Tài chính quốc tế

Trung Quốc thống lĩnh nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài của châu Á

(VNF) - Theo số liệu mới nhất từ CBRE, trong nửa đầu năm 2016, các nhà đầu tư Trung Quốc đã rót 16,1 tỷ USD đầu tư ra nước ngoài, chiếm hơn 60% tổng vốn đầu tư toàn châu Á, tăng gấp đôi so với mức 7,3 tỷ USD cùng kỳ năm 2015.

Trung Quốc thống lĩnh nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài của châu Á

Các chủ đầu tư Trung Quốc đã rót tới 16,1 tỷ USD ra nước ngoài trong nửa đầu năm 2016

Dòng vốn đầu tư đổ mạnh vào Mỹ

Nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc đến nhiều nhất từ các công ty bảo hiểm, chiếm 50%. Tiếp theo là từ các tập đoàn (23%), chủ đầu tư (10%) và quỹ tài chính độc lập (9%).

Số liệu cũng cho thấy Mỹ tiếp tục là thị trường mục tiêu cho nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài của châu Á, chiếm 52% tổng vốn đầu tư.

Đặc biệt, New York đã vượt qua London để trở thành điểm đến đầu tư hàng đầu của châu Á trong nửa đầu năm nay.

Bên cạnh đó, nguồn vốn châu Á cũng hoạt động mạnh mẽ trong khu vực này khi nhiều nhà đầu tư đã tìm cách đa dạng hóa các rủi ro của thị trường nội địa và thu về lợi nhuận cao hơn.

Trong nửa đầu năm nay, các tập đoàn Trung Quốc đã tích cực hoàn tất các giao dịch trọng điểm tại Hồng Kông và Nhật Bản còn các nhà đầu tư Singapore tiếp tục hoạt động sôi động tại thị trường Đông Nam Á.

Bà Ada Choi, Giám đốc cấp cao bộ phận Nghiên cứu, CBRE châu Á – Thái Bình Dương phát biểu: "Nguồn vốn châu Á, đặc biệt là từ Trung Quốc, tiếp tục thể hiện mong muốn đầu tư mạnh mẽ vào thị trường quốc tế, nhất là các thành phố cửa ngõ thế giới, với Mỹ là thị trường mục tiêu nổi bật.

"Cùng với sự phục hồi nền kinh tế và nền tảng bất động sản vững chắc của Mỹ, các nhà đầu tư châu Á đang chú trọng tận dụng nguồn tài sản tại đây. Những quan ngại về suy thoái tại thị trường trong nước đã khiến các nhà đầu tư Trung Quốc tìm kiếm môi trường đầu tư an toàn hơn và đem lại nguồn lợi nhuận tiềm năng cao hơn."

"Các công ty bảo hiểm Trung Quốc dẫn đầu trong việc đầu tư ra nước ngoài do họ liên tục tìm cách để đa dạng hóa danh mục đầu tư nước ngoài của mình. Các tập đoàn và quỹ tài chính độc lập cũng hoạt động sôi nổi và giữ vai trò quan trọng trong việc đầu tư ra nước ngoài kể từ khi có lượng nguồn cung vốn đầu tư lớn tại Trung Quốc," bà Choi nhận định.

Bà Choi cho biết thêm: "Xu hướng đầu tư ra nước ngoài của châu Á sẽ tiếp tục phát triển trong nửa cuối năm 2016 khi vẫn còn một số giao dịch trọng điểm được kỳ vọng sẽ do các nhà đầu tư châu Á hoàn tất. Nguồn vốn từ Trung Quốc nói riêng vẫn sẽ hoạt động tích cực, tuy nhiên tăng trưởng sẽ ở mức độ ổn định chứ không tăng quá nhanh."

Văn phòng, khách sạn tiếp tục hút vốn đầu tư

Báo cáo của CBRE cũng cho biết, văn phòng vẫn là loại hình tài sản được các nhà đầu tư châu Á ưa chuộng, chiếm 47% tổng vốn đầu tư.

Tuy nhiên, phân khúc khách sạn đã nổi lên để trở thành loại tài sản được giao dịch nhiều thứ hai của các nhà đầu tư Trung Quốc khi chiếm 33% tổng vốn đầu tư.

Ngoài ra, các nhà đầu tư châu Á nhiều kinh nghiệm cũng bắt đầu đầu tư vào các phân khúc khác như nhà ở sinh viên với 2 giao dịch lớn do nhà đầu tư Singapore hoàn tất trong nửa đầu năm 2016.

Ông Marc Giuffrida, Giám đốc điều hành Thị trường vốn, CBRE toàn cầu nhận định văn phòng tiếp tục là loại hình tài sản dễ nhận biết và quản lý đối với hầu hết các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, khi tỉ suất lợi nhuận toàn cầu liên tiếp giảm, nhà đầu tư bắt đầu tìm kiếm những cơ hội sinh lời tại hay những khu vực thứ cấp hoặc phân khúc bất động sản "thay thế" như nhà ở sinh viên.

"Các nhà đầu tư có kinh nghiệm đầu tư ra nước ngoài đang xem xét những phân khúc này để đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình. Có một điều thú vị là các giao dịch nước ngoài hàng đầu trong năm nay có hoạt động thu mua nhà ở sinh viên tại Anh và Mỹ", ông Marc Giuffrida nói.

Ông Marc Giuffrida cũng cho biết thêm: "Đối với các nhà đầu tư châu Á đang mở rộng thị trường mới và chiến lược thị trường ngách, chúng tôi nhận thấy sự quan tâm ngày càng tăng trong việc thiết lập quan hệ hợp tác và liên doanh với các chủ đầu tư hoặc nhà điều hành tại địa phương.

Các nhà đầu tư đều quan tâm đến quy mô dự án, và nền tảng đầu tư hay liên doanh với doanh nghiệp địa phương là một cách hữu hiệu để đạt được thành công, nhất là khi chiến lược này đòi hỏi hiểu biết chuyên sâu".

Nửa đầu năm 2016, nhiều nhà đầu tư châu Á đã chuyển sang rót vốn vào các giao dịch đầu tư nhằm nhanh chóng mở rộng phạm vi thị trường, tăng từ 29% trong năm trước lên 36% trong năm nay.

5 trong số 10 thương vụ đầu tư nước ngoài hàng đầu của châu Á là các giao dịch đầu tư. Ngoài ra, một số giao dịch lớn trị giá trên 500 triệu USD đã được hoàn tất trên thị trường, chiếm 45% tổng số giao dịch.

Tin mới lên