Tài chính quốc tế

Nhìn lại 27 khoảnh khắc tồi tệ nhất của khủng hoảng tài chính toàn cầu

(VNF) - Đã 8 năm kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính thay đổi hoàn toàn quỹ đạo hoạt động của các ngân hàng Mỹ. Dù tất cả chỉ còn là quá khứ nhưng vẫn có những sự kiện mà giới tài chính thế giới sẽ không thể nào quên được.

Nhìn lại 27 khoảnh khắc tồi tệ nhất của khủng hoảng tài chính toàn cầu

Bộ trưởng Tài chính Henry Paulson nhìn các đồng nghiệp của ông bao gồm Chủ tịch Fed - Ben Bernanke và các Chủ tịch Fed tại New York - Tim Geithner.

Những ngày cuối tháng 8, đầu tháng 9/2008, cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ sau Thế chiến thứ II bắt đầu lan rộng. Từ sự suy thoái của thị trường nhà đất Mỹ với nguyên nhân được người ta nhắc đến nhiều nhất sau này là "cho vay dưới chuẩn" (tài sản thế chấp cho các khoản vay bất động sản không đủ đảm bảo trả nợ), cuộc khủng hoảng lan sang thị trường tài chính và rồi tới kinh tế toàn cầu.

Cơn địa chấn thực sự nổ ra vào ngày 7/9 với việc hai đại gia cho vay thế chấp của Mỹ là Fannie Mae và Freddie Mac bị quốc hữu hóa. Sau đó, lần lượt Lehman Brothers, Washington Mutual tuyên bố phá sản. Merill Lynch bị Bank of America mua lại, còn AIG phải nhận hàng chục tỷ USD cứu trợ từ Chính phủ Mỹ.

Để cứu vãn nền tình thế, ngân hàng trung ương các nước đã phải cắt giảm lãi suất, bơm tiền cho các công ty hay mua lại nợ xấu. Tuy nhiên, động thái đó cũng không thể ngăn cản Nhật, EU, Mỹ, Nga và nhiều quốc gia khác trên thế giới rơi vào suy thoái trong quý IV năm đó. Theo cựu Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) - Alan Greenspan, đây là cuộc khủng hoảng "hàng trăm năm mới có một lần".

Những năm sau khủng hoảng, người ta đã chứng kiến một nước Mỹ với những cuộc chơi tài chính rủi ro, lấn át cả kinh tế thực, một châu Âu ì ạch với những khoản nợ công khổng lồ, Trung Quốc phát triển nóng và có khả năng "hạ cánh cứng", trong khi Nhật Bản chật vật với bài toán tiêu dùng trong nước... 

Nhân kỷ niệm 8 năm, trang Business Insider ghi lại 27 khoảnh khắc đáng sợ nhất của cuộc khủng hoảng.

1. Ngày 8/2/2007: Ngân hàng HSBC cho biết dự phòng nợ xấu trong năm 2006 cao hơn dự kiến khoảng 20% do sự sụt giảm của thị trường nhà đất ở Mỹ. Kể từ đó, người ta mới bắt đầu biết đến khái niệm cho vay dưới chuẩn. Đây là hình thức các ngân hàng cho vay tiền mua nhà thế chấp với điều kiện rất dễ dàng và trả góp trong thời gian dài, là nguyên nhân chính dẫn tới cuộc khủng hoảng tồi tệ này.

2. Ngày 2/4/2007: Tập đoàn tài chính New Century, khi đó là hãng cho vay thế chấp lớn nhất nước Mỹ, đệ đơn xin phá sản.

3. Ngày 21/6/2007: Tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới Merril Lynch bán tháo tài sản trong hai quỹ đầu tư Bear Stearns do các quỹ này lỗ hàng tỷ USD vì các khoản vay dưới chuẩn. Merril Lynch là một trong những tập đoàn tài chính lâu đời nhất tại Mỹ.

Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã ra lệnh bắt giữ hai cựu quan chức của Ngân hàng đầu tư Bear Stearns - Ralph Cioffi và Matthew Tannin - những người được coi là có công đưa những quỹ đầu tư do họ điều hành tới tình trạng phá sản.

4. Ngày 9/8/2007: BNP Paribas, ngân hàng lớn nhất của Pháp, đóng băng các khoản tiền gửi của ba quỹ đầu tư sau khi thị trường thế chấp dưới chuẩn của Mỹ thiệt hại nặng nề. BNP cho biết việc thanh khoản bốc hơi hoàn toàn tại một số phân khúc của thị trường chứng khoán Mỹ khiến việc định giá tài sản trở nên thiếu chính xác mặc dù một số loại tài sản thực sự có chất lượng và xếp hạng tín dụng tốt.

5. Ngày 4/9/2007: Lãi suất liên ngân hàng Libor đạt kỷ lục 6,7975%, mức cao nhất kể từ tháng 12/1998.

6. Ngày 24/10/2007: Ngân hàng Merrill Lynch thông báo khoản lỗ quý III 8,4 tỷ USD, mức cao nhất trong lịch sử ngân hàng trăm năm tuổi này, do đổ quá nhiều tiền vào thị trường tín dụng thế chấp dưới chuẩn.

7. Ngày 31/10/2007: Nhà phân tích tài chính ngân hàng Meredith Whitney dự báo Citigroup sẽ phải cắt giảm cổ tức song song với việc tăng vốn 30 tỷ USD. Và điều đó đã xảy ra.

8. Tháng 10-11/2007: Nhiều CEO của các hãng tài chính lớn mất việc. Stan O'Neal của Merrill và Chuck Prince tại Citigroup phải ra đi trong tủi hổ, nhưng không quên mang theo khoản bồi thường thôi việc kếch xù. O'Neal rời Merrill với 161,5 triệu USD.

