Tài chính quốc tế

Muốn xin visa Mỹ, sẽ phải khai mật khẩu Facebook?

(VNF) - Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ John Kelly nói đại sứ quán Mỹ ở nước ngoài có thể sẽ yêu cầu người xin thị thực cung cấp mật khẩu các tài khoản mạng xã hội để kiểm tra lý lịch.

Muốn xin visa Mỹ, sẽ phải khai mật khẩu Facebook?

Người xin visa vào Mỹ có thể phải cung cấp mật khẩu tài khoản mạng xã hội.

Theo CNBC, Bộ trưởng An ninh Quốc nội Mỹ John Kelly nói tại Hạ viện hôm thứ Ba ngày 7/2 rằng đây là một trong các biện pháp đang được xem xét để duyệt đơn xin cấp thị thực (visa) và xin tị nạn, nhất là đối với công dân từ 7 quốc gia Hồi giáo gồm Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen.

Theo ông, các biện pháp này sẽ giúp xác lập những cá nhân có nguy cơ về mặt an ninh.

Đặc biệt, công dân 7 quốc gia Hồi giáo trên, vốn không có cơ chế kiểm tra an ninh hiệu quả, sẽ phải được kiểm tra bổ sung.

"Chúng tôi muốn tăng cường và bổ sung thêm những biện pháp kiểm tra lý lịch. Chúng tôi có thể yêu cầu họ cung cấp mật khẩu các tài khoản mạng xã hội", ông Kelly phát biểu trong phiên điều trần tại Ủy ban An ninh Nội địa Hạ viện.

Ông Kelly nói thêm: "Việc kiểm tra lý lịch công dân từ 7 quốc gia Hồi giáo này là rất khó khăn. Thế nhưng nếu họ nhập cảnh Mỹ thì chúng ta có thể yêu cầu cung cấp thông tin họ vào những trang web nào và yêu cầu họ cung cấp mật khẩu. Như thế chúng ta có thể thấy họ làm việc gì trên internet".

"Nếu họ không hợp tác thì họ không được nhập cảnh", ông Kelly nói.

Theo Bộ trưởng An ninh Quốc nội Mỹ, các biện pháp này sẽ giúp xác lập những cá nhân có nguy cơ về mặt an ninh

Bộ trưởng Kelly nhấn mạnh rằng hiện chưa có quyết định chính thức về điều này, nhưng trong tương lai quá trình kiểm tra an ninh sẽ được thắt chặt cho dù có thể dẫn đến kết quả là thủ tục cấp thị thực vào Mỹ sẽ kéo dài hơn.

Ông nói Mỹ hoàn toàn có thể yêu cầu người xin thị thực cung cấp thông tin và "nếu họ thực sự muốn tới Mỹ thì họ phải hợp tác. Nếu không thì để người khác".

Ngày 27/1, Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh cấm nhập cảnh trong vòng 90 ngày đối với công dân 7 nước có dân số chủ yếu theo đạo Hồi, bao gồm Iran, Iraq, Libya, Syria, Somali, Sudan và Yemen, đồng thời cấm nhập cảnh trong vòng 120 ngày đối với tất cả người tị nạn.

Tổng thống Trump ký sắc lệnh hạn chế nhập cư ngày 27/1

Lệnh hạn chế nhập cảnh của ông Trump hiện đang bị chặn lại và sẽ phải chuyển lên Tòa Tối cao để phán quyết.

Những người phản đối cho rằng sắc lệnh này là một sự phân biệt đối xử nhằm vào người Hồi giáo và tỏ ra nghi ngờ về giá trị của sắc lệnh như một biện pháp an ninh. Ông Trump thậm chí đã ký sắc lệnh mà không hề báo trước các nghị sỹ Cộng hòa trong Quốc hội.

Sắc lệnh trên đã bị thẩm phán liên bang James Robart ở Seattle đình chỉ vào hôm thứ Sáu tuần trước sau khi hai bang Washington và Minnesota có đơn kiện. Nhờ phán quyết đình chỉ này mà người tị nạn và công dân của 7 quốc gia bị ảnh hưởng tiếp tục được nhập cảnh vào Mỹ.

Người biểu tình phản đối sắc lệnh hạn chế nhập cư của chính quyền Tổng thống Donald Trump

Nhà Trắng sau đó đã kháng cáo phán quyết của thẩm phán Robart lên tòa án phúc thẩm ở San Francisco. Cuối tuần vừa rồi, tòa phúc thẩm bác bỏ đề nghị của Nhà Trắng về ngay lập tức dừng phán quyết của thẩm phán Robart. 

Theo giới phân tích, Tổng thống Trump đang đương đầu với một cuộc chiến pháp lý khó khăn tại tòa phúc thẩm với các thẩm phán mang tư tưởng tự do ở San Francisco, dù chưa ai có thể đoán chắc kết quả của vụ kiện.

Các tòa phúc thẩm ở Mỹ thường hiếm khi thay đổi phán quyết sơ thẩm, mà trong trường hợp này là phán quyết của thẩm phán Robart đình chỉ sắc lệnh của ông Trump. Vụ kiện có khả năng sẽ được đưa lên Tòa án Tối cao Mỹ.

Tuy nhiên, vấn đề ở đây là tòa án tối cao với 8 thẩm phán hiện đang chia thành hai phe tự do và bảo thủ đều nhau, nên nếu số phiếu cuối cùng là 4-4 thì quyết định của thẩm phán liên bang sẽ giữ nguyên.

Tổng thống Trump đã đề cử thẩm phán tòa tối cao còn khuyết, tuy nhiên việc phê chuẩn ở quốc hội sẽ mất vài tuần do áp lực phản đối của phe Dân chủ.

Tin mới lên