M&A

Bộ Công Thương: Carlsberg chưa chốt mua thêm cổ phần Habeco

Lãnh đạo Vụ Công nghiệp nhẹ cho biết quá trình bán vốn tại Tổng công ty Bia, rượu, nước giải khát Hà Nội vẫn chưa ngã ngũ do việc đàm phán "rất rắc rối và phải xử lý khéo".

Bộ Công Thương: Carlsberg chưa chốt mua thêm cổ phần Habeco

Ngày 14/11, Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với Bộ Công Thương về tình hình triển khai các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao. Tại cuộc làm việc này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng (Tổ trưởng Tổ công tác) nhắc lại việc Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Công Thương đẩy nhanh cổ phần hoá và thoái vốn Nhà nước khỏi những lĩnh vực không cần nắm giữ.

"Tinh thần của Chính phủ là không bán bia, bán sữa, thoái vốn để thu hút nguồn lực từ người dân, nhà đầu tư nước ngoài", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói. 

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói rằng Bộ Công Thương đã tích cực đưa cổ phiếu Tổng công ty Bia, rượu, nước giải khát Hà Nội (Habeco) và Tổng công ty Bia, rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) lên sàn, nhưng "cần thực hiện lộ trình thoái vốn càng sớm càng tốt".

Trong khi đó, theo Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, chất lượng cổ phần hoá, thoái vốn chưa đảm bảo và riêng với trường hợp Habeco, Sabeco, sẽ thực hiện theo đúng tinh thần "Nhà nước không đi bán bia" mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng đề cập.

Hiện nay, Habeco đã niêm yết trên UPCoM và đang tiến hành thủ tục xin niêm yết tại Sàn giao dịch TP HCM (HOSE), Sabeco cũng đã hoàn tất thủ tục niêm yết trên sàn này. Dự kiến, 2 tổng công ty sẽ hoàn thành niêm yết trước ngày 20/12. Giá giao dịch sẽ được sử dụng để dẫn chiếu cho hoạt động thoái vốn Nhà nước khỏi hai tổng công ty này.

Theo một lãnh đạo Bộ Công Thương, Habeco và Carlsberg đã có buổi làm việc nhưng hai bên vẫn chưa thống nhất. Habeco đã họp tiếp với Tổ tư vấn và sẽ phải đàm phán tiếp về vấn đề này.

Bộ Công Thương hiện vẫn đại diện Chủ sở hữu Nhà nước nắm 81,79% vốn điều lệ Habeco và Carlsberg nắm 17,08%. Tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng chỉ là 0,98%, tương đương gần 2.3 triệu cổ phiếu.

Dự kiến, toàn bộ vốn nhà nước tại Habeco khoảng 9.000 tỷ đồng (tương đương 81,79% vốn điều lệ) sẽ được thoái vốn trong năm 2016. Còn lộ trình thoái vốn tại Sabeco sẽ được chia làm 2 đợt: Đợt 1 thoái 53,59% vốn điều lệ, tương đương 24.500 tỷ đồng trong năm 2016. Đợt 2 sẽ thoái tiếp 36% vốn, khoảng 16.000 tỷ đồng trong năm 2017, sau khi Sabeco niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Cách đây hai tuần, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết từ ngày 31/10, sẽ tiến hành đàm phán với Carlsberg về việc trở thành nhà đầu tư chiến lược của Habeco.

Theo ông Vượng, Bộ Công Thương đã cam kết sẽ cố gắng, quyết tâm thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về cổ phần hóa Sabeco và Habeco. 

Đối với cổ phần hóa của Habeco, trước đây đã cho công ty Carlsberg làm cổ đông chiến lược. Theo quy định hiện nay, khi thoái vốn thì có chủ trương ưu tiên cổ đông chiến lược đã tham gia vào quá trình cổ phần hóa trước đây. 

"Việc đàm phán với Carlsberg cũng sẽ diễn ra vào thứ Hai. Hiện chưa có kết quả, chúng tôi sẽ thông báo về kết quả đàm phán với Carlsberg khi có đầy đủ thông tin", ông Vượng nói.

Tập đoàn Carlsberg hiện đang nắm giữa 17,08% cổ phần và là cổ đông chiến lược của Habeco, trong khi Bộ Công Thương nắm 81,79%. Theo thỏa thuận đầu tư chiến lược ký năm 2009, Carlsberg sẽ được ưu tiên mua cổ phần khi Nhà nước thoái vốn và Habeco niêm yết.

Tại thời điểm 30/6/2016, vốn điều lệ của Habeco đạt 2.318 tỷ đồng, tổng tài sản hơn 10.148 tỷ đồng, trong đó tiền và các khoản tương đương tiền lên tới gần 4.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 6 tháng của Habeco đạt 328 tỷ đồng, giảm 34,7% cùng kỳ năm trước cho dù doanh thu chỉ giảm 13%, đạt 4.049 tỷ đồng.

Trong phiên giao dịch ngày 28/10, cổ phiếu BHN của Habeco chính thức giao dịch trên UpCOM với giá khởi điểm 39.000 đồng/cổ phiếu và đã "cháy hàng", tăng kịch trần lên 54.600 đồng/cổ phiếu.

Tin mới lên