Tài chính quốc tế

Top 30 thành phố năng động nhất: Thời của châu Á Thái Bình Dương

(VNF) - JLL vừa đưa ra báo cáo chỉ số tăng trưởng thành phố năm 2017 (CMI 2017), trong đó ghi nhận sự áp đảo về mặt quân số của khu vực châu Á Thái Bình Dương trong Top 30 thành phố năng động nhất toàn cầu.

Top 30 thành phố năng động nhất: Thời của châu Á Thái Bình Dương

Khu vực châu Á Thái Bình Dương chiếm một nửa danh sách 30 thành phố năng động nhất toàn cầu

Thế kỷ của châu Á Thái Bình Dương

Cụ thể, theo JLL, khu vực châu Á Thái Bình Dương chiếm tới một nửa danh sách Top 30 thành phố năng động nhất toàn cầu. Các thành phố nổi bật có thể kể đến như Bangalore, TP. HCM, Thượng Hải, Hà Nội, Melbourne, Pune, Bắc Kinh, Sydney, Chennai…

Đáng chú ý Ấn Độ đang dần thay thế Trung Quốc để trở thành quốc gia có thành phố năng động nhất trong khu vực. Thành phố Bangalore của quốc gia này đã lần đầu tiên đứng đầu trong top CMI 2017, trực tiếp đẩy London (vị trí số 1 năm trước) xuống vị trí thứ 6. 

Những thành phố loại I của quốc gia này cũng nằm trong top 30 gồm: Chennai (vị trí thứ 18), Delhi (vị trí thứ 23) và Mumbai (vị trí thứ 25). Còn các thành phố loại II như Hyderabad và Pune cũng đang bám sát Bangalore lần lượt với vị trí thứ 5 và 13.

Top 30 thành phố năng động nhất toàn cầu: Thế kỷ của châu Á Thái Bình Dương ảnh 1

Top 30 thành phố năng động nhất toàn cầu theo xếp hạng của JLL

Đối với Trung Quốc, dù không còn thống trị nhóm dẫn đầu tuy nhiên quốc gia này vẫn có mặt trong top 30 với 3 thành phố lớn là Thượng Hải (vị trí thứ 4), Bắc Kinh (vị trí thứ 15), Thâm Quyến (vị trí thứ 23) cùng các thành phố vùng sông Dương Tử: Hàng Châu (vị trí 26) và Nam Kinh (vị trí 29). 

Năm thành phố này đã rất thành công trong việc chuyển sang các hoạt động có giá trị cao. Thượng Hải đang không ngừng phát triển và sẽ trở thành một trong những cửa ngõ quốc tế hàng đầu trong vài năm tới. Thâm Quyến đang cũng cố vị trí là một trung tâm sản xuất phần cứng của toàn cầu và trung tâm tài chính của khu vực.

Sự nổi lên của Việt Nam là một hiện tượng đặc biệt trong báo cáo của JLL năm nay. Từ việc không có thành phố nào nằm trong top 10, Việt Nam bất ngờ có tới 2 thành phố cùng vào top với thứ hạng cao. Đó là TP. HCM xếp thứ 2 (vượt Thung lũng Silicon) và Hà Nội xếp thứ 8 (trên cả Melbourne, Pune và Bắc Kinh).

Theo đánh giá của JLL, sự thành công của hai thành phố này được hỗ trợ bởi yếu tố nhân khẩu học thuận lợi và thu hút vốn FDI đáng kể trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện tự do hóa môi trường kinh doanh.

Top 30 thành phố năng động nhất toàn cầu: Thế kỷ của châu Á Thái Bình Dương ảnh 2

TP. HCM lần đầu tiên vượt qua Thung lũng Silicon để xếp thứ 2 trong danh sách những thành phố năng động nhất toàn cầu của JLL

Nước Úc cũng có hai thành phố lọt top 30 gồm Melbourne (xếp thứ 12) và Sydney (xếp thứ 16). Cả hai thành phố dẫn đầu toàn cầu về tốc độ phát triển trong phân khúc văn phòng cho thuê năm 2017. Trong dài hạn, thế mạnh về giáo dục, sự đổi mới và chất lượng cuộc sống tốt sẽ tạo đà tăng trưởng cho hai thành phố này.

Philippin cũng tạo dấu ấn khi lần đầu tiên thủ đô Manila xuất hiện trong top 30 với vị trí thứ 19. Sự sôi động của thị trường văn phòng nhờ vào sự phát triển và cạnh tranh toàn cầu của ngành Dịch vụ thuê ngoài (BPO) là yếu tố giúp Manila tạo nên "kì tích".

Sự vắng bóng của Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore

Mặc dù là những con rồng của châu Á ở thời điểm hiện tại song cả 3 quốc gia trên đều không có thành phố nào lọt vào top 30. 

Tokyo (Nhật Bản) và Seoul (Hàn Quốc) đã từng nằm trong top 20 theo chỉ số CMI 2016 nhưng năm nay đã đánh mất vị trí của mình. Cả hai thành phố này thuộc top 10 thành phố tăng trưởng trong dài hạn, tuy nhiên tốc độ phát triển nền kinh tế và bất động sản trong năm 2016 đã không đạt như kỳ vọng.

