Tài chính quốc tế

Nước ‘đãi ra vàng’, nước ‘toát mồ hôi’ sau mùa Euro

(VNF) - Nước Pháp được kỳ vọng sẽ không sẽ trở thành một Nam Phi mới hay một Brazil, Hy Lạp mới, những quốc gia đã oằn minh gánh lỗ sau những giải đấu bạc tỷ.

Nước ‘đãi ra vàng’, nước ‘toát mồ hôi’ sau mùa Euro

Euro 2016 được kỳ vọng là giải đấu lãi nhất lịch sử

Giải đấu vô địch châu Âu này từ lâu đã là giải đấu bóng đá lớn nhất chỉ sau World Cup tính về độ nổi tiếng và doanh thu. Việc đăng cai tổ chức một mùa Euro không phải là chuyện đơn giản, kể cả đó là gã khổng lồ Pháp.

Song sau thời gian dày công chuẩn bị, dẹp yên những đe dọa khủng bố, Giải bóng đá vô địch châu Âu 2016 (Euro 2016) được hy vọng sẽ là một cú đẩy động lực cho nền kinh tế nước nhà. 

Chi phí mà nước Pháp dành để tổ chức Euro 2016 là khoảng 1,7 tỷ euro, trong đó từ ngân sách nhà nước là 646 triệu euro và từ các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân là hơn 1 tỷ euro. Bộ trưởng Thể thao Patrick Kanner cho biết nước Pháp hy vọng thu về 1,2 tỷ euro từ chi tiêu của các du khách sau khi giải đấu này khép lại. 

Sân vận động Stade de France tại Paris (Pháp).

Quốc gia này sở hữu nhiều sân vận động chất lượng, rộng khắp 10 thành phố lớn vẫn luôn chào đón hàng chục nghìn cổ động viên hàng tuần. Cơ sở vật chất bao gồm đường xá, xe cộ, bệnh viện, khách sạn,… đều đạt tiêu chuẩn quốc tế. Có chăng Pháp chỉ bỏ công sức trùng tu một vài nơi. Việc trùng tu cung cấp 20.000 công việc mới cho người dân, giúp cải thiện cơn khủng hoảng kinh tế.

Bên cạnh phát triển du lịch và những nguồn thu khác nhau từ cổ động viên, nước Pháp coi cá độ bóng đá Euro 2016 là nguồn thu chính.

Pháp bắt đầu hợp pháp hóa cá cược bóng đá trực tuyến từ năm 2014. Và chỉ với vỏn vẹn 30 ngày đầu tiên đồng hành cùng World Cup 2014, ngành công nghiệp cá cược đã đem về cho họ 83 triệu euro. Đó là chưa kể đến phần thu nhập tại sòng bạc Casino De Monte Carlo đóng quân ở Monaco. Mọi hãng cá cược độc lập rải rác khắp 10 thành phố lớn của nước Pháp đã sẵn sàng "mở rộng hầu bao".

Quốc gia "vỡ mộng nguồn thu chính" với giải đấu lớn

Để có những nguồn thu khổng lồ từ các giải đấu lớn thì đương nhiên ngân sách đầu tư tổ chức cũng phải ngang tầm. Và không phải sau bất cứ mùa giải nào, quốc gia đăng cai tổ chức cũng có thể sinh lợi.

Nhiều người đã tỏ ra lo ngại cho ngân sách tổ chức của Pháp. Trong đó, chỉ riêng chuyện an ninh đã tốn một khoản khổng lồ. Lần này Pháp phải chi thêm nhiều hơn hẳn cho bảo đảm an ninh trong và ngoài sân bóng. Riêng chi phí bảo vệ 10 khu vực lắp màn hình lớn ngoài trời đã là 24 triệu euro, gấp đôi con số thông thường. 

Một số còn lo xa hơn khi sợ Pháp sẽ trở thành một Nam Phi mới hay một Brazil, Hy Lạp mới, những quốc gia đã oằn minh gánh lỗ sau khi giải đấu hào nhoáng rút đi.

