Tài chính quốc tế

Nước cờ bất ngờ của Obama trước giờ chuyển giao quyền lực cho Donald Trump

(VNF) - Chính quyền ông Obama đã "quay lưng" với Israel sau khi bỏ phiếu trắng, cho phép Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết đầu tiên trong 36 năm, về việc lên án chính sách phát triển các khu định cư của Israel trên lãnh thổ Palestine.

Nước cờ bất ngờ của Obama trước giờ chuyển giao quyền lực cho Donald Trump

Tổng thống Obama đang làm hết sức để cứu vãn những di sản trong 8 năm nhiệm kỳ của mình. Trong khi ông Trump dường như đang cố vô hiệu hoá chính quyền Obama.

Nước cờ cuối cùng của Obama nhằm vào ông Trump?

Ngày 24/12, Tổng thống Israel - ông Benjamin Netanyahu chỉ trích Tổng thống Mỹ Barack Obama về việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) thông qua một nghị quyết yêu cầu Israel chấm dứt việc mở rộng các khu định cư người Do Thái tại bờ Tây và Đông Jerusalem. "Israel bác bỏ nghị quyết đáng xấu hổ nhằm chống Israel của LHQ và sẽ không tuân thủ các điều khoản trong nghị quyết", thông báo từ Văn phòng Tổng thống Benjamin Netanyahu cho biết.

"Chính quyền Tổng thống Obama không chỉ thất bại trong việc ủng hộ Israel chống lại việc kết bè phái trong LHQ mà còn ngấm ngầm thông đồng với họ (trong nghị quyết này)". "Israel mong đợi làm việc với Tổng thống đắc cử Donald Trump và với tất cả các bạn hữu tại Quốc hội, đảng Cộng hoà cũng như đảng Dân chủ để hạn chế ảnh hưởng tồi tệ mà nghị quyết kia gây ra", thông báo viết.

Trước đó, tại cuộc bỏ phiếu thông qua nghị quyết của LHQ kêu gọi Israel chấm dứt chính sách định cư. Nghị quyết được thông qua với sự ủng hộ từ tất cả 14 thành viên còn lại. Động thái bất ngờ của Hội đồng Bảo an LHQ được đưa ra bất chấp những nỗ lực vận động hành lang liên tiếp từ Israel và ông Trump để ngăn chặn.

Khu định cư Do Thái ở đông Jerusalem.

Trong một động thái hiếm có và quan trọng, Mỹ - quốc gia đồng minh của Israel - lần này đã bỏ phiếu trắng thay vì sử dụng quyền phủ quyết của thành viên thường trực hội đồng bảo an để ngăn nghị quyết được thông qua như những lần trước. 

Về phần mình, chính quyền Tổng thống Obama vốn bức xúc với việc xây dựng khu tái định cư tại bờ Tây mà Israel chiếm từ 50 năm trước. Ngày càng nhiều cảnh báo cho rằng, chính sách xây dựng khu tái định cư sẽ nhanh chóng làm tổn hại tới khả năng giải quyết xung đột Israel-Palestin. Năm 2011, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã không thể thông qua một dự thảo nghị quyết lên án các khu định cư của Israel vì Mỹ phủ quyết.

Việc Mỹ bỏ phiếu trắng và để nghị quyết được thông qua được xem là chương cuối trong cuốn sách kéo dài gần 8 năm đối đầu giữa chính quyền Barack Obama và Benjamin Netanyahu, CNN nhận định. Đây là một trong những quyết định cuối cùng, nhưng đồng thời cũng quan trọng nhất của ông Barack Obama trước khi kết thúc nhiệm kỳ tổng thống Mỹ.

Nước cờ cuối bất ngờ này có thể là ông Obama nhằm vào cá nhân ông Trump và ông Netanyahu.

Nó lại càng thêm độc đáo khi trước đó, người kế nhiệm ông Obama là ông Donald Trump đã can thiệp trực tiếp và công khai để ngăn cản. Ai Cập vì thế đã rút lui trong khi ông Obama lại tiến xa thêm.

Nước cờ cuối bất ngờ này có thể là ông Obama nhằm vào cá nhân ông Trump và ông Netanyahu. Ông Obama muốn biểu lộ là vẫn còn có thể làm nên chuyện lớn trong những ngày cuối cùng ở nhiệm sở, chứ không phải đã trở nên mờ nhạt và vô dụng khi thiên hạ dường như chỉ tập trung vào người kế nhiệm.

Trước đó một ngày, Trump, thông qua Twitter - kênh phát ngôn yêu thích của ông, đã yêu cầu chính quyền Obama phủ quyết nghị quyết trên. Quan trọng hơn, đội ngũ của Trump đã chủ động liên hệ với giới chức Israel và Ai Cập. Ai Cập là nước soạn thảo nghị quyết lên án Israel.