9. Ngày 11/12/2007: Ủy ban Thị trường mở liên bang Mỹ của Fed giảm lãi suất quỹ liên bang xuống còn 4,25% và lãi suất tín dụng xuống còn 4,75%.

10. Ngày 16/3/2008:  JP Morgan Chase mua lại Bear Stearns với giá 2 USD/cổ phiếu, khi quỹ đầu tư này bán tháo tài sản (về sau cổ phiếu này tăng lên 10 USD). Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã hỗ trợ 30 tỷ USD cho thương vụ này để giúp Bear thoát khỏi kết cục phá sản.

11. Năm 2008: Một số công ty bảo hiểm cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho các loại chứng khoán nợ dưới chuẩn bị hạ tín nhiệm và sụp đổ. Nhà đầu cơ Bill Ackman được cho là đã kiếm được hơn 1 tỷ USD sau khi bán cổ phiếu của các công ty bảo hiểm.

12. Ngày 7/9/2008: Chính phủ Mỹ chính thức tiếp quản hai tập đoàn cho vay thế chấp gặp khó khăn Fannie Mae và Freddie Mac. Đây là hai tập đoàn chiếm một nửa thị trường tín dụng thế chấp bất động sản Mỹ.

13-14. Ngày 14/9/2008: Ngân hàng Bank of America mua lại Merrill Lynch với giá 50 tỷ USD. Trong khi đó, không may như Merrill Lynch, Lehman Brothers không tìm được người mua và phải đệ đơn xin phá sản.

15. Ngày 16/9/2008: Lần thứ hai trong lịch sử nước Mỹ, một quỹ đầu tư trên thị trường tiền tệ chứng kiến giá cổ phiếu xuống dưới 1 USD. Giới đầu tư Mỹ ồ ạt rút tiền khỏi các quỹ vốn được coi là siêu an toàn này. Khi đó, 140 tỷ USD đã bị rút khỏi các quỹ này.

16. Ngày 17/9/2008: Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chi 85 tỷ USD để cứu hãng bảo hiểm khổng lồ AIG khỏi nguy cơ phá sản.

17. Mùa thu năm 2008: các đại gia ngân hàng lâu đời như Wachovia và Washington Mutual đã không còn sau khi bị các ngân hàng khác mua lại với giá rẻ mạt.

18. Ngày 29/9/2008: Hạ viện Mỹ từ chối gói cứu trợ trị giá 700 tỷ USD. Chứng khoán Mỹ giảm giá mạnh tới 788 điểm khi quá trình kiểm phiếu được tường thuật trực tiếp. 

19. Ngày 3/10/2008: Chương trình giải cứu tài sản xấu (TARP) được thông qua. Quốc hội thông qua gói giải cứu ngân hàng trị giá 700 tỷ USD. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Mỹ vẫn lao dốc bởi nhà đầu tư lo ngại như vậy là chưa đủ. 

20. Ngày 8/10/2008:  Fed chi nhánh New York giải cứu AIG lần thứ hai, bơm vào tập đoàn này 37,8 tỷ USD. 

21. Ngày 13/10/2008: Bộ trưởng Tài chính Hank Paulson cùng 9 CEO của các ngân hàng lớn nhất nước Mỹ ngồi họp với nhau. Một vài giờ sau, chính quyền liên bang thực hiện một giao dịch khổng lồ trên phố Wall. Tổng cộng gói cứu trợ có giá trị vào khoảng 2.250 tỷ USD, lớn hơn rất nhiều so với con số 700 tỷ USD ban đầu. 

20. Ngày 15/10/2008: Thị trường chứng khoán chứng kiến một phiên rực lửa, giảm mạnh 733 điểm, tương đương 7,9%.

21. Ngày 16/10/2008: Tỷ phú Warren Buffett bình luận trên tờ New York Times với tiêu đề "Hãy mua cổ phiếu Mỹ. Tôi đang mua", trong khi chứng khoán Mỹ đang giảm mạnh. Các nhà phê bình chỉ trích ông gay gắt, nhưng thời gian đã minh oan cho Buffett. Giá cố phiếu tăng trở lại những năm sau khủng hoảng.

22. Tháng 10/2008: Các nhà bình luận đưa ra những nhận định đầy bi quan. Nhà báo Anthony Faiola của tờ Washington Post viết: "Cuộc khủng hoảng tệ nhất kể từ Đại suy thoái đang quật ngã một nạn nhân khác: chủ nghĩa tư bản kiểu Mỹ". 

23. Ngày 11/12/2008: NBER thông báo nền kinh tế chính thức rơi vào suy thoái. 

24. Ngày 17/2/2009: Tổng thống Obama thông qua Đạo luật Phục hồi và Tái đầu tư. 

25. Tháng 11/2008 đến mùa xuân 2009: Khủng hoảng tiếp tục khiến kinh tế Mỹ kiệt quệ, thất nghiệp tràn lan. Cuối cùng Dow Jones giảm xuống còn 6.547,05 điểm – thấp nhất kể từ tháng 4/1997. 

26. Các ngân hàng tiếp tục báo lỗ, nỗ lực chống lại những thay đổi trong quy chế giám sát, và cuối cùng phải chấp nhận các yêu cầu cao hơn về vốn.

27. Cuối cùng, nhờ vào gói cứu trợ từ Fed và Quốc hội Mỹ, thị trường chứng khoán thoát đáy và nền kinh tế dần phục hồi.

 

Tin mới lên