Tài chính quốc tế

Thủ tướng Anh thừa nhận sở hữu cổ phần tại công ty có tên trong 'Hồ sơ Panama'

(VNF) - Thủ tướng Anh David Cameron ngày 7/4 thừa nhận ông có cổ phần trong một quỹ đầu tư ngoại do cha ông thành lập, trước khi bán chúng vào năm 2010. Quỹ đầu tư này có tên trong "Hồ sơ Panama" bị tiết lộ mới đây.

Thủ tướng Anh thừa nhận sở hữu cổ phần tại công ty có tên trong 'Hồ sơ Panama'

Ông Cameron thừa nhận ông từng nắm giữ 5.000 cổ phiếu trong một quỹ đầu tư ngoại do cha ông thành lập.

Trong vụ rò rỉ dữ liệu "Hồ sơ Panama" của hãng luật Mossack Fonseca, Thủ tướng Cameron phải đối diện với hàng loạt câu hỏi về sự liên quan đến Blairmore Investment Trust (BIT), một quỹ đầu tư bí mật ở nước ngoài của người cha quá cố của ông, Ian Cameron.

Phát biểu với kênh truyền hình ITV News ngày 7/4, ông Cameron thừa nhận ông từng nắm giữ 5.000 cổ phiếu quan trong quỹ Blairmore nhưng đã bán nó vào tháng 1/2010 với giá khoảng 30.000 bảng Anh  (khoảng 42.000 USD) cho một công ty tín thác ở Bahamas vào thời điểm 4 tháng trước khi ông trở thành thủ tướng hồi năm 2010.

"Chúng tôi nắm khoảng 5.000 đơn vị ở BIT, và đã bán hết vào tháng 1/2010, trị giá khoảng 30.000 bảng. Tôi quyết định bán hết, vì khi trở thành thủ tướng thì tôi không muốn ai nói rằng tôi có mối quan tâm hoặc lợi ích khác", thủ tướng Anh thừa nhận.

Ông Cameron khẳng định ông đã đóng các khoản thuế theo quy định của Anh cho số tiền lãi thu được từ việc bán các cổ phần và khẳng định công ty Blairmore Holdings không phải được thành lập để trốn thuế.

"Tôi không có gì để che giấu. Tôi tự hào về cha tôi và những gì ông đã làm. Tuy nhiên, tôi không thể chịu được việc tên tuổi của ông bị bôi nhọ", thủ tướng Anh giãi bày.

Theo ông Cameron, phần lớn chỉ trích đều xuất phát từ "sự hiểu lầm cơ bản" rằng BIT được dựng nên nhằm trốn thuế. "Sự thật không phải như vậy", ông nói.

Trong khi trước đo,  một tuyên bố đưa ra hôm 5/4, một phát ngôn viên của ông Cameron cho biết Thủ tướng, vợ ông và các con hiện thời không hưởng lợi từ bất kỳ quỹ đầu tư nào ở nước ngoài.

Những ngày qua, Thủ tướng Cameron phải chịu sức ép dữ dội từ đảng đối lập và giới truyền thông về những minh bạch trong các thỏa thuận tài chính của ông trước khi nhậm chức. Trong khi đó, chính phủ Anh sắp tổ chức hội nghị thượng đỉnh chống tham nhũng vào tháng tới.

Các tài liệu bị rò rỉ từ hãng luật Mossack Fonseca của Panama cho thấy ông Ian Cameron, hỗ trợ thành lập quỹ Blairmore Holdings Inc ở Bahamas vào đầu những năm 1980 và là một trong 5 giám đốc của Anh từng tham dự các cuộc họp hội đồng quản trị của công ty tại Bahamas hoặc Thụy Sỹ. Tài liệu cáo buộc công ty đã trốn thuế tại Anh 30 năm.

Phó chủ tịch Công đảng Tom Watson ngày 7/4 cho rằng hiện còn quá sớm để nói ông Cameron có nên từ chức hay không. 

Theo Sky News, ông Cameron dự kiến sẽ công bố bản khai thuế sớm nhất có thể, dự kiến vào tuần tới.

Trong diễn biến liên quan tới vụ việc, ngày 7/4, ngân hàng Hypo Landesbank Vorarlberg của Áo thông báo Giám đốc điều hành (CEO) của định chế tài chính này là Michael Grahammer đã từ chức sau khi ngân hàng Hypo Landesbank Vorarlberg bị đề cập trong "Hồ sơ Panama". Như vậy, ông Grahammer đã trở thành lãnh đạo ngân hàng đầu tiên từ chức liên quan tới vụ bê bối rò rỉ thông tin nói trên.

Mạng lưới công ty "ma" khổng lồ trên thế giới đã bị phơi bày sau khi 11,5 triệu tài liệu của công ty luật tại Panama Mossack Fonseca, được gọi là "Hồ sơ Panama", bị tiết lộ hồi cuối tuần qua. 

Những tài liệu này cũng ghi lại hoạt động hàng ngày của công ty luật Mossack Fonseca trong suốt 40 năm (từ năm 1975). Theo các kết quả điều tra, Mossack Fonseca đã giúp khoảng 140 chính trị gia, gồm cả 12 nhà lãnh đạo hoặc cựu lãnh đạo các nước, cùng những ngôi sao thể thao, trùm ma túy... trốn nộp thuế. Đây được xem vụ rò rỉ dữ liệu lớn nhất từ trước tới nay và nó hé lộ về một vụ tham nhũng toàn cầu, cũng như những bí mật của giới nhà giàu trên toàn thế giới.

Tin mới lên