Tài chính quốc tế

Quan hệ Trung - Mỹ: Kinh tế và thương mại là cái van an toàn

Suy cho cùng, trong bang giao Trung - Mỹ, kinh tế cũng là chính trị. Tuy nhiên, để kinh tế có thể góp phần giải cứu một số "nút thắt" trong các mối bang giao, từ Tổng thống đến các nhà hoạch định chính sách luôn có cách tiếp cận tổng thể.

Quan hệ Trung - Mỹ: Kinh tế và thương mại là cái van an toàn

Ảnh minh họa.

Trong nhiều năm qua, đặc biệt là trong thời gian tranh cử tổng thống, ông Trump đã mạnh mẽ lên án chính sách giao thương của Trung Quốc. Nhưng rồi một ngày đẹp trời sau hội nghị Thượng đỉnh La-a-Mago (Florida, Mỹ) lời hứa của Trump rằng sẽ dán cho Trung Quốc cái mác "là kẻ thao túng tiền tệ" bỗng nhiên "cuốn theo chiều gió".

Chỉ có thể giải thích điều này bằng những thỏa thuận "làm ăn" lớn nào đó giữa ông Trump với ông Tập qua cuộc gặp gỡ cấp cao trong hai ngày đầu tháng Tư vừa qua.

Kế hoạch 100 ngày

Xung quanh nan đề thương mại đầy gai góc, hai bên đạt được tiến bộ bước đầu khi nhất trí về "Kế hoạch 100 ngày" tập trung đẩy mạnh xuất khẩu của Mỹ để thu hẹp thâm hụt thương mại song phương. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross bảo đảm sẽ "đóng băng" bất kỳ hành động đơn phương nào chống Trung Quốc trong giai đoạn 100 ngày ấy.

Ông dường như đã được thuyết phục rằng Trung Quốc có cùng mong muốn thu hẹp thặng dư thương mại, vì lo ngại thâm hụt thương mại sẽ tác động tới dòng tiền và gây ra lạm phát.

Trung Quốc và Hoa Kỳ cũng đồng ý mở rộng "Đối thoại Kinh tế và An ninh Chiến lược", một trụ cột chính trong quan hệ song phương dưới chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama. Theo đó, các nội dung thảo luận sẽ được mở rộng thêm nhiều mảng, gồm hành pháp, an ninh mạng và các vấn đề kinh tế - xã hội khác. 

Trên thực tế, quan hệ kinh tế và thương mại Mỹ - Trung đã chằng chịt đến độ những mối tương quan khác dường như trở thành thứ yếu. Quyền lợi của Hoa Kỳ trên đất Trung Quốc cũng chính là quyền lợi thương mại mà nhiều tập đoàn lớn và của các công ty Mỹ đang được hưởng.

Và cũng chính vì Trung Quốc có nhiều thứ để "đổi chác" với Mỹ hơn Nga, nên vừa qua, Tổng thống Trump đã "xoay như chong chóng" trong một số đánh giá để đạt các mục tiêu kinh tế.

Nhìn vào thực lực kinh tế đôi bên hoàn toàn có thể định biên được sức mạnh tối đa hay tối thiểu của mỗi nước khi thủ lĩnh của hai nền kinh tế hàng đầu này nói chuyện với nhau.

Về phía Trung Quốc, Bắc Kinh theo chiến lược phát triển là lấy đầu tư và xuất khẩu làm lực tăng trưởng. Chiến lược ấy đạt thành quả ngoạn mục trong ba chục năm, rồi đi hết vòng vận hành từ năm 2008 khi thị trường nhập khẩu toàn cầu đều sa sút. 

Bắc Kinh đã bơm tiền kích thích kinh tế nên chất lên một núi nợ và một khối thương phẩm ế ẩm, tuy họ đã cố gắng chuyển hướng từ năm 2013. Đã từng chiếm tới 35% tổng sản lượng (GDP), xuất khẩu của Trung Quốc giảm dần, nay chỉ còn trên 22%, nhưng vẫn là quá cao trong khi tiêu thụ nội địa chưa đủ mạnh để làm đầu máy cho đà tăng trưởng GDP.

Kết quả là ngày nay, kinh tế Trung Quốc hết nhịp độ tăng trưởng như xưa, mà vẫn phải lệ thuộc vào xuất khẩu, cho dù sự lệ thuộc không nặng nề như kinh tế Đức, Hàn Quốc hay Liên bang Nga. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn có thể bị rủi ro lớn nếu gặp khó khăn với Hoa Kỳ là nơi tiếp nhận đến 20% tổng số xuất khẩu.

Bài toán chính trị của Chủ tịch Tập Cận Bình là thỏa hiệp mà không tỏ vẻ yếu đuối trước những đòi hỏi của Hoa Kỳ trong khi nội tình Trung Quốc cũng bắt đầu lộ nhiều dấu hiệu bất ổn.

Trên thực tế, mâu thuẫn mậu dịch giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc không phải là câu chuyện hôm nay mới có. Vấn đề thâm hụt thương mại đã có từ thời chính quyền của Tổng thống George W. Bush và Barack Obama và chỉ lên tới cao độ, theo cách lập luận gay gắt của tân chính quyền Donald Trump.

