Tài chính quốc tế

Thị trường tài chính 2015: một năm biến động ngoài dự đoán

(VNF) - Những dự báo chính xác nhất về thị trường cổ phiếu, trái phiếu và các kim loại quý trong năm 2015 cảnh báo các nhà đầu tư cho năm 2016: đừng tin vào lời dự báo của đám đông, theo một bài viết trên trang Bloomberg.

Thị trường tài chính 2015: một năm biến động ngoài dự đoán

Một năm đầy biến động của thị trường tài chính đã chứng minh các dự báo ban đầu về cổ phiếu, trái phiếu, cũng như giá vàng hầu hết đều sai và rất ít các nhà chiến lược nhận định đúng về thị trường, theo Bloomberg.

Đầu năm 2015, phần lớn các chuyên gia phân tích dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng mạnh, đẩy giá cổ phiếu tăng và giá trái phiếu sẽ xuống thấp. Tuy nhiên, suốt từ đầu năm đến nay, thị trường tài chính phố Wall của Mỹ đã sụt giảm nghiêm trọng cùng hai sự kiện có tác động lớn nhất là thị trường chứng khoán Trung Quốc lao dốc và Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã trì hoãn việc nâng lãi suất đến tận tháng 12. Giá hàng hóa đã rớt xuống mức thấp nhất trong vòng 16 năm và cổ phiếu toàn cầu chứng kiến năm giảm đầu tiên kể từ 2011.

"Những kỳ vọng của thị trường đã không xảy ra", Yusuke Ito, chuyên gia đầu tư cao cấp tại quỹ đầu tư Mizuho Asset Management (Tokyo) cho biết. "Cổ phiếu đã bắt đầu giảm và áp lực giảm này sẽ tiếp tục trong năm 2016. Tôi không nghĩ rằng Fed có thể tăng lãi suất nhiều lần trong năm tới. Điều đó sẽ gây áp lực giảm giá đối với thị trường trái phiếu lãi suất cao của nước này".

Cổ phiếu

Các chuyên gia tham gia khảo sát của Bloomberg đã dự đoán chỉ số cổ phiếu S&P 500 (được cấu thành từ 500 cố phiếu giao dịch lớn chiếm đến hơn 70% tổng giá trị thị trường chứng khoán Mỹ) sẽ tăng 8,1% trong năm nay.

Tuy nhiên, thực tế, chỉ số này lại đang trên đà giảm khoảng 1,8% xuất phát từ áp lực lợi nhuận của các doanh nghiệp sụt giảm và những lo ngại về việc Fed chấm dứt chính sách lãi suất gần 0%. Sự đảo ngược này cũng khiến chỉ số chứng khoán toàn cầu MSCI World Index giảm 5,5%. Các thị trường mới nổi phải chịu đà sụt giảm mạnh nhất với mức 17%.

Trái phiếu

Về thị trường trái phiếu, thời điểm này năm ngoái, hầu hết các chuyên gia dự báo Fed sẽ sớm quyết định nâng lãi suất trong năm 2015 và sẽ đẩy lợi suất trái phiếu tăng cao với mức trung bình 3,08% cho trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm.

Tuy nhiên, phiên 21/12, chỉ số này chỉ ở mức 2,19%. Lạm phát thấp và những dấu hiệu căng thẳng trên thị trường mới nổi khiến Fed trì hoãn tăng lãi suất đến tận tháng 12.

Giá cả hàng hóa

Sự sụt giảm thảm hại của hàng hóa toàn cầu năm 2015 đã gây sốc thị trường. Lạm phát thấp làm giảm sức hấp dẫn của những kim loại quý, trong khi nhu cầu từ thị trường Trung Quốc giảm mạnh và tình trạng dư thừa nguồn cung khiến giá dầu thô lao dốc.

Giá vàng giao ngay đã giảm 9% kể từ đầu năm đến nay, được dự báo sẽ giảm tiếp 12% trong năm tới, xuống còn 950 USD/ounce, theo Barnabas Gan, chuyên gia tại Oversea - Chinese Banking Corp., người đưa ra những dự báo chính xác nhất về giá các kim loại quý mà Bloomberg theo dõi trong ba quý vừa qua. 

Đồng USD

Các dự báo về tiền tệ được đưa ra có tỷ lệ chính xác cao hơn. Trên thị trường tiền tệ với khối lượng giao dịch lên đến 5,3 nghìn tỷ USD mỗi ngày, nhiều nhà đầu tư đã thắng lớn vì giới phân tích dự báo chính xác về sức mạnh của đồng USD trong năm 2015. Chỉ số đồng USD đã tăng 9% trước cơ chế điều hành chính sách tiền tệ trái ngược giữa các ngân hàng trung ương của Mỹ, EU và Nhật Bản.

Theo Bloomberg, sự ngạc nhiên lớn nhất đối với thị trường trong năm nay đến từ Trung Quốc khi đồng nhân dân tệ nước này đã giảm 4,2% so với USD sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc bất ngờ phá giá tiền tệ hồi tháng 8/2015 và chuyển sang điều hành cơ chế tỷ giá nghiêng về tín hiệu từ thị trường. Nhân dân tệ cũng được chấp thuận trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).

Michael Every, chuyên gia nghiên cứu thị trường tại Rabobank Group (Hồng Kông) - người dự báo mức giảm mạnh nhất của đồng nhân dân tệ theo khảo sát của Bloomberg vào cuối năm 2014, nhận định đồng tiền này sẽ giảm thêm 16% trong năm tới, xuống còn 7,7 nhân dân tệ đổi 1 USD vì tình trạng kinh tế Trung Quốc đang suy giảm.

"Trung Quốc muốn một đồng tiền ổn định, nhưng lại giảm phụ thuộc vào USD. Nhân dân tệ hiện nay vẫn đang được định giá quá cao", chuyên gia này nói.

Tin mới lên