Tài chính

400 triệu USD và chuyện đắt, rẻ của thương vụ Mobifone-AVG

(VNF) – Giá trị thương vụ Mobifone-AVG đã ngã ngũ, nhưng đằng sau đó lại là câu hỏi lớn hơn, liệu số tiền 400 triệu USD mà Mobifone chi mua 95% cổ phần AVG là đắt hay rẻ?

400 triệu USD và chuyện đắt, rẻ của thương vụ Mobifone-AVG

Mobifone chi 400 triệu USD mua 95% cổ phần AVG

Vậy là sau nhiều đồn đoán, giá trị thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (AVG) đã chính thức được công khai. Theo báo cáo quyết toán quý II/2016 của Mobifone, tổng công ty này đã chi tổng cộng 8.889 tỷ đồng mua 95% cổ phần của AVG, tương đương khoảng 400 triệu USD.

Còn nhớ cách đây hơn 3 tháng, một lãnh đạo của Mobifone đã cho biết, tài liệu của dự án mua AVG đang được đơn vị này quản lý theo quy chế tài liệu mật theo yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước.

Tuy nhiên, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) lại cho rằng, việc người đại diện Mobifone từ chối công bố giá trị mua AVG với lý do hai bên thỏa thuận bảo mật là không chính đáng, bởi Mobifone là doanh nghiệp nhà nước, không phải doanh nghiệp gia đình hay tư nhân nên buộc phải công bố đầy đủ thông tin theo quy định của Chính phủ.

Thương vụ Mobifone-AVG trị giá 400 triệu USD

Thương vụ Mobifone-AVG trị giá 400 triệu USD theo số liệu công bố chính thức

Tất nhiên khi Mobifone công bố giá trị thương vụ này, những tranh cãi phía trên gần như đã ngã ngũ, tuy nhiên lại nổi lên một vấn đề lớn hơn, đó là: 400 triệu USD mà Mobifone chi cho thương vụ AVG là đắt hay rẻ?

Sở dĩ đề cập đến chuyện đắt, rẻ là bởi Mobifone là một doanh nghiệp nhà nước. Nếu Mobifone mua 95% cổ phần AVG với giá rẻ thì không nói, nhưng nếu mua với giá đắt thì đồng nghĩa với việc tổng công ty này đã "làm thất thoát vốn nhà nước".

Thật khó để dư luận có thể phân tích, đánh giá một cách đầy đủ, khách quan về con số 400 triệu USD của thương vụ Mobifone-AVG là đắt hay rẻ, bởi chi tiết hồ sơ thương vụ này vẫn nằm trong vòng bí mật. Nhưng rõ ràng, đây là một con số rất lớn, chiếm tới 38% tổng tài sản của Mobifone và 55% vốn chủ sở hữu của tổng công ty này.

Cũng bởi không công bố hồ sơ thương vụ Mobifone-AVG nên dư luận vẫn còn nhiều thắc mắc. Chẳng hạn như hiện trạng cơ sở vật chất, hiện trạng tài chính của AVG trước khi về tay Mobifone thế nào, tiến trình và cơ sở định giá của nhà tư vấn ra sao, giá trị của 95% cổ phần AVG bao gồm bao nhiều phần là giá trị thương hiệu, khi Mobifone đổi tên AVG thành MobiTV thì giá trị thương hiệu đó có còn không và còn bao nhiêu, triển vọng kinh doanh của AVG ra sao khi so với chi phí cơ hội (ví dụ đem 400 triệu USD đi gửi ngân hàng lấy lãi), liệu Mobifone có dùng tiền vay cho thương vụ này hay không, nếu dùng tiền vay thì là bao nhiêu, chi phí lãi vay tăng thêm hàng năm là bao nhiêu…

Nhưng tất cả những câu hỏi trên đành phải nằm trong bóng tối. Điều mà dư luận có thể trông chờ hiện tại, chỉ có thể là kết luận của Thanh tra Chính phủ sau 50 ngày thanh tra thương vụ Mobifone-AVG.

Thương vụ Mobifone-AVG

Còn nhiều câu hỏi phía sau thương vụ Mobifone-AVG ngay cả khi Mobifone đã công bố giá trị thương vụ

Vẫn là con số 400 triệu USD, vẫn là chuyện liên quan đến nguy cơ "thất thoát vốn nhà nước", nhưng lại có một thương vụ khác đối lập hoàn toàn với thương vụ Mobifone-AVG, đó là thương vụ Vietcombank-GIC.

Ngày 29/08/2016, Quỹ đầu tư GIC của Singapore đã ký thỏa thuận ghi nhớ về việc mua 7,73% cổ phần của Vietcombank. Theo nguồn tin của hãng tin Bloomberg, GIC sẽ đầu tư không quá 400 triệu USD vào Vietcombank.

Kể từ ngày ký kết thỏa thuận cho đến nay, thương vụ này vẫn đang gặp bế tắc. Chia sẻ với báo chí bên lề một hội nghị do Vietcombank tổ chức mới đây, Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành cho biết,  trong số các đối tác thì GIC đưa ra giá hấp dẫn nhất, nhưng do giá mà quỹ đầu tư này đưa ra vẫn thấp hơn giá cổ phiếu của Vietcombank trên thị trường nên đây vẫn là trở ngại. Cũng theo ông Thành, Vietcombank đang chờ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.

Thương vụ vietcombank-gic

Thương vụ Vietcombank-GIC dù cũng mang con số 400 triệu USD, cũng đối mặt nguy cơ "thất thoát vốn nhà nước" nhưng lại hoàn toàn đối lập thương vụ Mobifone-AVG

"Trở ngại" mà ông Thành nhắc đến, chính là nguy cơ bị cho là "thất thoát vốn nhà nước". Bởi đa phần tài sản của Vietcombank là thuộc sở hữu nhà nước, nếu ngân hàng này bán cổ phần cho GIC với giá thấp hơn giá thị trường, sẽ đồng nghĩa với việc "bán rẻ" tài sản nhà nước.

Nhưng "cơn đau đầu" của Vietcombank, đối với phía Nhà nước mà nói, là cơn đau đầu dễ chịu. Trong trường hợp này, dư luận chẳng có gì phải nghi ngờ mà chỉ có thể thông cảm với cái khó của Vietcombank, bởi thông tin hoàn toàn minh bạch và diễn biến theo giá thị trường.

So sánh hai thương vụ có cùng con số 400 triệu USD, cùng nguy cơ bị cho là "thất thoát vốn nhà nước" nhưng lại cực kỳ đối lập để thấy, minh bạch vẫn là yếu tố cốt lõi để chống thất thoát tài sản quốc gia. Thương vụ Mobifone-AVG buộc phải làm sáng tỏ để rộng đường thực hiện quá trình minh bạch tiếp theo, đó là cổ phần hóa Mobifone và tiếp nữa có thể là đưa tổng công ty này niêm yết trên sàn chứng khoán.

Tin mới lên