Tài chính

Bộ Công Thương muốn định giá dự án thép 8.000 tỷ ‘đắp chiếu’

(VNF) – Bộ Công Thương thông báo đang tiến hành lựa chọn đơn vị tư vấn để định giá dự án 8.000 tỷ "đắp chiếu" của Gang thép Thái Nguyên. Việc định giá là để tạo cơ sở báo cáo Thủ tướng, đề xuất phương án xử lý với bản thân dự án và với Công ty Gang thép Thái Nguyên.

Bộ Công Thương muốn định giá dự án thép 8.000 tỷ ‘đắp chiếu’

Bộ Công Thương đang tiến hành lựa chọn đơn vị tư vấn để định giá dự án 8.000 tỷ "đắp chiếu" của Gang thép Thái Nguyên

Dự án 8.000 tỷ "đắp chiếu" của Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên đang có tín hiệu được "giải cứu" khi mới đây, Bộ Công Thương thông báo đang tiến hành lựa chọn đơn vị tư vấn có đủ năng lực và kinh nghiệm để thực hiện công việc thẩm định giá đối với Dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2, Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên.

Dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Gang thép Thái Nguyên được phê duyệt dừ năm 2005 với tổng mức đầu tư là 3.843 tỷ đồng. Cơ cấu nguồn vốn của dự án bao gồm: 45% vốn vay từ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), 45% vốn vay từ Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) và 10% vốn tự có của Chủ đầu tư.

Tuy nhiên, sau đó tổng mức đầu tư của dự án đã được điều chỉnh lên 8.104 tỷ đồng. Theo giải thích từ phía Bộ Công Thương, sở dĩ dự án bị đội vốn là do biến động giá cả của thị trường và các cơ chế chính sách của Nhà nước.

Do số vốn đội lên quá lớn, dự án thép này buộc phải "đắp chiếu" suốt 4 năm nay. Theo tính toán từ phía Gang thép Thái Nguyên, tổng mức đầu tư cho dự án sau khi điều chỉnh hiện đã lên đến 9.031 tỷ đồng, nghĩa là tăng gần 1.000 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được điều chỉnh tăng trước đó.

Bộ Công Thương cho biết, việc định giá dự án thép 8.000 tỷ "đắp chiếu" này là để tạo cơ cở báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đề xuất phương án xử lý đối với bản thân dự án và phương án xử lý đối với Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên.

Dự án 8000 tỷ đắp chiếu của Gang thép Thái Nguyên

Bộ Công Thương đang lựa chọn đơn vị định giá cho dự án thép 8.000 tỷ của Gang thép Thái Nguyên

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ đạo về hướng xử lý dự án thép 8.000 tỷ trên. Theo đó, Bộ Công Thương được giao thành lập tổ công tác, thuê tư vấn độc lập để đánh giá toàn diện dự án và đưa ra phương án xử lý theo 3 hướng: bán dự án, bán Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên hoặc kêu gọi doanh nghiệp góp vốn đầu tư.

Trong phiên họp hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục khẳng định, sẽ không tiếp tục ném tiền vào Gang thép Thái Nguyên. Đồng thời, Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Công Thương cần xử lý dự án theo mục tiêu thị trường.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2016, doanh thu 9 tháng đầu năm 2016 của Gang thép Thái Nguyên đạt mức 6.098 tỷ đồng, tương đương với cùng kỳ năm 2015. Lợi nhuận sau thuế của công ty này đạt mức 208 tỷ đồng, gấp gần 3 lần con số 71,8 tỷ đồng 9 tháng đầu năm 2015. Nhờ vậy mà Gang thép Thái Nguyên đã chính thức xóa lỗ lũy kế.

Tính đến hết ngày 30/09/2016, Nợ phải trả của Gang thép Thái Nguyên ở mức 8.069 tỷ đồng, gấp 2,9 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, tổng nợ vay của công ty này ở mức 6.074 tỷ đồng, gấp 2,2 lần vốn chủ sở hữu.

Tin mới lên