Tài chính quốc tế

Thủ tướng Italia từ chức, EU liệu có nguy cơ khủng hoảng tài chính?

(VNF) - Giới phân tích cho rằng Thủ tướng Renzi thua đồng nghĩa nền kinh tế Italia không được cải cách và khiến hệ thống ngân hàng Italia gặp vấn đề nghiêm trọng. Sự bất ổn này có thể lan ra toàn châu Âu.

Thủ tướng Italia từ chức, EU liệu có nguy cơ khủng hoảng tài chính?

Thủ tướng Matteo Renzi ngày 4/12 đã tuyên bố từ chức ngay sau thất bại nặng nề trong cuộc trưng cầu dân ý về việc cải cách Hiến pháp tại Italia.

Thất bại trong trưng cầu dân ý, Thủ tướng Italia từ chức

Thủ tướng Matteo Renzi ngày 4/12 đã tuyên bố từ chức ngay sau thất bại nặng nề trong cuộc trưng cầu dân ý về việc cải cách Hiến pháp tại Italia.

Theo ông Renzi, nhiệm kỳ Thủ tướng của ông đã chấm dứt tại thời điểm này. "Ngày mai Tổng thống Italia sẽ có cuộc gặp với tôi và tôi sẽ đệ đơn xin từ chức. Tôi nhận toàn bộ trách nhiệm về thất bại này và tuyên bố rằng tôi đã thua cuộc, chứ không phải các bạn", ông Renzi nói với giới truyền thông trong buổi họp báo.

Thất bại trong cuộc trưng cầu ý dân đã gây chấn động mạnh, khi gần 60% số người đi bỏ phiếu chọn nói "không" với phương án cải cách hiến pháp. Ngược lại, đây được xem là chiến thắng của các đảng phái theo chủ nghĩa dân tộc và dân túy theo đường hướng hoài nghi châu Âu, vốn đã vận động kịch liệt phản đối Renzi và hứa hẹn của ông về việc kích thích nền kinh tế trì trệ của Italia. Thủ tướng Renzi phát biểu: "Khi thất bại, người ta không thể vờ như chưa có chuyện gì xảy ra rồi lên giường đi ngủ. Chính phủ của tôi đã kết thúc tại đây, ngày hôm nay".

 Hàng chục nghìn người phản đối cải cách xuống đường biểu tình ở thủ đô Rome của Italia.

Hôm 4/12, cử tri Italia đã đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý cải cách hiến pháp. Ông Renzi cho rằng cải cách hiến pháp sẽ giúp tăng cường ổn định chính trị và giải quyết vấn đề bộ máy quan liêu ở Italia.

Theo đó, cải cách hiến pháp sẽ làm giảm bớt quy mô cũng như quyền lực của Thượng viện, chấm dứt cảnh bế tắc thường xảy ra trong quá trình lập pháp, cắt giảm đáng kể quyền lực của các chính quyền địa phương.

Hiện Thượng viện, Hạ viện Italia có quyền lực ngang nhau, đều chịu trách nhiệm thông qua các dự luật. Đây là nguyên nhân gây nên bế tắc. Cải cách hiến pháp sẽ đưa số thượng nghị sỹ từ 315 xuống còn 100 người.

Ông Renzi (41 tuổi), nhậm chức Thủ tướng Italia vào năm 2014 và trở thành chính trị gia trẻ tuổi nhất đảm nhận chức vụ này tại Italia. Trước khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý hôm 4/12, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) được cho là đã có "nhiều đêm mất ăn, mất ngủ". Bởi, lo lắng việc Italia sẽ đi theo "vết xe" của cuộc trưng cầu dân ý về việc Anh rời EU – hay còn gọi là Brexit.

Lãnh đạo thứ 2 của EU tuyên bố từ chức

Vị Thủ tướng 40 tuổi của nước Italia đã trở thành nhà lãnh đạo thứ hai ở châu Âu kể từ đầu năm đến nay phải tuyên bố từ chức sau khi đặt cược rằng bản thân có thể vượt qua được làn sóng dân túy mạnh mẽ và củng cố quyền lực của mình.

Trước đó, Thủ tướng Anh David Cameron đã đặt cược chức vụ Thủ tướng của mình vào phe "ở lại" trong cuộc bỏ phiếu ra đi hay ở lại EU của nước Anh hồi tháng 6. Ông Cameron đã tuyên bố từ chức sau khi người dân Anh khiến cả thế giới sốc khi bỏ phiếu chấp thuận rời khỏi EU (Brexit).

