Tài chính quốc tế

Người Nhật dùng mạng xã hội ít nhất thế giới

(VNF) - Các trang mạng xã hội như Twitter, Line, Facebook, Instagram đang được người Nhật sử dụng phổ biến. Tuy nhiên, dù số lượng người dùng ngày càng tăng cao nhưng thời gian người Nhật dành cho mạng xã hội được xếp vào diện thấp nhất thế giới.

Người Nhật dùng mạng xã hội ít nhất thế giới

Theo số liệu mới được công bố bởi ICT Research and Consulting, tính đến cuối năm 2015, Nhật có 68,72 triệu người dùng mạng xã hội. Con số này dự kiến sẽ lên mức 74,86 triệu vào cuối năm 2018. Mặc dù phần lớn người dùng hiện đang trong độ tuổi 10-20 nhưng tính toán của các tổ chức nghiên cứu cho thấy số lượng người dùng trong độ tuổi 40-50 ngày một nhiều hơn.

Mặc dù số người dùng mạng xã hội tại Nhật đang ngày càng tăng cao nhưng theo số liệu thống kê được GlobalWebIndex khảo sát với 34 nước trên thế giới và công bố mới đây cho thấy mỗi ngày, người Nhật chỉ dành 19 phút cho mạng xã hội.

Trong khi đó người Philippines chiếm ngôi đầu bảng với 3 giờ 56 phút mỗi ngày. Đứng thứ hai là Hàn Quốc với 1 tiếng 3 phút. Con số cho thấy khoảng cách lớn về thời gian dùng mạng xã hội của người Nhật so với các láng giềng.

"Ở Nhật, người ta chỉ dùng mạng xã hội để giao tiếp và chia sẻ thông tin với những người bạn thân", Giáo sư Yohei Tsunemi, chuyên gia nghiên cứu về hành vi người dùng mạng xã hội tại Đại học Thương mại Chiba, cho biết.

Người Nhật dường như khá "miễn nhiễm" với các thông tin độc từ mạng xã hội và luôn cân nhắc lợi hại trong từng hành động của mình, để làm lợi cho xã hội hoặc ít nhất là không trở thành gánh nặng của xã hội.

"Keyboard Warrior" là thuật ngữ dùng để chỉ những người chuyên dùng bàn phím để gây chiến, nói linh tinh những điều vô thưởng vô phạt, nếu dịch ra tiếng Việt, có thể dùng nghĩa "anh hùng bàn phím" để mô tả tương đương. Thuật ngữ này dường như không tồn tại ở Nhật Bản.

Người Nhật không hiểu "anh hùng bàn phím" là gì.

Ngày 10/4/2015, gần 150 con cá voi mắc cạn tại Hokota, tỉnh Ibaraki, Nhật Bản, cả thế giới lo sợ và đồn đoán về hiện tượng lạ này và coi đó là dấu hiệu cho một trận đại động đất sắp giáng xuống Nhật Bản, khi trước đó, đã có nhiều trận động đất xảy ra sau khi hiện tượng tương tự được ghi nhận tại New Zealand và chính Nhật Bản trước đó.

Báo chí nước ngoài đua nhau lật lại sự kiện này, tuy nhiên không có báo Nhật nào liên kết câu chuyện và so sánh về sự trùng lặp với những trận động đất, trong đó có hai trận là trận Christchurch và đại động đất ở vùng Tohoku Nhật Bản năm 2011, ghi nhận sự bất thường của cá voi và cá heo trước khi thảm họa diễn ra.

Trên mạng xã hội Yahoo và Twitter, những người dân Nhật cũng ý thức "dập" những dòng tin hoang mang bằng lập luận mạnh mẽ hoặc kiềm chế việc đưa tin chưa được kiểm chứng.

Các tài khoản YouTube của báo Nhật chặn hết các bình luận nhằm tránh những tin đồn có thể lây lan. Sau cùng, nguyên nhân dự đoán cá heo chết được các chuyên gia đầu ngành của Nhật đưa ra là do cá bất ngờ rơi vào vùng nước lạnh, bị sốc và viêm phổi, Nhật thở phào nhẹ nhõm.

