Tài chính quốc tế

Tin tặc 'ngốn' của thế giới hơn 400 tỷ USD mỗi năm

(VNF) - Thiệt hại hàng năm do giới tội phạm mạng máy tính gây ra cho toàn thế giới ở mức khiêm tốn nhất cũng lên tới 375 tỷ USD, trong khi mức tối đa sẽ rơi vào khoảng 575 tỷ USD, theo một báo cáo của bộ phận bảo mật McAfee thuộc tập đoàn công nghệ Intel.

Tin tặc 'ngốn' của thế giới hơn 400 tỷ USD mỗi năm

Theo một báo cáo của bộ phận bảo mật McAfee của Intel được công bố vào tháng 6/2014, ước tính thiệt hại hàng năm do giới tội phạm mạng máy tính gây ra ở mức 445 tỷ USD mỗi năm. Thiệt hại ở mức khiêm tốn nhất cũng lên tới 375 tỷ USD, trong khi mức tối đa sẽ rơi vào khoảng 575 tỷ USD.

Báo cáo là kết quả nghiên cứu của McAfee hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), có trụ sở tại Washington DC (Mỹ). Các tác giả của bản nghiên cứu đã tổng hợp dữ liệu của 51 quốc gia trải rộng khắp nơi có tổng thu nhập quốc dân khoảng 80% của toàn thế giới. 

Thiệt hại do tin tặc gây ra trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của mỗi quốc gia trên thế giới. 

Theo bản đồ thiệt hại do tin tặc gây ra trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trên thế giới, Việt Nam là quốc gia có mức độ bảo mật ở mức thấp (màu tím). Số thiệt hại do tin tặc gây ra đối với Việt Nam ước tính vào khoảng 0,13% GDP mỗi năm.

Các nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng là những "nạn nhân" lớn nhất của tội phạm mạng khi Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức đối mặt với tổng thiệt hại lên tới 200 tỷ USD mỗi năm. Những quốc gia chịu thiệt hại lớn do tội phạm mạng có thể kể đến như Mỹ (0,64% GDP), Trung Quốc (0,63% GDP), Na Uy (0,64% GDP), EU (0,41% GDP), Brazil (0,32% GDP), Singapore (0,41% GDP), Ấn Độ (0,21% GDP), Malaysia (0,18% GDP),...

Nghiên cứu đã đưa ra một con số giật mình: có khoảng 40 triệu người dùng tại Mỹ, tương đương 15% dân số, đã bị hacker đánh cắp thông tin cá nhân. Nhiều vụ đột nhập quy mô lớn mà các chuyên gia bảo mật phát hiện được đã gây ảnh hưởng cho 54 triệu người dùng Thổ Nhĩ Kỳ, 16 triệu người dùng Đức và hơn 20 triệu người dùng Trung Quốc.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định con số này có thế thấp hơn so với các nghiên cứu trước đó vì nhiều lý do, một số hãng, công ty bị tin tặc tấn công nhưng không trình báo với cơ quan chức năng và nhiều chính phủ không chủ động thu thập các thông tin về vấn đề này.

Trong năm 2009, một nghiên cứu của McAfee ước tính thiệt hại do tội phạm mạng toàn cầu gây ra khoảng 1 nghìn tỷ USD, con số này đã gây ra nhiều tranh cãi và sau đó công ty đã đính chính là có sự nhầm lẫn.

Hợp tác với CSIS, McAfee đã phát hành một nghiên cứu vào tháng 5/2013 cho biết thiệt hại từ tội phạm mạng toàn cầu có khả năng không vượt quá 600 tỷ USD, tức thấp hơn số tiền mà giới tội phạm ma túy kiếm được.

Nghiên cứu đã xem xét các thiệt hại trực tiếp và gián tiếp của các cuộc tấn công mạng, chẳng hạn như mất cắp tài sản trí tuệ, thông tin kinh doanh, chi phí bảo vệ mạng, uy tín sứt mẻ và các khoản chi phí phục hồi.

Còn theo kết quả được đưa ra từ chương trình khảo sát do tập đoàn công nghệ Bkav thực hiện vào tháng 12/2014 thì 8.500 tỷ đồng là số tiền thiệt hại người dùng Việt Nam tổn thất do các sự cố từ virus máy tính trong năm 2014. Mặc dù chỉ chiếm chưa đầy 0,1% tổng thiệt hại 445 tỷ USD trên thế giới do tội phạm mạng gây ra theo ước tính của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) Mỹ, đây vẫn là thiệt hại rất lớn đối với người dùng Việt Nam.

Số thiệt hại của người dùng Việt Nam được tính dựa trên mức thu nhập của người sử dụng máy tính và thời gian công việc của họ bị gián đoạn do các trục trặc gây ra bởi virus máy tính. Theo đó, bình quân mỗi người sử dụng máy tính tại Việt Nam đã bị thiệt hại 1.230.000 VNĐ.

Năm 2015, con số này được Bkav đưa ra 8.700 tỷ đồng thiệt hại do virus máy tính gây ra đối với người dùng Việt Nam. Con số này vẫn ở mức cao và tiếp tục tăng so với 8.500 tỷ đồng của năm 2014. Kết quả này được đưa ra từ chương trình đánh giá tình hình an ninh mạng do tập đoàn công nghệ Bkav thực hiện vào tháng 12/2015.

Cũng theo Bkav, trong năm 2015 đã có 62.863 dòng virus máy tính mới xuất hiện tại Việt Nam. 61,7 triệu lượt máy tính đã bị lây nhiễm virus. Ngoài ra, 5.226 website của các cơ quan, doanh nghiệp tại Việt Nam bị hacker xâm nhập, trong đó có 340 website của cơ quan chính phủ và tổ chức giáo dục. 

Tin mới lên