Giờ đây, Tổng thống Italia Sergio Mattarella phải quyết định ai sẽ là người đứng đầu Chính phủ tiếp theo và dẫn dắt đất nước tiến tới.

Những người có thể được trao quyền điều hành Chính phủ tạm thời trong thời gian sắp tới bao gồm Bộ trưởng Tài chính Pier Carlo Padoan, Chủ tịch Thượng viện Pietro Grasso và Bộ trưởng Văn hóa Dario Franceschini.

Các đảng chính ở Italia đã chuẩn bị các kế hoạch đối phó để đảm bảo Chính phủ sẽ hoạt động trơn tru trong trường hợp ông Renzi buộc phải ra đi.

Nguy cơ tạo cú sốc tài chính cho EU

Ngay sau tuyên bố của ông Renzi, đồng Euro đã giảm xuống mức thấp nhất trong 20 tháng qua so với đồng USD khi các thị trường lo ngại bất ổn trong nền kinh tế Italy có thể dấy lên một cuộc khủng hoảng tài chính tiềm ẩn và cũng là một đòn giáng vào ngành ngân hàng mong manh của Italia.

Đồng Euro đã giảm xuống mức thấp nhất trong 20 tháng sau khi Thủ tướng Italia tuyên bố từ chức.

Trong lĩnh vực kinh tế, mặc dù Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vừa đưa ra những dự báo khả quan về kinh tế Italia trong năm 2017, nhưng nhiều ý kiến cho rằng 8 ngân hàng của nước này có thể bị sụp đổ trong những tháng tới nếu đề xuất cải cách Hiến pháp của Thủ tướng Renzi không được ủng hộ.

Người thua lớn nhất ngay lập tức sau chiến thắng của phe bỏ phiếu 'Không' tại Italia có thể là ngân hàng lớn thứ 3 của nước này, Monte dei Paschi di Siena, đang có khoản nợ xấu lớn và đang tìm cách có thêm 5,3 tỷ Euro trong tháng này để ngăn chặn sự sụp đổ.

Tổng nợ xấu của hệ thống ngân hàng Italia hiện ở mức 360 tỷ Euro và bất cứ kết quả trưng cầu ý dân nào gây bất ổn cho nền chính trị Italia cũng đều sẽ dẫn đến tình trạng hoảng loạn trên thị trường tài chính vốn đã bất ổn của nước này. Về lâu dài, kịch bản xấu nhất mà các nhà phân tích lo ngại là sự sụp đổ của đồng Euro.

Giới phân tích cho rằng ông Renzi thua đồng nghĩa nền kinh tế Italia không được cải cách và khiến hệ thống ngân hàng Italia gặp vấn đề nghiêm trọng. Sự bất ổn này có thể lan ra toàn châu Âu.

Sự bất ổn của Italia có thể lan ra toàn châu Âu.

Năm nay có thể coi là một năm khủng hoảng đối với châu Âu. Cuộc bỏ phiếu Anh rời khỏi EU (gọi tắt là Brexit) đã giáng một đòn nặng đối với khối này. Việc ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ đang tạo nên một số thuận lợi cho phe cánh hữu và chủ nghĩa dân túy trỗi dậy ở châu Âu. Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng người nhập cư cũng gây nên những bất đồng sâu sắc và chia rẽ ở khắp châu lục này.

Các nhà đầu tư cũng có thể sẽ xem lại các hoạt động kinh doanh nếu sự hỗn loạn chính trị tăng cao. Bộ trưởng Kinh tế Pier Carlo Padoan, được coi như một ứng cử viên có thể thay thế Renzi, đang tìm cách làm dịu sự lo lắng của thị trường khi cuối tuần trước đã nói rằng "không có nguy cơ về một "trận động đất" tài chính" nếu phe bỏ phiếu 'Không' chiến thắng, mặc dù có thể có "48 giờ nhiễu loạn. "

Như vậy, Italia sẽ "thức dậy vào sáng thứ hai" với nhiều mối đe dọa từ một cuộc khủng hoảng tài chính, bất ổn chính trị… điều này sẽ khiến chính phủ nước này phải đương đầu với nhiều khó khăn mới. Trong đó, cộng đồng sử dụng đồng Euro và EU sẽ phải có những bước đi cẩn thận. Bởi, Italia là nền kinh tế lớn thứ 3 châu Âu sử dụng đồng Euro.

Tin mới lên