Singapore và Hồng Kông cũng ở tình trạng tương tự. Hai thành phố này đều nằm trong số những thành phố cạnh tranh nhất thế giới nhưng cả hai đều không lọt vào top 30 theo chỉ số tăng trưởng CMI.

Top 30 thành phố năng động nhất toàn cầu: Thế kỷ của châu Á Thái Bình Dương ảnh 3

Singapore dù là một trong những thành phố cạnh tranh nhất thế giới nhưng lại không lọt vào top 30

JLL lý giải Singapore đã thất bại trong việc thực hiện cắt giảm do sự điều chỉnh liên tục về giá thuê trong phân khúc văn phòng và bán lẻ, và mức độ hấp thụ thuần thấp. Trong khi đó, thế mạnh lâu dài của Singapore đã bù đắp một phần bởi sự sụt giảm lực lượng lao động.

Còn với Hồng Kông, mặc dù năm 2016 được xem là năm tăng trưởng mạnh mẽ, tuy nhiên Hồng Kông vẫn thiếu vắng sự tăng trưởng tích cực trong giá thuê văn phòng. Điều này có thể sẽ tác động tiêu cực lên năm 2017, khi nguồn cung bị giới hạn ở những khu vực trung tâm và kìm hãm mức hấp thụ. Phân khúc bán lẻ của thành phố cũng tạm lắng xuống.

Các thành phố châu Âu tạo đà tăng trưởng bền vững trong dài hạn

Một điểm thú vị là các thành phố của Châu Âu hầu như không nằm trong top 30 nhưng trong năm nay những thành phố này lại đã cho thấy sự trưởng thành và năng động của họ. 

Châu Âu góp 4 cái tên vào top 30 gồm London (vị trí thứ 6), Paris (vị trí thứ 17), Dublin (vị trí thứ 28) và Stockholm (vị trí thứ 30).

Đối với London, năm nay thành phố này đã đánh mất vị trí đầu bảng (đã chiếm giữ trong 2 năm vừa qua). Tuy nhiên, với những thế mạnh vốn có trong dài hạn về nền giáo dục, sự đổi mới và công nghệ, Lodnon vẫn giữ vị trí thứ 6 và đang cho thấy sự phục hồi sau sự kiện "Brexit".

Paris lần đầu tiên lọt vào top dẫn đầu với vị trí thứ 17, nhờ vào những yếu tố dài hạn cũng như sự cải thiện mạnh mẽ đà tăng trưởng của bất động sản. 

Top 30 thành phố năng động nhất toàn cầu: Thế kỷ của châu Á Thái Bình Dương ảnh 4

Paris lần đầu tiên góp mặt trong top 30 thành phố năng động nhất toàn cầu của JLL

Thành phố Dublin được xếp vào vị trí khá cao do nguồn vốn FDI mạnh, dân số tăng và công nghệ thông tin tốt. Còn lĩnh vực công nghệ của Stockholm đã giúp thành phố trở thành một trong những thị trường bất động sản thương mại năng động nhất thế giới.

Theo nhận xét của JLL, các thành phố của châu Âu đều có sự bức phá phát triển trong dài hạn (bao gồm giáo dục, sự đổi mới và phát triển bền vững) với 10 thành phố trên 30 thành phố tương lai trên thế giới. Các thành phố ở châu Âu có chỉ số tăng trưởng dài hạn cao trên bảng xếp hạng gồm: London, Paris và Amsterdam, thủ đô Bắc Âu Stockholm, Helsinki và Copenhagen, và các thành phố của Đức như Berlin, Munich và Stuttgart.

Công nghệ là lực đẩy cho các thành phố của Hoa Kỳ

Quốc gia hùng mạnh nhất thế giới có 8 cái tên trong top 30. Công nghệ và sự đổi mới tiếp tục là động lực chính thúc đẩy sự tăng trưởng của các thành phố, từ Thung lũng Silicon đến Nairobi’s Silicon Savannah. 

Những thành phố công nghệ cao của Hoa Kỳ có mặt trong top 30 gồm Thung lũng Silicon (xếp thứ 3), Austin (xếp thứ 7), Boston (xếp thứ 9), Seattle (xếp thứ 20), San Francisco (xếp thứ 21) và Raleigh-Durham (xếp thứ 24). Đây là những thành phố được xem là trung tâm thu hút nhiều nhất các công ty trong lĩnh vực công nghệ trên toàn cầu.

Top 30 thành phố năng động nhất toàn cầu: Thế kỷ của châu Á Thái Bình Dương ảnh 5

Thung lũng Silicon tiếp tục nằm trong nhóm dẫn đầu các thành phố năng động nhất

Còn 2 thành phố New York (xếp thứ 14) và Los Angeles (xếp thứ 27) bên cạnh việc được thúc đẩy bởi công nghệ cao thì sự xuất hiện trong top đều do thu hút một lượng vốn đầu tư lớn vào bất động sản.

Đối với khu vực Trung Đông Châu Phi việc lọt top những thành phố năng động nhất khá khó khăn do sự sụt giảm mạnh của giá cả năng lượng và hàng hóa. Ngoại trừ Dubai (xếp thứ 11), xuất hiện trở lại trong top 30 sau vài năm vắng mặt, Nairobi (xếp thứ 10) - một ngôi sao sáng của Châu Phi bởi lợi nhuận đầu tư đáng kể, khu vực này không còn thành phố nào khác.

Tin mới lên