Tài chính quốc tế

Yên và Euro mạnh lên, 'chiến tranh tiền tệ' đang trở lại?

(VNF) - Một cuộc chiến tranh tiền tệ toàn cầu đang dần hiện ra khi đồng yên của Nhật Bản và đồng Euro mạnh lên có thể khiến các nhà hoạch định chính sách tại Nhật Bản và châu Âu sẽ tiếp tục thực hiện các gói kích thích tiền tệ.

Yên và Euro mạnh lên, 'chiến tranh tiền tệ' đang trở lại?

Khái niệm "chiến tranh tiền tệ" được nhắc đến lần đầu tiên trong bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ Tài chính Brazil, ông Guido Mantega, tại Sao Paulo hôm 27/9/2010. "Thực sự chúng ta đang rơi vào cuộc chiến tranh tiền tệ thế giới, nơi mà các bên tham chiến đua nhau làm yếu đồng tiền của mình. Điều này đe dọa chúng tôi, bởi nó tước đi năng lực cạnh tranh của chúng tôi", ông nói.

Về nguyên tắc, đồng tiền yếu sẽ giúp hàng hóa xuất khẩu của nước đó rẻ hơn và cạnh tranh hơn so với các đối thủ khác. Nhưng khi mà tất cả các nước đều chọn giải pháp này, sẽ tạo xung đột trong các diễn đàn kinh tế quốc tế và các bên khó lòng giải quyết được những vấn đề chung.

Đồng tiền Nhật Bản tăng so với đồng USD lần thứ ba trong vòng bốn tuần. Các quỹ đầu tư nâng cược vào sức mạnh đồng yên lên mức cao nhất trong hơn ba năm qua.

Trong khi đó, đồng USD đang bị ảnh hưởng bởi những dự đoán Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm khả năng tăng lãi suất trong cuộc họp tới trong bối cảnh thị trường biến động liên tục và dữ liệu kinh tế Mỹ yếu hơn so với dự báo. Dự báo từ các chuyên gia về khả năng Fed sẽ tăng lãi suất vào tháng 3/2016 giảm xuống còn 28% từ mức 53% vào ngày 30/12/2015. 

Đồng yên và Euro đang tăng giá so với đồng USD để ngỏ khả năng nới lỏng thêm chính sách tiền tệ hơn nữa của BOJ và ECB. Nguồn: Bloomberg

Tỷ lệ đặt cược vào đồng yên đã tăng lên mức cao nhất trong ba năm qua khi tăng trưởng toàn cầu đang chậm lại, thúc đẩy nhu cầu đối với tài sản an toàn của tiền tệ Nhật Bản. Mức độ mua vào đồng yên của các quỹ phòng hộ và nhà đầu cơ lớn khác tăng mạnh lên mức 25.266 hợp đồng tính đến ngày 12/1, cao nhất kể từ tháng 10/2012, theo dữ liệu từ Bloomberg.

Đồng yên tăng mạnh 0,2% trong phiên giao dịch thứ Sáu tuần trước tại 116,98 yên đổi  1 USD tại New York, sau khi chạm mức 116,51 yên đổi 1 USD, mức tăng mạnh nhất kể từ ngày 24/8. Đồng Euro tăng so với 11 trong 16 đồng tiền chủ chốt khác, kết thúc tuần qua tại mức 1,0916 Euro đổi 1 USD. Thị trường Mỹ đang đóng cửa giao dịch trong ngày thứ Hai 18/1 để nghỉ lễ Martin Luther King.

Lo ngại rủi ro một lần nữa thống trị thị trường khi giá dầu giảm xuống mức thấp trong vòng 12 năm xuống dưới 30 USD/thùng. Doanh số bán lẻ và giá bán buôn giảm mạnh trong tháng 12/2015 tại thị trường Mỹ. Chỉ số giá tiêu dùng cũng đang trong tình trạng trì trệ.

Những điều kiện trên khiến nhà đầu tư phải bỏ cổ phiếu, trái phiếu lãi suất cao và các đồng tiền liên quan đến hàng hóa và đổ tiền đầu tư vào các tài sản an toàn chẳng hạn như trái phiếu chính phủ và đồng yên khiến đồng yên ngày càng tăng giá mạnh.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) Haruhiko Kuroda cho biết hôm thứ Sáu tuần trước rằng các quan chức sẽ không ngần ngại để tăng thêm gói kích thích kinh tế nếu cần thiết.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ họp để thảo luận về chính sách vào ngày 21/1 tới đây. Biên bản cuộc họp tháng 12/2015 đã được công bố cho thấy một số nhà hoạch định chính sách muốn cắt giảm sâu hơn nữa lãi suất huy động và mua trái phiếu nhiều hơn. Lạm phát của Khu vực đồng tiền chung châu Âu trong tháng 12/2015 chỉ ở mức 0,2%, còn cách xa mục tiêu ngân hàng này đặt ra trước đó là dưới 2%.

"Nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ có thể xảy ra nếu đồng yên tăng lên mức 115 yên đổi 1 USD và Euro tăng lên 1,15 Euro đổi 1 USD", theo Lee Ferridge, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu chiến lược vĩ mô thị trưởng Bắc Mỹ tại State Street Global Markets. Đồng yên tăng giá là bất lợi lớn đối với nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu như Nhật Bản.

"Cuộc chiến tiền tệ vẫn còn tồn tài và có khả năng bùng nổ", Ferridge nói. "Nếu đồng USD bắt đầu giảm giá, ECB hoặc BOJ sẽ trở lại cuộc chơi", chuyên gia này nhận định.

"Nếu lạm phát kỳ vọng tiếp tục ở mức thấp và đồng Euro tiếp tục tăng, chúng tôi cho rằng ECB có nhiều khả năng sẽ hành động mạnh hơn cả BOJ", chuyên gia về chiến lược tiền tệ Calvin Tse thuộc ngân hàng Morgan Stanley ở New York (Mỹ) nhận định. 

Tin mới lên