Tài chính quốc tế

Quốc tế cảnh báo khả năng gây chiến tranh tiền tệ của Nhật Bản

(VNF) - Tờ Wall Street Journals cho biết, các quan chức cấp cao đến từ các nền kinh tế lớn nhất thế giới đã cảnh báo động thái can thiệp của Nhật Bản vào thị trường nhằm hạ giá đồng yên sẽ gây ra một đợt phá giá tiền tệ trên toàn cầu.

Quốc tế cảnh báo khả năng gây chiến tranh tiền tệ của Nhật Bản

Theo Wall Street Journals, Donald Trump, Hillary Clinton và Bộ trưởng Tài chính Hà Lan đều bày tỏ mối quan tâm về việc Nhật Bản đang can thiệp ngày càng mạnh hơn vào thị trường trước những nỗ lực nhằm phục hồi nền kinh tế đất nước với chính sách tiền tệ ngày càng nới lỏng hơn.

Donald Trump và Hillary Clinton - hai ứng cử viên sáng giá cho chức Tổng thống Mỹ trong cuộc đua vào Nhà Trắng 2016 đều cho rằng động thái của Nhật Bản bao gồm việc áp dụng lãi suất âm lần đầu tiên trong lịch sử được xem như một hành động nhằm thao túng tiền tệ. Bà Hillary Clinton tuần trước đã gọi Nhật Bản như là một "tội đồ" về lâu dài.

Trong khi đó, các quan chức của Liên minh châu Âu (EU) tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20 họp diễn ra ở Thượng Hải ngày 26-27/2 vừa qua đã đưa ra cảnh báo rằng bất kỳ sự can thiệp trực tiếp nào của Chính phủ Nhật Bản vào thị trường ngoại hối đoái có thể châm ngòi cho một loạt hành động phá giá tiền tệ cạnh tranh trên toàn thế giới, những người quen thuộc với vấn đề này cho biết.

Những ý kiến trên được đưa ra tại một cuộc họp kín riêng của các quan chức tài chính và ngân hàng trung ương hàng đầu đến từ EU, Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản (được gọi là nhóm G4), nguồn tin cho hay.

Jeroen Dijsselbloem, Bộ trưởng Tài chính Hà Lan, cho biết những rủi ro về khả năng Nhật Bản sẽ làm dấy lên một cuộc chiến tiền tệ là chủ đề đã được thảo luận bên lề cuộc họp G20.

Áp lực quốc tế lên Nhật Bản đi kèm với những lo ngại rằng các cường quốc kinh tế có thể tìm cách làm suy yếu đồng tiền của họ để kích thích tăng trưởng, từ đó thiết lập một vòng xoáy phá giá tiền tệ, gây rủi ro cho thị trường toàn cầu.

Sau khi những thông tin này được đưa ra, Nhật Bản ngay lập tức đã bày tỏ sự phản đối trước những lời cáo buộc thao túng tiền tệ và thông tin từ Bộ trưởng Tài chính Hà Lan.

Phát biểu trước Quốc hội hôm thứ Sáu 4/3, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso cho hay các quan chức của Ủy ban châu Âu (European Commission) đã thông báo cho Nhật Bản rằng thông tin mà ông Dijsselbloem - Bộ trưởng Tài chính Hà Lan đã trích dẫn về những gì đã diễn tại hội nghị ở Thượng Hải là sai sự thật. Tokyo cũng cho rằng đồng yên không phải mục tiêu quan tâm tại cuộc họp G20.

Trong khi đó, một phát ngôn viên của Hội đồng châu Âu (European Council) đã nói với Wall Street Journals rằng thông tin từ ông Dijsselbloem là chính xác. Bộ Tài chính Nhật Bản từ chối bình luận về nội dung cuộc thảo luận G4.

Đồng yên yếu được xem là một yếu tố quan trọng trong chương trình chấn hưng tăng trưởng kinh tế mang tên Abenomics của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhằm vực dậy lợi nhuận doanh nghiệp vì khi đồng yên yếu, các nhà xuất khẩu Nhật Bản sẽ được hưởng lợi.

Tuy nhiên, trái ngược với những kỳ vọng đó, đồng yên đã tăng lên mức cao nhất so với đồng USD trong hơn một năm trong bối cảnh khủng hoảng thị trường toàn cầu vào đầu năm nay. Các chính sách lới nỏng của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) dường như đã mất đi tính hiệu quả và gây tác dụng ngược khi đồng nội tệ ngày càng tăng cao.

Áp lực phản đối mạnh mẽ của quốc tế hiện nay có thể khiến BOJ ngày càng khó khăn hơn để theo đuổi các chính sách nới lỏng được xem là gián tiếp làm suy yếu nội tệ bao gồm cả việc cắt giảm thêm lãi suất âm.

"Không phải Tổng thống Mỹ, nhưng có thể là Clinton hay Trump, sẽ chỉ trích chính sách của Nhật Bản mạnh mẽ hơn nữa nếu Chính phủ nước này vẫn cố gắng để làm suy yếu đồng yên thông qua các động thái can thiệp vào thị trường tiền tệ", ông Koji Fukaya, chuyên gia phân tích tiền tệ và Giám đốc điều hành công ty chứng khoán FPG Securities tại Tokyo nhận định.

Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda tuần trước cho biết những ý kiến ​​của ông Trump và bà Clinton sẽ không làm hạn chế các lựa chọn chính sách của Ngân hàng Trung ương.

Mỹ và châu Âu nói chung không phản đối việc gián tiếp làm suy yếu đồng tiền thông qua chính sách tiền tệ, như nới lỏng định lượng, mà họ đã thực hiện. Tuy nhiên, cả hai đều phản đối việc can thiệp trực tiếp vào thị trường.

Bộ Tài chính Nhật Bản đã không can thiệp vào thị trường nhằm làm suy yếu đồng yên kể từ mùa đông năm 2011, sau nhiều lần đối mặt với chỉ trích gay gắt từ Mỹ.

"Nếu đồng yên tăng cao hơn nữa, BOJ có thể sẽ can thiệp thêm một lần nữa", Hideo Kumano, chuyên gia kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Dai-Ichi nói.

Tin mới lên