Nếu nhìn về thực lực để tính ra giải pháp tối đa hay tối thiểu trong cách đối đầu với Trung Quốc, Ban tham mưu của chính quyền Trump cũng biết hơn 20% tổng số nhập khẩu của Mỹ là đến từ Trung Quốc và đem lại lợi ích cho doanh nghiệp lẫn giới tiêu thụ Mỹ ham hàng rẻ của Đại Lục. 

Từ ba thập niên vừa qua, có những lúc quan hệ hai nước căng thẳng, nhưng được giải quyết ôn hòa và không làm suy giảm trao đổi thương mại. Đây có thể chính là điều bất biến trong bang giao Mỹ - Trung. Tuy nhiên, để kinh tế có thể góp phần giải cứu một số "nút thắt" trong các mối bang giao, từ Tổng thống đến các nhà hoạch định chính sách luôn có cách tiếp cận tổng thể.

Vì vậy, về tương quan lực lượng của đôi bên thì Trung Quốc cần bán hàng cho Mỹ, mà Mỹ cũng cần nhập khẩu loại hàng rẻ của Trung Quốc. Nếu chiến tranh mậu dịch bùng nổ thì đôi bên đều thiệt, nhưng kinh tế Trung Quốc bị bất lợi nặng hơn và lâu hồi phục hơn trong khi kinh tế Hoa Kỳ có tiềm lực phục hồi cao hơn, vì còn dư công suất để trám vào các mặt hàng từ Trung Quốc.

Đọc lịch sử, hiểu hiện tại

Ngay sau khi xảy ra biến cố Thiên An Môn (năm 1989) khiến hàng nghìn người thiệt mạng, dù Tổng thống George W.H. Bush (cha) cho phép những sinh viên Trung Quốc du học được chính thức ở lại Mỹ tị nạn, cùng lúc ông Bush vẫn âm thầm gửi Cố vấn An ninh Quốc gia Brent Scowcroft đến Bắc Kinh để bảo đảm với lãnh đạo Trung Quốc là quan hệ hai nước không thay đổi.

Căng thẳng trong bang giao Mỹ-Trung lên cao (năm 1996) khi Đài Loan tổ chức bầu cử và vấn đề độc lập của đảo này được ứng viên Lý Đăng Huy ủng hộ. Trước ngày bầu cử, Bắc Kinh bắn hỏa tiễn về phía Đài Loan, đồng minh không chính thức của Mỹ, khiến Tổng thống Bill Clinton sau đó đã ra lệnh đưa hàng không mẫu hạm vào vùng eo biển ngăn cách Trung Quốc với Đài Loan để cảnh cáo Bắc Kinh. Cuộc khủng hoảng sau đó đã được giải quyết ôn hòa.

Dưới thời Tổng thống George W. Bush (con), tháng 4/2001, đã có sự cố máy bay trinh thám của Hải quân Mỹ va chạm với chiến đấu cơ Trung Quốc trên không phận gần đảo Hải Nam gây tử vong cho phi công Trung Quốc. Các chiến đấu cơ của Trung Quốc đã ép buộc phi cơ Mỹ đáp xuống đảo và 24 lính Mỹ gồm phi hành đoàn cùng chuyên viên bị bắt và thẩm vấn.

Sự kiện này đã gây căng thẳng cho hai quốc gia, nhưng rồi cũng được giải quyết ổn thỏa sau khi những quân nhân Mỹ buộc phải ký tên vào một văn thư xin lỗi và được thả. Bắc Kinh không cho máy bay trinh thám của Mỹ cất cánh bay về mà buộc phải tháo gỡ từng phần mới được chuyển về nước.

Dưới thời Tổng thống Barack Obama, trước những ý đồ bành trướng ảnh hưởng trong khu vực Đông Á của Trung Quốc nên đã có chính sách "xoay trục", sau đổi thành "tái quân bình" ảnh hưởng của Mỹ trong vùng, đặc biệt là khu vực biển Đông Á từ Nhật xuống đến Singapore.

Với Tổng thống Donald Trump, sau khi đắc cử ông đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn. Sự kiện này làm Bắc Kinh tức giận vì điều đó vi phạm chính sách một nước Trung Hoa mà Hoa Kỳ đã thừa nhận. Nhưng rồi sau đó, Tổng thống Trump cũng buộc phải xác nhận quan điểm của ông là đồng ý với chính sách của Hoa Kỳ về một nước Trung Hoa.

Với những căng thẳng giữa hai nước đã có trong quá khứ như trên, đặc biệt là cách giải quyết để tránh làm tăng xung đột, có thể thấy, Mỹ và Trung Quốc không bên nào muốn rơi vào hoàn cảnh phải đối đầu với nhau qua chiến tranh. Ngày nay, nếu có chiến tranh giữa hai nước, dù chiến tranh kinh tế hay về mặt quân sự, thiệt hại sẽ rất nặng cho cả hai quốc gia.

Tin mới lên