Tài chính quốc tế

Xếp hàng trong giá rét để có tấm vé nghe diễn văn chia tay của Obama

(VNF) - Hàng nghìn người Mỹ đã kiên trì chờ đợi trong tiết trời giá lạnh để sỡ hữu tấm vé tới dự bài phát biểu chia tay của Tổng thống Barack Obama, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 10/1 tại quê nhà Chicago.

Xếp hàng trong giá rét để có tấm vé nghe diễn văn chia tay của Obama

Tổng thống Obama sẽ phát biểu tạm biệt tại Chicago (Illinois) ngày 10/1 tới.

Khi mặt trời còn chưa lên và trong cái lạnh thấu xương của ngày cuối tuần 7/1, hàng ngàn người Mỹ đã xếp hàng bên ngoài McCormick Place (Chicago) để nhận vé dự buổi phát biểu chào từ biệt của Tổng thống Barack Obama dự kiến sẽ diễn ra ngày 10/1 tới đây tại quê nhà Chicago.

Người Mỹ xếp hàng dài, cố lấy được tấm vé nghe diễn văn chia tay của Obama.

Theo tờ Chicago Tribune, cái lạnh không thể ngăn được sự háo hức của đám đông. "Thật điên rồ" hay "Không thể tin nổi là chúng tôi đang làm điều này" là câu được nhiều người thốt ra dọc theo những hàng kéo dài qua nhiều dãy phố. Tất cả đều hy vọng được dự buổi phát biểu cuối cùng trước cả nước của ông Obama.

Giá rét không làm nguội sự háo hức của những người xếp hàng.

Vé sự kiện được phát miễn phí tuy nhiên mỗi người chỉ được nhận một vé và phát theo hình thức ai đến trước nhận trước. 

Umar Ibrahim, 28 tuổi, cho biết anh đã phải dậy từ 3h sáng để bắt xe buýt tới điểm mua vé. "Bạn chẳng bao giờ biết khi nào một điều gì đó lớn hoặc một hiện tượng tương tự thế này sẽ xảy ra một lần nữa. Vì thế, tôi không muốn bị bỏ lỡ bất kỳ giây phút nào của sự kiện", Umar Ibrahim nói.

Một người vui mừng sau khi nhận được vé.

Mọi người tham dự sự kiện sẽ bị kiểm tra an ninh "kiểu sân bay". Túi, vật nhọn, ô, chất lỏng và các bảng biểu sẽ không được phép mang vào sự kiện.

Các nhà tổ chức không tiết lộ số vé chính thức được phát cho người dân, tuy nhiên nhiều người đã phải ra về tay trắng do nhu cầu quá cao. Mặc dù vậy, những người không có vé có thể theo dõi sự kiện này được truyền hình trực tiếp từ trang Facebook và trang web của Nhà Trắng.

Nhiều người đã phải ra về tay trắng do nhu cầu sở hữu tấm vé quá cao.

Tối 10/1 tới, trước khi chính thức từ nhiệm, trao quyền lực lại cho ông Donald Trump, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ có bài phát biểu tạm biệt tại Chicago (bang Illinois) - nơi chứng kiến từng bước thăng hoa trong sự nghiệp chính trị của ông.

Illinois là bang nhà của Tổng thống Obama. Illinois là nơi đã chứng kiến những chặng đường ông Obama trở thành thượng nghị sĩ bang, thượng nghị sĩ Quốc hội, rồi thành tổng thống.

"Tôi sẽ về quê nhà Chicago để nói lời tạm biệt chân thành đến các bạn", Chicago Tribune dẫn lời Tổng thống Obama viết trong một email công bố sáng 2/1. "Tôi nghĩ đây là một cơ hội để cám ơn mọi người đã cho tôi hành trình tuyệt vời này, để chúc mừng cách chúng ta đã thay đổi đất nước này tốt đẹp hơn trong tán năm qua và để nói ra vài suy nghĩ của mình rằng chúng ta sẽ về đâu kể từ đây".

Trong email, Tổng thống Obama thừa nhận trong tám năm qua nước Mỹ đã phải đối mặt với rất nhiều thách thức nhưng mạnh mẽ hơn. "Đó là vì chúng ta chưa bao giờ từ bỏ niềm tin đã dẫn đường chúng ta từ khi đất nước thành lập, rằng cùng với nhau, chúng ta có thể thay đổi đất nước tốt đẹp hơn".

Bài phát biểu trước công chúng trước khi kết thúc nhiệm kỳ là truyền thống của các tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm, được truyền từ đời cựu tổng thống George Washington (năm 1796) cho đến nay.

Với nhiều người ủng hộ, quyết định chọn Chicago để nói lời chia tay của ông Obama có ý nghĩa hơn là Washington. Bởi năm 2008, ngay tại Công viên Grant của Chicago, ông Obama đã có bài phát biểu mừng chiến thắng khi trở thành tổng thống da màu đầu tiên của lịch sử Mỹ.

Tổng thống Obama sẽ phát biểu tạm biệt tại Chicago (Illinois) ngày 10/1 tới.

Trước thềm sự kiện trên, Đệ nhất phu nhân Michelle Obama tối ngày 6/1 đã có bài phát biểu đầy xúc động trước khi rời Nhà Trắng. Buổi lễ trọng thể được tổ chức ở Phòng Đông với sự tham gia của nhiều học giả uy tín. Trong bài phát biểu cuối cùng trên cương vị Đệ nhất phu nhân Mỹ, bà Obama đã không khỏi bồi hồi. Trong khi đó, những phụ nữ đứng xung quanh đều rơi nước mắt và cổ vũ nhiệt tình, khiến bài phát biểu vài lần bị gián đoạn. 

Cuối bài phát biểu, bà Obama cố nén nước mắt và gửi lời cảm ơn tới tất cả mọi người. "Xin cảm ơn tất cả những gì mà các bạn đã làm cho con cháu chúng ta và cho đất nước này. Được trở thành đệ nhất phu nhân của các bạn là niềm vinh dự lớn lao nhất của tôi, và hy vọng tôi đã khiến các bạn cảm thấy tự hào". 

Tin mới lên