Tài chính

Bầu Thụy và những thương vụ gây sóng

(VNF) - Mặc dù đạt được nhiều thành tựu lớn nhưng việc kinh doanh của đại gia Ninh Bình không phải lúc nào cũng "xuôi chèo mát mái".

Bầu Thụy và những thương vụ gây sóng

Ông Nguyễn Đức Thụy, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thaigroup

Những ngày gần đây, đề xuất về việc nạo vét 288 km đường sông và kết hợp làm thủy điện dọc sông Hồng do Công ty TNHH Xuân Thiện, thành viên Tập đoàn Xuân Thành (hiện đã đổi tên thành ThaiGroup do ông Nguyễn Đức Thụy, thường được gọi là "bầu Thụy" làm Chủ tịch HĐQT) làm chủ đầu tư đang nhận được nhiều sự quan tâm. Đây được xem là "siêu dự án" đường thủy xuyên Á với quy mô đầu tư lên tới 24.500 tỷ đồng (khoảng 1,1 tỷ USD).

Theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì đây mới chỉ là đề xuất sơ bộ của nhà đầu tư, Bộ này cũng đang xin ý kiến các bộ, ngành liên quan để trình Chính phủ. Việc lập dự án còn phải qua nhiều bước nữa.

ThaiGroup (trước là Tập đoàn Xuân Thành), tiền thân là Hợp tác xã xây dựng Bình Minh thành lập năm 1976 tại xã Gia Lập, huyện Gia Viễn, tỉnh Hà Nam Ninh do ông Nguyễn Xuân Thành, cha của ông Thụy làm chủ nhiệm. Đến cuối năm 1992, hợp tác xã này chuyển đổi mô hình hoạt động để trở thành Xí nghiệp Xây dựng và Cung ứng vật liệu Xuân Thành. Năm 2007, ông Thụy chính thức thay cha trở thành Chủ tịch tập đoàn.

Ngoài những lĩnh vực kinh doanh truyền thống như xi măng, thủy điện thì Thaigroup đang mạnh mẽ tham gia vào các lĩnh vực mới như khách sạn, dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp, đầu tư cảng biển.

Từng mở rộng đầu tư và được chú ý trong nhiều lĩnh vực khác nhau, song không phải thương vụ nào của bầu Thụy cũng suôn sẻ.

Đầu tư trăm tỷ vào bóng đá

Là một doanh nhân thành đạt tại đất Ninh Bình nhưng phải đến khi đầu tư vào bóng đá, tên tuổi ông Nguyễn Đức Thụy mới thực sự được biết rộng rãi. 

Năm 2011, ngoài "chiếc áo" doanh nhân, ông Thụy quyết định khoác thêm một "chiếc áo mới" - ông bầu bóng đá khi mua lại suất hạng Nhất của V&V Hòa Phát và đổi tên đội này thành Sài Gòn Xuân Thành.

Là đội bóng mới của giải hạng Nhất nhưng ông chủ Sài Gòn Xuân Thành đã không giấu diếm tham vọng đứng đầu khi không tiếc chi hàng chục tỷ nâng cấp đội bóng, bao gồm chiêu mộ những cầu thủ giỏi, mời huấn luyện viên tốt… Tuy nhiên, đội bóng này không kéo dài được bao lâu khi ông bầu này quyết định giải tán 2 năm sau đó. Có lẽ, một điều vớt vát được từ thương vụ đầu tư trăm tỷ này của đại gia này chính là cái danh "bầu Thụy" đã đi liền với ông từ đó, ngay cả khi bóng đá không còn là một cái nghiệp.

Bỏ bóng đá, rút chứng khoán

Sau khi rút khỏi bóng đá một cách khá ồn ào vào tháng 8/2013, ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy) tiếp tục rút chân khỏi mảng chứng khoán.

Từ năm 2011 đến giữa năm 2012, giữa lúc thị trường chứng khoán gặp nhiều sóng gió, nhiều công ty chứng khoán phải trải qua giai đoạn khốn khó nhất kể từ khi thành lập, ông Nguyễn Đức Thụy đã chi hàng trăm tỷ đồng để thâu tóm cổ phần Công ty Chứng khoán VIX.

Sau khi mua 22,5 triệu cổ phiếu, tương đương 74,17% vốn của VIX, ông chủ của Tập đoàn Xuân Thành đã đổi tên công ty này thành Chứng khoán Xuân Thành và tiếp tục mua thêm, nâng tỷ lệ sở hữu lên 81,5%. 

Việc mua lại VIX đã giúp đại gia đất Ninh Bình lần đầu gia nhập hàng ngũ những đại gia chứng khoán và đứng trong top 50 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán thời điểm ấy. 

