Tài chính quốc tế

Nhật Bản tăng trưởng âm 1,4% quý IV/2015, thấp hơn ước tính

(VNF) - Ngày 15/2, Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố tăng trưởng kinh tế Nhật Bản quý IV/2015 đạt âm 1,4%, thấp hơn so với ước tính do chi tiêu tiêu dùng cá nhân và đầu tư nhà ở suy yếu.

Nhật Bản tăng trưởng âm 1,4% quý IV/2015, thấp hơn ước tính

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Nhật Bản giảm 1,4% trong quý IV/2015 sau khi GDP điều chỉnh quý III/2015 tăng 1,3%, Văn phòng Nội các cho biết hôm thứ Hai 15/2 tại Tokyo. Theo ước tính trung bình của 33 nhà kinh tế được khảo sát bởi Bloomberg, GDP Nhật Bản quý IV/2015 chỉ giảm 0,8%.

Tiêu dùng cá nhân suy yếu là nguyên nhân chính dẫn đến tăng trưởng kinh tế sụt giảm của nước này, điều này đã phá vỡ mục tiêu chính sách của Thủ tướng Shinzo Abe nhằm thúc đẩy lạm phát và tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. 

Đồng yên Nhật tăng 6,6% so với đồng USD chỉ riêng trong tháng này bất chấp chương trình gia tăng kích thích tiền tệ, áp dụng lãi suất âm và những nỗ lực của các quan chức Chính phủ Nhật để làm suy yếu đồng tiền, khuyến khích tăng lương, chi tiêu tiêu dùng cũng như đầu tư.

Báo cáo cho thấy, chi tiêu kinh doanh tăng 1,4% trong quý IV so với quý trước đó; tiêu dùng cá nhân giảm 0,8% trong quý IV, hàng tồn kho giảm 0,1 điểm phần trăm so với GDP quý IV, trong khi xuất khẩu ròng tăng 0,1 điểm phần trăm so với GDP.

"Khi đồng yên tăng mạnh, các doanh nghiệp sẽ trở nên thận trọng hơn trong chi tiêu và xuất khẩu cũng giảm, trong khi tiêu dùng cá nhân rất khó khăn để có thể tăng lên", Atsushi Takeda, chuyên gia kinh tế tại Itochu Corp trụ sở Tokyo cho biết trước khi báo cáo được công bố. "Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) có thể có ít sự lựa chọn nhưng sẽ phải nới lỏng hơn nữa nếu đồng yên tiếp tục tăng cao", Atsushi Takeda nhận định.

"BOJ nhiều khả năng sẽ nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ tại cuộc họp tiếp theo vào tháng 3/2016", Masamichi Adachi, chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng JPMorgan và là cựu quan chức Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cho biết. "Với đà tăng giá của đồng yên và sự sụt giảm của cổ phiếu, rủi ro đang ngày càng gia tăng đối với kỳ vọng của BOJ về tăng trưởng kinh tế và lạm phát", chuyên gia này nhận định.

Suy thoái ở Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản - cùng đà tăng giá đột ngột của đồng yên là mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp Nhật Bản và có thể làm xói mòn lợi nhuận kỷ lục của họ.

Panasonic đã cắt giảm dự báo lợi nhuận sau khi doanh số bán điều hòa không khí và các thiết bị sụt giảm ở Trung Quốc. Hitachi cũng cắt giảm dự báo lợi nhuận cả năm do tình hình bán hàng chậm hơn đối với các mặt hàng máy móc xây dựng tại Trung Quốc và cùng sự sụt giảm nhu cầu từ các nước sản xuất dầu mỏ do giá năng lượng thấp.

Tin mới lên