Tài chính

Bộ trưởng Tài chính: Doanh nghiệp Việt đóng thuế cao nhất khu vực

(VNF) - Chi phí nộp thuế của doanh nghiệp Việt đang ở mức cao nhất so với ASEAN 4 (Singapore, Malaysia, Thái Lan và Philippines), ở mức 39,1% lợi nhuận, cao hơn 2 lần so với Singapore.

Bộ trưởng Tài chính: Doanh nghiệp Việt đóng thuế cao nhất khu vực

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng tai Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp ngày 18/5

Trả lời kiến nghị giảm gánh nặng thuế của Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Nguyễn Văn Thân tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp 2017, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, chi phí thuế của doanh nghiệp Việt Nam ở mức cao nhất khu vực là đúng.

Theo nghiên cứu "Khảo sát về Môi trường kinh doanh" của Ngân hàng Thế giới năm 2017, chi phí kinh doanh ở Việt Nam về cơ bản ở mức cao so với các nước trong cùng khu vực như Singapore hay Malaysia.

Đặc biệt, chi phí tiếp cận điện năng của Việt Nam cao gấp gần 49 lần so với Philippines. Chi phí nộp thuế cao nhất so với ASEAN 4, ở mức 39,1% lợi nhuận, cao hơn 2 lần so với Singapore.

Tương tự như vậy, chi phí tuân thủ chứng từ xuất khẩu cũng ở mức cao nhất, gấp gần 4 lần so với Singapore và hơn 3 lần so với Philippines. ASEAN 4 bao gồm Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippines.

Về kiến nghị chi phí thuế cao mà doanh nghiệp Việt đang phải gánh, Bộ trưởng Tài chính cho rằng chủ yếu do phần nghĩa vụ này tính cả thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và phần đóng BHXH, BHYT. Trong 39,1%, có 20% là thuế TNDN, khoảng 19% là các khoản đóng BHXH, BHYT, BHTN. Trong khi bình quân ở ASEAN, tổng mức đóng này là 33%, 65%. Riêng thuế TNDN là 21,8%, nhưng bảo hiểm của họ chỉ là 11,67%.

Theo người đứng đầu ngành tài chính, so với các nước cùng khu vực, chi phí thuế của Việt Nam thậm chí còn thấp hơn, nhưng tỷ lệ đóng bảo hiểm cao hơn nhiều. Ông Dũng cũng cho biết, sẽ tiếp tục xây dựng phương án để cắt giảm chi phí, tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, báo cáo VCCI chỉ ra rằng Việt Nam quy định đóng bảo hiểm ở mức 32,5% mức lương tháng trong đó doanh nghiệp đóng 22%, người lao động đóng 10,5%. Trong khi Malaysia chỉ đóng BHXH 13%, Phillippines 10%, Indonesia 8%.

Về chi phí lãi suất, Thống kê của Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho thấy, lãi suất bình quân Việt Nam hiện là 7-9%, trong khi Trung Quốc chỉ là 4,3%; Malaysia 4,6%; Hàn Quốc 2-3%; Nhật Bản 0,95%.

Đáng nói là với chi phí như vậy đòi hỏi người lao động phải tạo ra một giá trị nhất định, tức là năng suất lao động phải đạt ở mức đủ cao, thì doanh nghiệp mới có thể tồn tại được. Tuy nhiên, theo Tổ chức Lao động thế giới (ILO), năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn của Singapore tới gần 16 lần, thấp hơn Nhật Bản 11 lần và Hàn Quốc 10 lần.

Ngoài các vấn đề về chi phí, lãi suất, bảo hiểm của doanh nghiệp, Bộ trưởng Tài chính cũng trả lời các kiến nghị về giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xe ô tô nhập khẩu; thuế xuất khẩu các mặt hàng xi măng, thép, tôn, dây điện; áp dụng thuế với máy móc nông nghiệp chuyên dùng,... do VCCI gửi trước thềm Hội nghị.

Tin mới lên