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán lao dốc cùng kết quả kinh doanh thua lỗ đã khiến tài sản của bầu Thụy "bốc hơi" một cách chóng vánh. Đầu năm 2013, bầu Thụy rao bán toàn bộ cổ phiếu ở công ty nhưng chỉ bán được 2,2 triệu cổ phiếu. Đến cuối tháng 3/2014, khi giá cổ phiếu trên thị trường tăng mạnh, bầu Thụy tiếp tục rao bán nốt số cổ phiếu còn lại.

Ngày 2/4/2014, ông Nguyễn Đức Thụy, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chứng khoán Xuân Thành (VIX) đã chính thức bán thành công 22,25 triệu cổ phiếu. Sau một năm kể từ khi đăng ký thoái hết vốn khỏi VIX mà không thực hiện được, bầu Thụy đã chuyển nhượng lượng cổ phiếu khổng lồ trị giá gần 240 tỷ đồng trong đúng một ngày 31/3/2014, đánh dấu sự thoái vốn khỏi chứng khoán của doanh nhân này.

Thương vụ nghìn tỷ thâu tóm khách sạn Kim Liên

Sau một thời gian khá im hơi lặng tiếng, đến cuối năm 2015, Bầu Thụy gây chú ý khi sẵn sàng bỏ ra khoảng 1.000 tỷ đồng, cao gấp gần 10 lần giá chào bán của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) để sở hữu 52,4% cổ phần tại Công ty Du lịch Kim Liên (đơn vị sở hữu Khách sạn Kim Liên).

Cuối năm 2015, SCIC thông báo sẽ thoái hơn 52% cổ phần, tương đương 112 tỷ đồng tại khách sạn Kim Liên. Thông tin này nhận được sự quan tâm lớn từ giới đầu tư và cả dư luận vì khách sạn Kim Liên là một trong những điểm đến khá nổi tiếng ở Hà Nội. Đây là khách sạn có lịch sử lâu đời, toạ lạc trên khu "đất vàng" rộng 3,5ha ở phố Đào Duy Anh (Đống Đa). Khách sạn Kim Liên có 9 toà nhà, 437 phòng và 5 nhà hàng.

Rất nhanh chóng, hàng loạt đại gia đã bày tỏ nguyện vọng thâu tóm khách sạn Kim Liên. Trong đó, nổi bật nhất là Công ty cổ phần cơ điện lạnh REE và Thaigroup của ông Nguyễn Đức Thụy.

Đúng như dự đoán, cuối cùng người chiến thắng là bầu Thụy. Ông bầu bạo chi này sẵn sàng bỏ ra khoảng 1.000 tỷ đồng, cao gấp gần 10 lần giá chào bán của SCIC để Thaigroup sở hữu 52,4% cổ phần tại khách sạn Kim Liên. Đầu năm 2016, ông Thụy được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị doanh nghiệp này. 

Trao đổi với báo chí, bầu Thụy cho biết việc đầu tư vào Khách sạn Kim Liên nằm trong chiến lược dài hạn của Tập đoàn Thaigroup. Sau khi nhậm chức, ông sẽ tiếp tục củng cố về mặt nhân sự, cử thêm hai thành viên tham gia vào Hội đồng quản trị Khách sạn Kim Liên, thay thế cho các thành viên do SCIC cử trước đây.

"Định hướng trong thời gian tới Khách sạn Kim Liên sẽ được phát triển thành một điểm nhấn của Hà Nội với tổ hợp khách sạn 4 và 5 sao thương hiệu quốc tế", Chủ tịch Nguyễn Đức Thụy cho hay.

Bắt tay với Tập đoàn khách sạn nổi tiếng thế giới Hyatt

Ngày 16/2, Tập đoàn khách sạn Hyatt và Tập đoàn ThaiGroup đã chính thức ký kết thỏa thuận xây dựng dự án khách sạn Park Hyatt trị giá 165 triệu USD tại Hà Nội. Khách sạn mới này sẽ có 300 phòng hạng sang và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2018. Theo thỏa thuận được ký kết, hai bên sẽ hợp tác xây dựng khách sạn mang thương hiệu Park Hyatt Hà Nội độc quyền 30 năm. 

Lễ ký kết của ThaiGroup diễn ra trong khuôn khổ một số văn kiện hợp tác đầu tư kinh doanh giữa doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ tại Hội nghị cao cấp ASEAN - Hoa Kỳ được tổ chức tại Sunnylands, Carlifornia (Mỹ). Hội nghị có sự tham gia của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, Thủ tưởng Nguyễn Tấn Dũng và nhiều lãnh đạo khác của ASEAN.

Một điều đáng chú ý là thương vụ này diễn ra không lâu sau khi ông chủ ThaiGroup quyết định chi tới hơn 1.000 tỷ đồng để giành mua trọn lô cổ phần rao bán tại khách sạn Kim Liên. Nhiều đồn đoán cho rằng, vị trí của khách sạn này sẽ được xây dựng trên nền khách sạn Kim Liên cũ.

Tin mới lên