Câu chuyện trên cho thấy, ngay từ cơ quan truyền thông chính thống của Nhật Bản cũng luôn có tính chọn lọc, cân nhắc thông tin để truyền tải đến người dân nên người dân luôn tin vào báo chí, tin vào các chuyên gia, tin vào truyền thông chính thống hơn các tin xuất hiện trên mạng xã hội. 

Kể cả khi thảm hoạ xảy ra, người Nhật không lên mạng xã hội kêu than, họ ngay lập tức bắt tay vào những việc khác, điều này làm Facebook khá mờ nhạt trong việc hỗ trợ thông tin liên quan đến trận động đất tại Kumamoto, trái ngược hẳn với động đất tại Nepal, khủng bố tại Pháp...

Facebook tại Nhật rất im ắng, trong hai trận động đất 6,2 và 7,3 độ Richter xảy ra liên tiếp vào ngày 14 và 15/4/2016 tại thành phố Kumamoto, đảo Kyushu, Nhật Bản khiến ít nhất 38 người thiệt mạng và gần 2000 người bị thương.

Các sinh viên di chuyển đồ dùng cá nhân của mình khỏi kí túc xá đã bị hư hại tại Kumamoto.

Trong đoạn tin đầu tiên về động đất trên fanpage của tờ Asahi Shimbun chỉ có 97 lượt chia sẻ, trong khi đó con số này trên fanpage của Yahoo Japan 394 lượt chia sẻ với 66 bình luận.

Asahi Shimbun và Yahoo Japan là những trang trực tuyến rất có tiếng và được ưa thích tại Nhật. Trên trang Facebook cá nhân của người dùng Nhật, hoặc những fanpage khác, có rất ít thông tin về động đất. Họ chủ yếu dùng Facebook để thông báo với những bạn bè quốc tế, thậm chí có nhiều dòng tin dành để nhắn nhủ người Việt Nam, do có khá nhiều người Việt sinh sống tại Nhật.

Đây là những con số thể hiện sự tương tác rất khiêm tốn giữa Facebook và xã hội thực, nhưng lại không phải điều quá ngạc nhiên đối với Nhật Bản, một quốc gia luôn giáo dục công dân mình rất kỹ, khi thảm hoạ xảy ra, họ sẽ phải làm những gì để chạy đua với thời gian.

Tuy nhiên, số lượng người sử dụng mạng xã hội tại Nhật đang ngày càng gia tăng. Ban đầu người Nhật cực kỳ sợ Facebook bởi người dùng không thể giấu được danh tính của mình. Thế nhưng sau thảm họa năm 2011, thái độ của người Nhật với Facebook cũng thay đổi hơn, họ đánh giá cao những giá trị mà trang mạng xã hội này mang lại.

Line được dùng nhiều nhất ở Nhật.

Mạng xã hội được người Nhật sử dụng nhiều nhất hiện nay là Line - được ra mắt bởi công ty NHN Nhật Bản - với hơn 50 triệu người dùng thực tế. Line đã phát triển rất nhanh tại Nhật với nhiều tính năng mới, từ gọi điện video cho đến trò chơi và nhiều phiếu mua hàng giảm giá.

Cũng giống như Line, Twitter tại Nhật cũng nhờ có thảm họa động đất sóng thần năm 2011 mà phát triển nhanh chóng lên 35 triệu người dùng. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã trao đổi một số những thông điệp với không ít nhà lãnh đạo thế giới qua Twitter. Nhiều ngôi sao showbiz của Nhật cũng sử dụng Twitter để trao đổi với người hâm mộ.

Thành công về mặt kinh doanh của Twitter tại Nhật cực kỳ lớn, Ví như nhà phân phối phim Fast & Furious 7 đã sử dụng Twitter để quảng bá cho phim và doanh số phòng vé tăng đến 70% so với lần công chiếu phim phiên bản trước.

Tin mới lên