Năm 2004, Hy Lạp tổ chức Thế vận hội Mùa hè còn Bồ Đào Nha là nơi diễn ra giải vô địch bóng đá châu Âu, cả hai sự kiện đều cần tới số tiền rất lớn. Bồ Đào Nha dành khoảng 5 tỷ euro (khoảng 4,87 tỷ USD) cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng và sửa chữa 10 sân vận động. Trong khi với với Olympic Athens 2004, Hy Lạp đầu tư 9 tỷ euro (tương đương 11 tỷ USD), gần gấp đôi chi phí dự kiến ban đầu.

Hy Lạp vẫn đang loay hoay tìm lời giải bài toán khủng hoảng nợ công.

Hy Lạp là quốc gia hứng chịu hậu quả nặng nề nhất khi Olympic Athens 2004 khiến đất nước này ngập trong nợ nần. Theo Bloomberg, trong những ngày cuối của lễ bế mạc, Hy Lạp cảnh báo Khu vực đồng euro (Eurozone) rằng nợ công và thâm hụt ngân sách của nước này sẽ tệ hơn dự kiến. Thâm hụt năm 2004 của quốc gia châu Âu lên đến 6,1% GDP, gấp đôi giới hạn của Eurozone trong khi nợ công là 110,6% GDP, mức cao nhất ở EU. Hy Lạp trở thành nước EU đầu tiên bị Ủy ban châu Âu (EC) giám sát tài chính vào năm 2005, vài tháng sau khi Thế vận hội kết thúc.

"Nạn nhân" lớn thứ hai sau các kỳ thể thao với chi tiêu khủng phải kể đến Bồ Đào Nha. Một khảo sát sử dụng số liệu từ các sân vận động mới phục vụ Euro 2004, chi phí xây đều ở mức cao hơn so với ước tính ban đầu. 7 hội đồng thành phố có các sân vận động này đã vay ngân hàng số tiền 290 triệu euro (khoảng 345,6 triệu USD). Do đó, chính quyền các thành phố phải cần tới 20 năm để trả hết số nợ.

Kết thúc World Cup 2010, World Cup đầu tiên được tổ chức ở một quốc gia châu Phi, Nam Phi cười ra nước mắt khi chỉ thu về vỏn vẹn nửa tỷ USD sau khi đã chi ra đến gần 5 tỷ USD để xây sân vận động và nâng cấp cơ sở hạ tầng, trong đó có riêng 3,3 tỷ USD chỉ để xây đường sắt cao tốc đầu tiên ở châu Phi. Đầu tư hoành tráng là vậy nhưng thật là một câu chuyện cười khi doanh thu sau World Cup 2010 của Nam Phi chỉ vỏn vẹn 0,5 tỷ USD.

Một "nạn nhân" khác là Brazil. Trong dịp World Cup 2014, Brazil chi ra tổng cộng 14 tỷ USD nhưng cuối cùng chỉ thu về 11 tỷ USD. Điều đó càng khẳng định một cuộc đầu tư bao giờ cũng có may rủi. Giải đấu càng lớn thì cơ hội càng hấp dẫn nhưng đồng thời nguy cơ lỗ vốn cũng luôn cận kề.

Áo, Thụy Sỹ (Euro 2008); Ukraina, Ba Lan (Euro 2012) đều chẳng thu về chút lời lãi nào như dự tính. Kinh tế của những nước chủ nhà các vòng chung kết Euro gần đây đều suy sụp thấy rõ. Ngay đến một siêu cường kinh tế như Đức cũng lỗ, dù không nhiều, sau World Cup 2006.

Tuy nhiên những nguy cơ của các quốc gia trên được kỳ vọng sẽ không xảy đến với nước Pháp, bởi vì họ đã có một nền tảng và kinh nghiệm vững chắc. Euro 2016 sẽ là cú đẩy cải thiện tình trạng ảm đạm kinh tế Pháp và cá độ bóng đá trực tuyến sẽ là nguồn thu dồi dào đáng mong chờ nhất.

Tin mới lên