Tài chính quốc tế

Trung Quốc bắt 450 người chuyển tiền bất hợp pháp ra nước ngoài

(VNF) - Chính quyền Trung Quốc cho biết 450 kẻ tình nghi đã bị bắt giữ trong năm nay liên quan đến việc sử dụng các công ty ma ở nước ngoài (công ty offshore) và "ngân hàng ngầm" để chuyển tiền bất hợp pháp.

Trung Quốc bắt 450 người chuyển tiền bất hợp pháp ra nước ngoài

Theo thông tin trên trang web chính thức của Bộ Công an Trung Quốc công bố trong ngày 17/8, 450 nghi can bị bắt giữ này đã giao dịch gần 200 tỷ nhân dân tệ (tương đương 30 tỷ USD).

Người Trung Quốc đang sử dụng các kênh chuyển tiền không chính thức như các ngân hàng ngầm để vượt qua kiểm soát của chính phủ về việc chuyển tiền ra nước ngoài. Theo Bloomberg, dòng tiền chảy ra nước ngoài trong năm 2016 của Trung Quốc có thể giảm xuống, nhưng sự suy yếu của đồng nhân dân tệ có thể thể tiếp tục thúc đẩy hành động chuyển tiền khác.

Global Financial Integrity (GFI) - một công ty có trụ sở ở Washington chuyên nghiên cứu về sự di chuyển của các dòng tiền xuyên biên giới cho biết tiền "ngầm" ra khỏi Trung Quốc thông qua nhiều kênh khác nhau, bao gồm chứng từ giả mạo và các thỏa thuận thương mại bất hợp pháp.

Trong vòng 10 năm từ 2004-2013, dòng vốn bất hợp pháp chảy ra khỏi Trung Quốc đã đạt mức khoảng 1,4 nghìn tỷ USD.

Cũng theo GFI, tiền từ Trung Quốc đã đẩy giá bất động sản nhiều nơi trên thế giới, từ Sydney tới Vancouver, tăng cao trong năm nay. Triển vọng mất giá của đồng Nhân dân tệ được dự báo sẽ thúc đẩy giới nhà giàu Trung Quốc chuyển tiền ra nước ngoài mạnh hơn nữa trong thời gian tới.

Còn theo số liệu từ ngân hàng Goldman Sachs, luồng tiền ra khỏi Trung Quốc trong tháng 7/2016 chạm mức 55 tỷ USD trong khi con số này trong tháng 6 là 46 tỷ USD. Lượng tiền chảy ra nước ngoài đã tăng mạnh trong nửa cuối năm ngoái, thậm chí lên mức 171 tỷ USD chỉ trong tháng 12/2015, theo một ước tính của Bloomberg.

Theo quy định của Trung Quốc, công dân nước này chỉ được chuyển tối đa 50.000 USD ra nước ngoài mỗi người mỗi năm. Tuy vậy, để lách luật, giới nhà giàu Trung Quốc sử dụng 6 cách sau: nhờ tiệm đổi tiền ở Hồng Kông; mang theo séc của một ngân hàng "ngầm"; tập trung nhiều người để chuyển tiền; giấu tiền trong hành lý; vay tiền ở nước ngoài dựa trên tài khoản tiết kiệm ở Trung Quốc; dùng thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ để mua hàng, sau đó chuyển món hàng mua được thành tiền mặt,...

Kể từ khi lên nắm quyền, Chủ tịch Tập Cận Bình đã phát động chiến dịch chống tham nhũng mạnh mẽ. Gần 300.000 quan chức Trung Quốc đã bị phạt do vi phạm luật chống tham nhũng chỉ trong năm 2015.

Các cơ quan quản lý bao gồm Ngân hàng Trung ương Trung Quốc và Cục Quản lý Nhà nước về ngoại hối đang tham gia vào các chiến dịch chống lại hoạt động chuyển tiền bất hợp pháp, Bộ Công an nước này cho biết.

Tin mới lên