Các quan chức Israel tiết lộ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã liên hệ với đội ngũ của Trump để yêu cầu giúp đỡ khi biết rằng chính quyền Obama có thể sẽ "nhắm mắt" cho nghị quyết được thông qua. Sau đó, Tổng thống tân cử Trump đã gọi cho Tổng thống Ai Cập Abdel Fatah al-Sisi, dẫn đến việc chính Cairo cho hoãn phiên họp bỏ phiếu thông qua nghị quyết ngày 22/12.

Đến ngày 23/12, New Zealand, Malaysia, Venezuela và Senegal - 4 nước đồng soạn thảo nghị quyết - vẫn kiên quyết triệu tập phiên họp bỏ phiếu thông qua.

Sau khi nghị quyết được thông qua, ông Trump viết trên Twitter: "Mọi chuyện với Liên hợp quốc sẽ khác, sau ngày 20/1". Ngày 20/1/2017, ông Trump sẽ chính thức nhậm chức Tổng thống. 

Obama quyết liệt bảo vệ di sản

Trước đó, ông Obama liên tục đưa ra những quyết định quan trọng trước khi chuyển giao quyền lãnh đạo cho ông Trump.

Ngày 24/12, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký phê chuẩn dự luật ngân sách quốc phòng thường niên, có giá trị 618,7 tỷ USD cho năm 2017. Dự luật có tên Đạo luật cấp phép quốc phòng quốc gia (NDAA) trước đó đã được cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ thông qua.

Mặc dù đã đặt bút ký thành luật đối với NDAA, nhưng Tổng thống Obama không hài lòng với một số nội dung trong dự luật này, trong đó có các chính sách hạn chế việc chuyển tù binh ra khỏi nhà tù quân sự Guantanamo ở Cuba. Điều này khiến ông Obama không thể hoàn thành mục tiêu đóng cửa nhà tù này trước khi hết nhiệm kỳ.

Đóng cửa nhà tù Guantanamo vốn là cam kết của ông Obama ngay từ chiến dịch tranh cử tổng thống nhiệm kỳ đầu tiên vào năm 2008. Tuy nhiên nỗ lực suốt 8 năm của nhà lãnh đạo này vấp phải sự phản đối của hầu hết các nghị sĩ đảng Cộng hòa trong quốc hội.

Trong một tuyên bố ngày 23/12, ông Obama nói: "Trong suốt nhiệm kỳ của mình, chúng tôi đã chuyển hơn 175 tù nhân ra khỏi Guantanamo một cách hợp lý. Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực chuyển thêm các tù nhân ra khỏi nhà tù đó cho đến ngày cuối cùng tôi còn ở nhiệm sở".

Cùng ngày, ông Obama đã chính thức bãi bỏ chương trình theo dõi người Ả Rập hoặc Hồi giáo tới Mỹ gây tranh cãi, được ban hành từ sau vụ khủng bố 11/9/2001.

Tổng thống Obama đang làm hết sức để cứu vãn những di sản trong 8 năm nhiệm kỳ của mình trước khi rời Nhà Trắng.

Ngày 20/12, ông Obama cũng đã có hành động thực tế để củng cố di sản môi trường bằng cách cấm hoạt động khai thác dầu khí tại một khu vực rộng lớn ở Bắc cực và Đại Tây Dương.

Tổng thống Barack Obama đã sử dụng một luật ít người biết đến, được ban hành vào thập niên 1950, gọi là luật Thềm lục địa, với nội dung cho phép các tổng thống Mỹ giới hạn những khu vực được thuê để khai thác khoáng sản và dầu khí nếu có quan ngại về môi trường.

Lệnh cấm của ông Obama dựa vào Luật Thềm lục địa năm 1953 của Mỹ. Nếu muốn lật lại lệnh này, ông Trump phải kiện ra tòa và quy trình pháp lý để đảo ngược lệnh cấm sẽ kéo dài nhiều năm.

Đây được xem là bước chuẩn bị của Tổng thống Obama để bảo vệ di sản môi trường của mình trong bối cảnh người kế nhiệm luôn tuyên bố biến đổi khí hậu chỉ là trò lừa và dọa rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về Biến đổi Khí hậu.

Một chính sách khác cũng được quan tâm, ngày 13/12, ông Ben Rhodes, phó cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Obama cho biết chính quyền sắp mãn nhiệm hy vọng sẽ thuyết phục được chính quyền sắp tới của ông Trump tiếp tục chính sách của ông Obama đối với Cuba.

Trong bối cảnh chỉ còn ít tuần nữa ông Trump sẽ nhậm chức, Tổng thống Obama và các trợ lý của mình đang tìm cách củng cố chính sách ngoại giao với Cuba, một bước đột phá trong quan hệ giữa hai nước cựu thù thời Chiến tranh lạnh sau khi bình thường hóa quan hệ vào tháng 12/2014.

Tuy vậy, trong khi ông Obama nới lỏng các hạn chế về du lịch và thương mại đối với Cuba thì ông Trump có vẻ như muốn làm ngược lại.

Tin mới lên