ các nhà lãnh đạo 20 nền kinh tế phát triển nhất thế giới gồm: Mỹ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Anh, Italia, Canada, Nga, Achentina, Australia, Braxin, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Mexico, Saudi Arabia, Hàn Quốc, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kì và Liên minh châu Âu (EU).

Ngày mai (15/11), lãnh đạo nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi (gọi tắt là G20) sẽ tiến hành hội nghị tại thành phố nghỉ dưỡng Antalya của Thổ Nhĩ Kì. Hội nghị sẽ bàn biện pháp để kinh tế toàn cầu đạt tăng trưởng bền vững và cân bằng cùng các biện pháp chống khủng bố, di cư trái phép.

Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) là diễn đàn kinh tế cấp cao nhất, có ảnh hưởng lớn nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương với tổng cộng 21 nền kinh tế bao gồm: Úc, Nhật Bản, Malaysia, Hàn Quốc,Thái Lan, Philippines, Singapore, Brunei, Indonesia, New Zealand, Canada và Hoa Kỳ, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Hồng Kông, Đài Loan, Mexico, Papua New Guinea, Chile, Peru, Nga và Việt Nam.

Hội nghị cấp cao Diễn đàn kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) sẽ diễn ra tại Philippines trong 2 ngày 18 và 19/11. Tại Hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo APEC sẽ tập trung thảo luận những giải pháp thúc đẩy hợp tác kinh tế của APEC, đồng thời trao đổi những vấn đề nóng có tác động tiêu cực đến sự phát triển chung của kinh tế toàn cầu.

 

Tin mới lên